Dân số bùng nổ, đô thị phát triển nhanh và tự phát, chất lượng cuộc sống ở mức thấp với tình trạng ùn tắc giao thông và ngập nước triền miên đang diễn ra ở TP.HCM. Người dân đòi hỏi cơ quan chức năng phải nỗ lực hơn nữa trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị.
Kỳ vọng những dự án giao thông
Một trong những nỗ lực của TP.HCM trong những năm qua là quy hoạch các tuyến đường giao thông trọng điểm, tuyến vành đai kết nối phát triển các KĐT vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm TP.
Điểm sáng nhất của giao thông trong năm 2011 là việc đưa vào lưu thông toàn tuyến đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm nay đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo từ đông sang tây TP, đánh thức tiềm năng của Q.2 và các quận ven đại lộ. Đại lộ này có vai trò rất lớn trong việc giải tỏa tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trong nội thành. Trong tương lai, điểm đầu của đại lộ Võ Văn Kiệt phía huyện Bình Chánh sẽ được kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và khu vực điểm cuối của đại lộ Đông Tây, Q.2 sẽ được kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, giúp giao thông từ các tỉnh ĐBSCL qua TP.HCM đi Đông Nam bộ và các tỉnh miền Trung, miền Bắc thông suốt.
Trong năm 2012, TP dồn sức thực hiện hàng loạt công trình trọng điểm, giải quyết bài toán lưu thông tại các cửa ngõ TP. Trong đó cầu Sài Gòn 2 với 6 làn xe, có vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ khởi công trong quý I/2012 và hoàn thành sau 22 tháng. Cầu có chiều dài 995m, rộng 23,5m cho bốn làn xe cơ giới và thô sơ lưu thông. Tương tự, cầu Thủ Thiêm 2 kết nối Q.1, Q.2 có quy mô 4 làn xe, vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng cũng sẽ được khởi công trong năm nay.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở GTVT trong năm 2012 phải tăng đầu tư mở rộng xa lộ Hà Nội, QL13, tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, GPMB của 4km đường nối từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2...
Đối với các nút thắt gây ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ TP cũng sẽ quyết tâm xây dựng trong năm 2012.
Nỗ lực xóa ngập nước
Cùng với nạn ùn tắc giao thông, ngập nước đang là nỗi bức xúc của người dân TP.HCM trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết, trong năm 2011, Trung tâm đã khảo sát, tìm kiếm nguyên nhân gây ngập, nghiên cứu các giải pháp cấp bách để thực hiện kéo giảm tình trạng ngập trong khi chờ các dự án lớn triển khai. Nguyên nhân được xác định là do tình trạng lấn chiếm kênh rạch, công trình thủy lợi, xâm hại hệ thống thoát nước liên tục xảy ra.
Trong một số điểm ngập sẽ được xóa trong năm 2012 gồm đường An Dương Vương, đường Hậu Giang, đường Phan Anh (Q.6), đường Lãnh Binh Thăng (Q.11), đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh)… Ngoài mục tiêu xóa 10 điểm ngập trong năm 2012, TP sẽ ưu tiên vốn, nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư để có thể khởi công các công trình xóa 21 điểm ngập còn lại vào đầu năm 2013. Theo đó, mục tiêu đến 2015 sẽ cơ bản xóa tất cả các điểm ngập, không để phát sinh điểm ngập mới.
Bài toán bùng nổ đô thị và dân số
Theo nhận định của KTS Lưu Trọng Hải, đô thị TP.HCM đang quá tải, người Pháp quy hoạch Sài Gòn chỉ cho 400 nghìn người, hiện nay tăng hơn 10 lần. Năm 2010, dân số TP.HCM khoảng 7,2 triệu người thường trú; trong đó sống trong các KĐT khoảng 6,32 triệu người. Và đến năm 2015, dân số khoảng 8,2 triệu người; trong đó dân số sống trong các KĐT khoảng 7,5 triệu người.
Để giải bài toán này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, chương trình phát triển nhà ở của TP.HCM, từ năm 2010 các khu phố cũ trung tâm sẽ được chỉnh trang và xây mới, chuyển đổi mô hình từ nhà thấp sang nhà cao tầng hiện đại; giảm dân số, giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao công trình, tăng công viên cây xanh...
Bản điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010 xác định rất rõ mô hình phát triển của TP: Tập trung - đa cực. Trong đó, khu vực trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu với bán kính 15km và 4 cực phát triển theo hướng đông, nam, tây - bắc, tây - nam. Tuy nhiên, theo ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM thì, chủ trương phát triển đô thị tập trung theo dự án đã được quán triệt, song cách làm chưa phát huy được hiệu quả. Việc phát triển không gian đô thị trong thời gian qua chưa thật hợp lý. Do đó việc xây dựng mô hình đa trung tâm được xác định ở 4 cửa ngõ của TP với mục tiêu kéo giãn sự tập trung quá mức tại khu trung tâm phải được triển khai đúng mức.
Theo ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP.HCM, trong định hướng quy hoạch đến 2015, TP.HCM đang tập trung xây dựng nhằm tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó đề ra mục tiêu xây dựng TP.HCM phát triển bền vững, nâng cao khả năng thích nghi ứng phó với biển đổi khí hậu, để trở thành một TP văn minh hiện đại, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Diễm Quỳnh
Theo baoxaydung.com.vn