Thứ bảy 20/04/2024 20:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035: Không khống chế chiều cao tối đa các công trình

09:12 | 03/12/2018

(Xây dựng) – “Không khống chế chiều cao tối đa các công trình; lấn biển để phát triển các dự án dịch vụ du lịch, công cộng cao cấp, tạo ra sự khác biệt với các dự án khác”, đây là những điểm nổi bật của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu lần này.


Theo đồ án quy hoạch lần này, TP Vũng Tàu có 11 phân khu chính.

Theo ông Mai Ngọc Thuận – Bí thư Thành ủy TP Vũng Tàu, với lần điều chỉnh quy hoạch này, thành phố mong muốn đồ án sẽ là cơ sở để tạo ra được một chuyển biến mới trong việc xây dựng thành phố thành đô thị hiện đại, văn minh, ấn tượng.

Sự cần thiết xây dựng đồ án

Là đô thị trung tâm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), đồng thời là một đô thị cấp vùng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Vũng Tàu cách TP Hồ Chí Minh 120km, được xác định là trung tâm công nghiệp dịch vụ khai thác dầu khí và dịch vụ du lịch của quốc gia.

Trong những năm qua, Vũng Tàu có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hoá cao, vì thế, việc để điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển hiện tại và tương lai nhằm mục tiêu hướng đến một đô thị dịch vụ du lịch, tài chính, thương mại tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế là thực sự cần thiết.

Theo quy hoạch chung 1/10.000 TP Vũng Tàu hiện đang có hiệu lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005 có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế phát triển như: Khống chế chiều cao của các công trình, dẫn đến hạn chế phát triển, không tạo ra được điểm nhấn cho thành phố; nhiều phân vùng chức năng cũng không còn phù hợp, nhất là khi tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh trong thời gian gần đây.

Trước tình hình đó, ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035. Căn cứ vào nhiệm vụ này, UBND thành phố đã tổ chức lập đồ án điều chỉnh quy hoạch. Hiện tại, nội dung đồ án đã được toàn thể nhân dân thành phố đóng góp ý kiến đồng tình ủng hộ và đã được Thường trực UBND tỉnh cũng như Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Và sau đó, tỉnh đã chính thức có tờ trình trình Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này được lập trên toàn bộ phạm vi, ranh giới diện tích tự nhiên (gồm bán đảo Vũng Tàu, đảo Long Sơn và đảo Gò Găng), có tổng diện tích 15.043ha và quy mô dân số chính thức khoảng 650.000 người (khả năng đáp ứng 700.000 – 800.000 người).

Ông Nguyễn Lập – Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết: Quy hoạch chung TP Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh lần gần nhất từ năm 2005 đến nay đã 13 năm, cần phải được rà soát, điều chỉnh kịp thời làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị. Quy hoạch lần này, tập trung vào việc rà soát tình hình thực hiện quy hoạch năm 2005, đánh giá các việc làm được, chưa làm được để tiếp tục thực hiện hoặc hủy bỏ nếu không còn phù hợp; điều chỉnh bổ sung quy hoạch về tầng cao, quy hoạch khai thác hiệu quả vùng mặt nước ven biển, khu sinh thái ngập mặn, khai thông hệ thống kênh rạch… của thành phố.

Quy hoạch chung điều chỉnh lần này sẽ là bước đột phá, là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh BR-VT và TP Vũng Tàu tiếp đón các dự án đầu tư có quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai lập phê duyệt các quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 và dự án đầu tư xây dựng.

Các điểm nổi bật của đồ án

Điểm nổi bật của đồ án điều chỉnh quy hoạch TP Vũng Tàu lần này là không khống chế chiều cao tối đa các công trình mà chỉ khống chế hệ số sử dụng đất (tổng diện tích sàn/diện tích đất), khống chế tầm nhìn theo góc tới hạn, đối với khu vực gần núi thì khống chế chiều cao không cao quá 2/3 núi. Đây là giải pháp tạo điểm nhấn cho thành phố bằng các công trình hiện đại, ấn tượng, đáp ứng được nhu cầu xây dựng phát triển khi mà quỹ đất đang ngày càng thu hẹp.


Điểm nổi bật của đồ án điều chỉnh quy hoạch TP Vũng Tàu lần này là không khống chế chiều cao tối đa các công trình mà chỉ khống chế hệ số sử dụng đất, khống chế chiều cao không cao quá 2/3 núi.

Không khống chế tầng cao tại 02 quảng trường biển. Trong đó có một vài cụm rất cao tầng (từ 30 – 45 tầng), dàn đều độ cao trung bình (20 tầng), xen kẽ thấp tầng (≤ 05 tầng).

