Thứ năm 10/10/2024 18:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP Thái Nguyên: Cơ hội “lấp” khiếm khuyết

14:48 | 10/03/2015

(Xây dựng) - TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được thành lập năm 1962 trên nền tảng của TX Thái Nguyên và việc xây dựng KCN Gang thép Thái Nguyên. Năm 1996, TP Thái Nguyên được phê duyệt đồ án quy hoạch chung, được xác định là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Năm 2002 được nâng lên thành đô thị loại II. Năm 2005, đồ án quy hoạch chung TP Thái Nguyên điều chỉnh lần thứ nhất được lập và phê duyệt, với tiêu chí định hướng không gian đến 2020.

Năm 2010, TP được nâng lên thành đô thị loại I, về trước theo thời gian dự kiến là năm 2015. Theo yêu cầu của thực tế phát triển, tháng 8/2012 tỉnh Thái Nguyên chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên lần thứ 2 định hướng phát triển theo thời gian dự kiến là 2035 và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Với mục tiêu: “Phát triển TP Thái Nguyên bền vững, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc bộ, để Thái Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội và trong tứ giác tăng trưởng về kinh tế ở phía Bắc” ta thử định những điều ước cho đô thị Thái Nguyên:

1. Sông Cầu trở nên thơ mộng tạo dựng nên hình ảnh “đáng nhớ” với những đô thị hiện đại, những công trình tiêu biểu, những công viên, những cây cầu, những khu dân cư có bản sắc, khu sinh thái, khu vui chơi, khu dịch vụ trải dài và soi bóng theo dòng sông. Dòng sông với giao thông mặt nước và những con đường. Bên bờ tạo nên mặt tiền để TP hướng ra sông, thế mạnh của dòng sông được khai thác với tên gọi TP phát triển bên sông.

2. Đường vòng tránh TP hiện tại được điều chỉnh về phía Đông của TP mở rộng, nó có thể bắt đầu từ cầu vượt Lạng Sơn, vượt qua sông Cầu nơi vào tỉnh lộ 265 qua địa bàn của xã Linh Sơn (Đồng Hỷ), kết nối với QL1B tại Hóa Thượng, hòa chung vào hệ thống giao thông quốc gia lên phía Bắc. TP Thái Nguyên sẽ không bị chia cắt giữa TP hiện hữu và TP mới phát triển về phía Tây với khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu công viên TDTT cấp vùng, vùng chè Tân Cương, khu đại học, các khu đô thị  phát triển tạo dựng nên hình ảnh TP bản sắc vùng trung du.

3. Cùng với đó hệ thống giao thông ngang Đông Tây TP với những không gian xanh tạo nên những điều của TP phát triển. Trục QL3 mới tuyến tránh TP biến thành trục giao thông chính của đô thị tạo bộ mặt mới của TP với những tổ hợp công trình tạo dấu ấn cho người dân và khu khách đến với Thái Nguyên.

4. Những điểm di tích, những điểm vui chơi giải trí, những công trình văn hóa đặc trưng (Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam) Quảng trường Võ Nguyên Giáp, chùa Phủ Liễn, chùa Hang, động Linh Sơn, sông Cầu, vùng đặc sản chè Tân Cương, Hồ Núi Cốc...) được sâu chuỗi thành tuyến du lịch địa phương để phục vụ nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực, một phần góp phần thúc đẩy du lịch địa phương hòa vào hệ thống du lịch của tỉnh và của  quốc gia.

5. Các xí nghiệp, nhà máy công nghiệp nặng, công nghiệp ô nhiễm được đưa khỏi TP, khu vực xây dựng khu Gang Thép Thái Nguyên được chuyển đổi thành KCN sạch, sinh thái, một nơi làm ra những sản phẩm công nghệ cao, không ô nhiễm môi trường.

6. Khu đô thị hiện hữu được nâng cao chất lượng với các trục thương mại sầm uất; các tòa công sở nghiêm trang, các không gian văn hóa đậm sắc thái vùng miền, các khu dân cư đô thị hiện đại, được tô điểm bằng các điểm nhấn, bằng các công trình đặc trưng, trong đó công trình trung tâm hành chính tập trung được xây dựng tại khu sân vận động Thái Nguyên, trừ trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên,  một số ban ngành, một số đơn vị sự nghiệp đã có trụ sở ổn định, không ảnh hưởng đến dây chuyền điều hành của hành chính công thì được xây dựng hợp khối ở đây, tạo thành một công trình biểu tượng, một công trình điểm nhấn của khu trung tâm TP Thái Nguyên. Trung tâm hành chính tập trung của TP Thái Nguyên được chuyển về tòa nhà HĐND, UBND của tỉnh hiện tại, tạo nên quần thể Trung tâm chính trị có tầm của TP Thái Nguyên.

Các khu dân cư trong TP hiện hữu được nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, các trục giao thông theo quy hoạch được hoàn chỉnh, cùng với đó, các tuyến phố đặc trưng gắn với nghề, tuyến phố đi bộ... hình thành tạo nên gương mặt mới cho khu vực đã được xây dựng của TP Thái Nguyên.

7. Vùng chè Tân Cương được bảo tồn và đầu tư tạo nên dấu ấn đặc biệt góp phần làm nên thương hiệu của TP Thái Nguyên; chè “Thái” không chỉ được biết đến với sản phẩm chè, mà còn là điểm đến để thưởng ngoạn về không gian chè “du lịch chè”... với các loại hình đặc trưng hấp dẫn và níu chân khách.

8. Khu đại học Thái Nguyên được đầu tư hoàn chỉnh, nó không chỉ là một địa chỉ đào tạo đa ngành chất lượng cao một trung tâm nghiên cứu khoa học của vùng, mà còn là một không gian xanh, một địa chỉ góp phần tạo dựng nên thương hiệu “TP Thái Nguyên” hiện đại và bản sắc.

9. Vùng du lịch Hồ Núi Cốc sẽ là điểm đến với những khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu văn hóa, khu ẩm thực... đặc biệt những khu sinh thái hấp dẫn để du khách đến nghỉ dưỡng, tái tạo sức khỏe sau những ngày lao động... và nhiều điều ước nữa đối với mỗi chúng ta.

Không gian đô thị TP Thái Nguyên “TP phát triển bên dòng sông” đang được tạo dựng, đồ án điều chỉnh đến 2035 đang được lập, hãy thực sự thận trọng, đây là cơ hội để điều chỉnh những khiếm khuyết, để những động lực, những tiền đề của vùng đất được khơi dậy, thức tỉnh biến những ước mơ thành hiện thực và đi vào cuộc sống.

KTS Nguyễn Văn Cường
Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load