(Xây dựng) - Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hà Nam, yêu cầu Đà Nẵng báo cáo vụ việc Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hà Nội rà soát tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tăng thêm công viên, bãi để xe; Nga sẽ là thị trường nhập khẩu chiến lược của ngành thép Việt Nam;... Đây là một số tin tức nổi bật nhất trên Báo điện tử Xây dựng ngày 04/4.
Điều chỉnh quy hoạch các KCN tỉnh Hà Nam
Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đến năm 2020.
Các KCN Đồng Văn I - II - III, KCN Châu Sơn, Liêm Phong, và Liêm Cần - Thanh Bình nằm trong danh sách điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng hoặc dịch chuyển vị trí, sáp nhập với KCN khác và đổi tên thành khu công nghiệp mới. Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Nam thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Hà Nam cho phù hợp theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh Hà Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.
Thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ việc Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3206/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng báo cáo vụ việc liên quan đến Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng, an ninh quốc phòng và các quy định pháp luật có liên quan, những biện pháp đã xử lý của thành phố. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2017.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quy hoạch thêm công viên, bãi để xe
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP Hà Nội rà soát tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội để đề xuất, điều chỉnh phù hợp; khi quy hoạch, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp cần lưu ý bố trí tăng thêm công viên, các hồ để phục vụ người dân và tăng khả năng điều hòa nước, hạn chế ngập úng.
Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội rà soát lại các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, trong đó lưu ý quy hoạch giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, thống nhất với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt, chú ý quy hoạch các không gian ngầm; tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối khu vực nội đô với khu vực ngoại thành và các đô thị vệ tinh; chú trọng đầu tư xây dựng các nút giao thông kết nối các bến xe, bãi để xe; xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể, xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội hóa; kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả đầu tư xây dựng.
Hơn 10.000 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước ở Hà Nội chưa đủ điều kiện bán
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 04/4, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết tổng quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Hà Nội là trên 167.000 căn và có hơn 10.000 căn thuộc diện không đủ điều kiện để thực hiện bán.
Trong đó có 1.698 căn vướng quy hoạch, dự án giải phóng mặt bằng; các căn khác rơi vào các trường hợp: nhà thuộc danh mục phố cổ hay vướng do không ký được hợp đồng thuê nhà, diện tích nhỏ, hộ khẩu ngoại tỉnh không đủ điều kiện ký hợp đồng hoặc đang có tranh chấp, khiếu kiện,...
Trong tháng 4/2017, Sở Xây dựng sẽ báo cáo TP Hà Nội để thông báo đến các cơ quan Trung ương và TP đang quản lý nhà ở diện tự quản phải bàn giao sang TP để thực hiện việc bán nhà và cấp giấy chứng nhận, tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành tham gia hội đồng xác định giá bán và tổ công tác liên ngành để kiểm tra, thẩm định giá bán nhà.
Nga sẽ là thị trường nhập khẩu chiến lược của ngành thép Việt
Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 mới được Bộ Công Thương công bố, dự báo lượng thép nhập khẩu từ thị trường Nga trong thời gian tới sẽ tăng mạnh nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).
Báo cáo cho thấy lượng thép nhập khẩu từ Nga trong năm qua đã tăng 14,96% so với năm 2015, đạt 514,5 nghìn tấn. Bên cạnh đó, theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam (EAEU), lộ trình giảm thuế đối với mảng sắt thép sẽ được triển khai.
Triển vọng cho xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2017 được dự báo khả quan, dự báo xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu thép vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thép giá rẻ từ một số quốc gia và nhiều vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các nước nhập khẩu.
Báo điện tử Xây dựng
Theo