(Xây dựng) - Theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản có thể chịu mức phạt tối đa lên tới 2 tỷ đồng. Thông tin này thu hút sự quan tâm lớn của bạn đọc. Bên cạnh đó, ngày 6/4, trên Báo điện tử Xây dựng còn có một số tin tức nổi bật khác như: Công bố kết quả bình chọn thương hiệu Xây dựng quốc gia trong tháng 4; Chạy thử kỹ thuật đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào tháng 10; Đà Nẵng đề xuất các phương án đầu tư dự án di dời ga đường sắt; TP.HCM nỗ lực cải tạo, xây mới chung cư cũ.
Phạt tới 2 tỷ đồng vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Ảnh minh họa.
Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Công bố kết quả bình chọn thương hiệu Xây dựng quốc gia trong tháng 4
Báo Xây dựng vừa tổ chức Hội nghị xin ý kiến của các Cục, Vụ về về việc bình chọn thương hiệu doanh nghiệp Xây dựng quốc gia năm 2017. Được lãnh đạo Bộ Xây dựng cho phép, kết quả cuộc bình chọn của bạn đọc Báo Xây dựng điện tử về thương hiệu xây dựng tiêu biểu sẽ được công bố trên sóng truyền hình Việt Nam.
Đại diện các đơn vị đánh giá chương trình hết sức có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Xây dựng, đồng thời thống nhất quan điểm cần phân biệt rõ, cụ thể đối với những nhóm thương hiệu như: vật liệu, xây lắp, tư vấn, đào tạo…. đảm bảo mỗi lĩnh vực đều có những đại diện uy tín, đủ những điều kiện để độc giả tôn vinh. Trước khi công bố tôn vinh thương hiệu cần phối hợp với các Sở Xây dựng, cơ quan thuế tại địa phương nơi có trụ sở của cơ quan, doanh nghiệp để thẩm định.
Chạy thử kỹ thuật đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào tháng 10
Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, Chính phủ đã “chốt” với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong quý 1/2018, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông phải đưa vào khai thác thương mại. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ quyết tâm đến tháng 10 tới phải chạy thử kỹ thuật trong vòng từ 3-5 tháng và cố gắng đưa vào hoạt động trong quý 1/2018.
Hiện Ban Quản lý dự án đường sắt vẫn đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu khẩn trương triển khai, thực hiện các hạng mục còn lại, đặc biệt là các hạng mục “đường găng” tiến độ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận hành chạy thử đồng thời khẳng định không lùi các mục tiêu đã đặt ra đối với dự án.
Đà Nẵng: Đề xuất các phương án đầu tư dự án di dời ga đường sắt
TP Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, có ý kiến thống nhất và cùng TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương triển khai đầu tư dự án di dời ga đường sắt và một số công trình liên quan ra khỏi khu vực trung tâm thành phố.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư, xây dựng tuyến tránh qua trung tâm thành phố dài 18,26km; cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến cũ dài 7km; xây dựng nhà ga hành khách mới với chức năng đón, trả khách thay cho khu ga Đà Nẵng hiện tại; nâng cấp ga Lệ Trạch để đảm nhận khối lượng xếp dỡ của ga Đà Nẵng hiện tại; xây mới cầu Nam Ô và cầu Quan Nam; xây dựng hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ phục vụ; di dời máy móc thiết bị bị khu đầu máy toa xe tại khu ga mới. Kinh phí đầu tư giai đoạn I là 3.451 tỷ đồng. Trên cơ sở phân kỳ giai đoạn, UBND TP đề xuất các phương án đầu tư dự án di dời ga đường sắt.
TP.HCM nỗ lực cải tạo, xây mới chung cư cũ
Trong quá trình kiểm định 474 chung cư cũ, UBND các quận trên địa bàn TP.HCM đã rà soát những chung cư được xây dựng trước và sau 1975 có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Để thuận tiện trong quá trình cải tạo xây dựng mới chung cư cũ, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định phân công ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện các thủ tục đầu tư, cải tạo chung cư cũ.
Khi cải tạo, xây mới chung cư cũ tại TP.HCM, người dân được bố trí tái định cư theo nguyên tắc diện tích căn hộ tái định cư sẽ tối thiểu bằng 1,1 lần diện tích căn hộ cũ và người dân không phải trả thêm tiền. Trường hợp diện tích căn hộ cũ nhỏ hơn 25m2 khi bố trí tái định cư được bố trí căn hộ bằng 25m2 (đây là chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người dân không thu tiền).
Báo điện tử Xây dựng
Theo