Thứ sáu 29/03/2024 01:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Diễn biến mới vụ tranh chấp tại cà phê Trung Nguyên 

19:02 | 30/06/2020

(Xây dựng) - Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm để tố cáo hành vi thao túng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; sử dụng tài liệu, giấy tờ giả mạo để nhằm lừa đảo cơ quan chức năng và cưỡng đoạt quyền lợi hợp pháp của người quản lý, điều hành doanh nghiệp; Xâm hại thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

dien bien moi vu tranh chap tai ca phe trung nguyen
Dựa trên tài liệu giả mạo này, ngày 21/4/2016, GPĐKKD được thay đổi. Ngày 13/5/2016, Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức khống chế nhà máy ngay trong đêm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà Thảo trong suốt hơn 4 năm qua.

Theo đơn của bà Thảo, nguyên nhân bắt đầu từ việc, một nhóm người đã lợi dụng ông Đặng Lê Nguyên Vũ để đơn phương tổ chức các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị để ban hành Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 29/3/2016 nhằm thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (gọi tắt là Công ty Hòa tan), có trụ sở tại: Khu A, Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương.

Tố cáo có hành vi giả mạo giấy tờ tài liệu xâm hại thương hiệu cà phê Trung Nguyên

Cũng theo đơn này, Nguyễn Duy Phước - Trưởng Phòng Pháp lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã cắt ghép làm giả hồ sơ tài liệu của buổi họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trung Nguyên ngày 26/12/2011. Từ đó sử dụng để thực hiện đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Hòa tan.

Sau đó, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương căn cứ vào các hồ sơ này để cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi lần 8 vào ngày 21/4/2016 liên quan đến việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Hoà tan từ cá nhân bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Tuy nhiên, trong hồ sơ nộp để thực hiện việc đăng ký thay đổi Giấy phép kinh doanh lần 8 do Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Dương cấp được căn cứ theo các tài liệu được xác định là giả mạo theo Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Cụ thể qua cả 2 lần giám định đều đã xác định các tài liệu này bị cắt ghép, phôtô không cùng nguồn gốc (Kết luận giám định số 14/C09-P5 ngày 30/01/2019 và Kết luận giám định số 92/C09-P5 ngày 24/05/2019).

Việc làm này theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã làm phát sinh rất nhiều hậu quả nghiêm trọng và phức tạp, các tranh chấp liên quan diễn ra trong thời gian dài (hơn 4 năm) từ tháng 11/2015 cho đến nay, gây nguy cơ cho một doanh nghiệp rất lớn trong hoạt động và giao dịch với các đối tác nước ngoài đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý trong thương mại quốc tế.

Ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 63/CSKT(Đ4) về vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty Hoà tan. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Dương vẫn chưa khởi tố bị can để xử lý các đối tượng liên quan đã thực hiện các hành vi sai trái pháp luật.

Đồng thời, trước đó, trong các ngày 24/7/2019, 21/8/2019 và 11/9/2019 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã liên tiếp có các Văn bản số 1400/SKHĐT-ĐKKD; Văn bản số 1652/SKHĐT-ĐKKD (lần 2) và Văn bản số 1817/SKHĐT-ĐKKD (lần 3) gửi Công an tỉnh Bình Dương để yêu cầu xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo hay không? Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Dương vẫn chưa trả lời cho Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương biết để làm căn cứ cho việc Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi lần 8 và khôi phục lại Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi lần 7 của Công ty Hòa tan.

Cũng theo bà Thảo, từ việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Hòa tan mà bắt nguồn từ hồ sơ giả mạo đã dẫn đến việc một nhóm người (trong đó có ông Nguyễn Duy Phước, Nguyễn Văn Đông) lấy danh nghĩa được ông Đặng Lê Nguyên Vũ ủy quyền đã thuê một đội ngũ lực lượng bảo vệ gần 100 người khống chế tại trụ sở Công ty Hoà tan tại Bình Dương để đe doạ, xua đuổi toàn bộ các cán bộ quản lý ra khỏi nhà máy, không cho các công nhân vào làm việc, cướp nhà máy ngay trong đêm, gây rối trật tự công cộng. Sau đó, cưỡng đoạt tài sản, lấy hết toàn bộ hàng hoá thành phẩm, nguyên vật liệu rất lớn, đồng thời cho di chuyển phần lớn các máy móc thiết bị quan trọng của Công ty Hòa tan, tẩu tán đi nơi khác, kèm theo đó là huỷ các giấy tờ chứng từ sổ sách kế toán của Công ty… gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.

Sau đó, theo bà Thảo, mặc dù bà đã nhiều lần có Đơn gửi Công an tỉnh Bình Dương từ ngày 26/6/2019, nhưng đến nay (24/6/2020 - PV) tròn 1 năm mà Công an tỉnh Bình Dương vẫn chưa giải quyết.

Tài sản thất thoát lớn hơn nhiều so với số liệu công bố

Theo bà Thảo, những hành vi trên diễn ra trong suốt một thời gian dài làm cho hoạt động quản lý của Trung Nguyên bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát với hàng loạt sai phạm gây ra thiệt hại ước tính qua 2 năm (2015-2016) đối với các khoản chi sai nguyên tắc này lên đến trên 886 tỷ đồng theo sao kê giao dịch do Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.

Các con số nêu trên đây theo bà Thảo: Chỉ mới được tính toán từ số liệu thu chi qua một tài khoản Ngân hàng Vietcombank của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên do TAND thành phố Hồ Chí Minh thu thập được trong vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại về việc miễn nhiệm chức vụ của tôi (trong khi đó Tập đoàn Trung Nguyên có hơn 20 số tài khoản tại các Ngân hàng khác nhau).“Vì vậy, con số thất thoát thực tế có thể còn lớn hơn nhiều nếu toàn bộ số liệu thu chi của tất cả các tài khoản ngân hàng của Tập đoàn đều được thu thập và phân tích một cách đầy đủ, toàn diện”, bà Thảo trình bày trong đơn.

Ngoài ra, trong đơn này, bà Thảo còn tố cáo dấu hiệu chiếm đoạt 132 tỷ đồng thông qua việc mua ôtô của Trung Nguyên trong khoảng thời gian từ 01/01/2015 đến 24/01/2017; dấu hiệu chiếm đoạt hơn 65 tỷ đồng thông qua việc chi tiền cá nhân, không có căn cứ chi hợp pháp và không tuân thủ theo Luật về Kế toán và Điều lệ của Công ty và dấu hiệu đưa đưa hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến số tiền 124 triệu đồng…

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị Bộ Công an sớm chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Dương sớm khởi tố bị can đối với Nguyễn Duy Phước về tội làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Đồng thời tiến hành điều tra và khởi tố các đối tượng có liên quan đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng xảy ra tại Công ty Hòa tan trong thời gian qua.

Ngoài ra đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đề nghị Công an tỉnh Bình Dương xem xét trả lời Văn bản số 1400/SKHĐT-ĐKKD của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương, để từ đó làm căn cứ cho việc: Hủy bỏ thay đổi trong nội dung Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp của Công ty Hòa tan số 3700544850 đăng ký thay đổi lần thứ 8 và khôi phục lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 của Công ty Hoà Tan, bởi nếu sự việc tiếp tục chậm trễ thì hậu quả ngày càng nghiêm trọng và khó có thể khắc phục được.

Tuấn Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load