Chủ nhật 08/09/2024 16:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500

13:39 | 07/08/2015

(Xây dựng) - Ngày 7/8, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Thanh Xuân và UBND quận Cầu Giấy tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận khẳng định, các đồ án quy hoạch kiến trúc đô thị được lập, thẩm định và phê duyệt trên địa bàn quận là căn cứ pháp lý quan trọng, mang tính quyết định trong quá trình xây dựng, quản lý và phát triển quận Thanh Xuân.

“Với đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500 được UBND TP phê duyệt đã đáp ứng được nguyện vọng của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn phường Nhân Chính nói riêng và quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy nói chung. Với trách nhiệm được UBND TP giao làm chủ đầu tư dự án, UBND quận Thanh Xuân quyết tâm quản lý chặt chẽ, đầu tư có hiệu quả, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng phục vụ đông đảo nhu cầu thụ hưởng văn hóa, thể dục thể thao của nhân dân. Đồng thời tạo lên một điểm sáng văn hóa, điều hòa không khí môi trường của Thủ đô và của khu vực”, ông Lưu chia sẻ.


Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: “Quận sẽ dành 250 tỷ đồng để triển khai đồ án quy hoạch”.

Cũng theo ông Lưu, dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng vào trung tuần tháng 8/2015 và dự kiến đặt tên là Công viên Thanh Xuân.

Khu vực nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500 thuộc địa giới hành chính phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Công viên hồ điều hòa Nhân Chính có phía Đông Nam giáp đường Lê Văn Lương; phía Tây Nam giáp đường Khuất Duy Tiến; phía Đông Bắc giáp đường Hoàng Minh Giám; phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch, liền kề khu liên cơ TP.

Tổng diện tích khu đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 18,23ha (bao gồm cả khu Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân và các khu đất phía trước khu Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân). Diện tích khu đất lập quy hoạch khoảng 13,23ha.

Việc điều chỉnh nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch chi tiết đã được UBND TP phê duyệt, nhằm xây dựng đồng bộ khu công viên cây xanh, hồ điều hòa phục vụ khu vực.

Xây dựng khu công viên cây xanh, vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời phục vụ cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao điều kiện sống, môi trường cảnh quan, tạo bộ mặt đô thị, đóng góp vào cảnh quan kiến trúc chung của khu vực.

Đề xuất quy định quản lý xây dựng theo Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết được duyệt, làm cơ sở để chủ đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng và làm cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Đồng thời, phải tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; tuân thủ nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết, các quy hoạch chi tiết đã được UBND TP phê duyệt trong khu vực nghiên cứu; tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và các quy định khác của cấp có thẩm quyền đối với phạm vi khu đất lập quy hoạch.

Giữ nguyên ranh giới, quy mô diện tích khu đất theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; tổ chức lại không gian kiến trúc các công trình trong các lô đất nhằm hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan của khu đô thị, gắn kết hài hòa với các dự án phát triển đô thị lân cận như: KĐT Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung khu vực.


Ông Lê Đại Thắng, Phó Phòng Thông tin quy hoạch (Sở Quy hoạch-Kiến trúc) công bố quyết định.

Khu Công viên hồ điều hòa Nhân Chính được chia làm 3 khu chức năng: Khu hồ điều hòa (ký hiệu HĐH) với diện tích khoảng 80.000m2, có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực; Khu vực công viên cây xanh cảnh quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời, đường dạo (ký hiệu CX) với diện tích khoảng 52.156m2; đất hạ tầng kỹ thuật: Trạm bơm (ký hiệu HT) với diện tích khoảng 200m2.

Quy hoạch không gian kiến trúc của Công viên hồ điều hòa Nhân Chính nhằm khai thác triệt để các yếu tố cảnh quan mặt nước hồ điều hòa. Khu công viên cây xanh được tổ chức tách biệt giữa khu vực tĩnh và khu vực động; tuy nhiên có bố trí xen kẽ giữa khu cây xanh, đường dạo, chòi nghỉ kết hợp với một số hoạt động thích hợp nhằm tăng sự hấp dẫn, thu hút, tránh cảm giác đơn điệu nhàm chán.

Khu vực động bao gồm vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời và khu vực quảng trường lễ hội được bố trí ở phía Bắc khu đất. Khu vực tĩnh bao gồm khu cây xanh cảnh quan kết hợp đường dạo, chòi nghỉ được bố trí ở phía Đông và Tây khu đất, nơi có các thềm đất mỏng gần mặt nước.

Trong khu công viên, tại ô đất ký hiệu CX, có bố trí nhà điều hành phục vụ công viên cao 2 tầng và các công trình kiến trúc nhỏ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, khu vệ sinh công cộng.


Toàn cảnh Hội nghị.

Khu vực cổng vào sẽ là điểm nhấn quan trọng của Công viên hồ điều hòa Nhân Chính gồm khu cổng số 1 (trên đường Hoàng Minh Giám, phía Đông Bắc khu đất) và Khu cổng số 2 (trên đường quy hoạch giáp khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phía Tây Bắc khu đất), được thiết kế theo phong cách kiến trúc thanh thoát, đơn giản, phù hợp với định hướng lâu dài là công viên mở. Tại các khu vực này có bố trí bãi đỗ xe phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách vãng lai.

Các công trình chòi nghỉ được bố trí tại các góc giao giữa đường Lê Văn Lương và đường Hoàng Minh Giám, đường quy hoạch 17,5m và đường Khuất Duy Tiến và bố trí rải rác trên các tuyến đường dạo. Các hạng mục kiến trúc này được thiết kế với phong cách kiến trúc đơn giản, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Hệ thống cây xanh cảnh quan được tổ chức tại những khu vực trọng điểm như các lối ra vào, những nơi có tầm nhìn thoáng. Từ đường vào tổ chức các lớp cây, cây cao, cây bóng mát, bóng trùm kết hợp cây cảnh, cây bụi và cỏ, mặt nước, tượng hay phù điêu và công trình kiến trúc ven hồ. Sử dụng các loại cây thẳng, phân cành cao, dáng cân đối, không sâu bệnh chịu được thời tiết khắc nghiệt, cây ít rụng lá trơ cành, xanh tốt quanh năm.

Mặt nước hồ điều hòa ngoài việc phục vụ điều hòa thoát nước, còn được khai thác tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho người dân và khách tham quan như chèo thuyền, xe đạp nước...


Phối cảnh công trình.

Xung quanh hồ tổ chức đường dạo, kết hợp với việc tổ chức trồng cây bụi nhằm tạo các điểm chuyển hướng sinh động. Bờ hồ được kè đá, tạo các lỗ rỗng để trồng cây tránh cảm giác khô cứng. Các không gian tiếp cận hồ nước bố trí theo dạng tầng bậc để khai thác cảnh quan hồ.

Quốc Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load