Đặc biệt, đồ án lần này đề cập đến vấn đề lấn biển, trong đó, thống nhất việc lấn biển không phải để mở rộng thêm diện tích đất xây dựng đô thị mà chỉ xem xét lấn biển để phát triển các dự án dịch vụ du lịch, công cộng cao cấp, tạo ra sự khác biệt với các dự án khác. Với tiêu chí, chỉ lấn biển để cải tạo, chỉnh trang tại các khu có bãi đá ngầm, có địa chất tốt, có cảnh quan xấu, các khu đầm lầy; chỉ xây dựng các công trình lấn biển theo điểm nhìn, hạn chế tối đa việc kéo dài theo chiều ngang che chắn tầm nhìn biển, trong đó có các khu vực Bãi Trước – Bãi Dâu, mũi Nghinh Phong, Chí Linh – Cửa Lấp và một số khu vực khác.    

Đối với Dự án công viên Bàu Sen trước đây được quy hoạch là công viên cây xanh, tuy nhiên, do thực tế hiện nay diện tích công viên bị thu hẹp, do dân cư hiện hữu đang sinh sống tại khu vực giáp các tuyến giao thông chính. Vì vậy, trong quy hoạch lần này thống nhất thu hẹp diện tích công viên để quy hoạch mảng xanh công cộng thành phố, nhằm tăng tính khả thi của đồ án.

Giữ cấu trúc không gian đô thị cũ để ổn định phát triển

Tại đồ án lần này tiếp tục duy trì các cấu trúc không gian của TP Vũng Tàu đã được xác định từ đồ án quy hoạch trước đây. Cấu trúc không gian đô thị xác định dựa trên cấu trúc tự nhiên và cấu trúc không gian kinh tế, bao gồm cấu trúc tự nhiên như hệ thống bờ biển kết hợp với sinh thái rừng ngập mặn, khu vực Gò Găng, Long Sơn, Bắc Phước Thắng… Và các địa hình đặc trung Núi Lớn, Núi Nhỏ, Núi Nứa, hệ thống kênh rạch…

Cấu trúc không gian kinh tế bao gồm 03 hành lang kinh tế: Công nghiệp – Đô thị - Du lịch và 02 cụm động lực kinh tế: Long Sơn – Gò Găng. Do vậy, cấu trúc phát triển không gian đô thị được định hướng tiếp tục ổn định theo quy hoạch cũ 2005 và theo mô hình tuyến – cụm và vành đai sinh thái.

Trong đó, các tuyến theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, bao gồm trục công nghiệp, cảng dọc đường 30/4 (QL51A), trục đô thị dọc đường 2/9 (QL51B) và trục du lịch dọc đường 3/2 (QL51C).

Còn vành đai sinh thái đô thị bao gồm: Vùng sinh thái sông rạch ngập mặn Cửa Lấp, Bắc Phước Thắng, Gò Găng, Long Sơn và hành lang ven biển.  

Với tổng diện tích khu vực lập điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035 là 15.043ha (tăng hơn 1.000ha so với quy hoạch năm 2005). Nhằm hướng đến 1 thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng, thành phố không quy hoạch khu công nghiệp chế biến hải sản tập trung mà chỉ quy hoạch xây dựng trung tâm nghề cá tại đảo Gò Găng theo đề án của Chính phủ và chủ trương của tỉnh với quy mô diện tích vừa phải, chỉ tiếp nhận các loại hình chế biến tinh, phục vụ du khách, không gây ô nhiễm môi trường.

Các khu vực sinh thái ngập mặn Bắc Phước Thắng, đảo Gò Găng, Long Sơn, khu vực ven sông rạch chỉ nghiên cứu quy hoạch mật độ thấp từ 15 - 25% và khuyến khích sử dụng vật liệu tự nhiên.

Nói về quá trình tổ chức rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035, ông Mai Trung Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh BR-VT cho biết: “Quy hoạch chung xây dựng TP Vũng Tàu đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 235/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005. Đến nay, do vai trò cũng như tình hình phát triển kinh tế – xã hội của TP Vũng Tàu có nhiều bước phát triển; đồng thời đồ án cũng đến thời hạn rà soát báo cáo theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị nên UBND tỉnh BR-VT đã giao UBND TP Vũng Tàu tổ chức lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung với những lý do thiết thực.

Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh BR-VT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 606/QĐ-TTg ngày 04/5/2017. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được các sở, ngành liên quan góp ý, đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi người dân tại 17 phường, xã của thành phố; được HĐND thành phố tổ chức thông qua; phương án quy hoạch đã được báo cáo Thường trực UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận.

Ngày 12/10 vừa qua, đại diện lãnh đạo tỉnh BR-VT và TP Vũng Tàu đã báo cáo sơ bộ đồ án quy hoạch trên với Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng. Sau khi hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, tỉnh BR-VT đã chính thức có tờ trình trình Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Mạnh Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load