Thứ tư 11/09/2024 23:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Điểm tin 26/12: Cơ chế đặc thù cho Dự án Sân bay Long Thành

09:11 | 27/12/2016

(Xây dựng) - Thủ tướng chỉ đạo cơ chế đặc thù cho Dự án Sân bay Long Thành; Ngành thép nhập siêu “khủng” hơn 6,7 tỷ USD; Phấn đấu 100% đô thị được cấp nước sạch; Chuyên gia đô thị ủng hộ TP HCM sáp nhập một số quận;... là một số tin tức nổi bật trên Báo điện tử Xây dựng ngày 26/12.

Thủ tướng chỉ đạo cơ chế đặc thù cho Dự án Sân bay Long Thành

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế đặc thù của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.


Một phương án phối cảnh dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, ​UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thẩm định Khung chính sách theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngành thép nhập siêu “khủng” hơn 6,7 tỷ USD

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, sắt thép đứng thứ 5 trong top 10 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất 11 tháng năm 2016.

Cả nước đã chi hơn 7,6 tỷ USD nhập khẩu 17,65 triệu tấn sắt, thép các loại. Trong đó, phôi thép chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, khoảng hơn 1 triệu tấn, đạt giá trị 320 triệu USD. Ngoài ra, nhập khẩu nhóm sản phẩm từ sắt, thép cũng tăng mạnh đạt 2,8 tỷ USD. Trong khi ở chiều ngược lại, tính đến 15/12, Việt Nam xuất khẩu được 3,2 triệu tấn thép, trị giá 1,8 tỷ USD. Nhóm sản phẩm từ sắt thép xuất khẩu được 1,88 tỷ USD. Tổng cộng, kim ngạch xuất khẩu sắt thép đạt khoảng 3,7 tỷ USD.

Như vậy, cả nước nhập siêu 6,7 tỷ USD trong ngành thép. Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nhập khẩu thép có xu hướng giảm cả số lượng và giá về cuối năm. Song 11 tháng năm 2016, lượng nhập khẩu thép cả nước vẫn tăng 22,5% về lượng so với cùng kỳ.

Phấn đấu 100% đô thị được cấp nước sạch

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định; các khu công nghiệp được cấp nước đầy đủ theo yêu cầu áp lực và lưu lượng.

Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%; dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày.

Công bố 8 vùng nguy cơ bão, nước biển dâng và vùng gió ở đất liền

Để có cơ sở xây dựng các phương án ứng phó kịp thời thiên tai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký Quyết định sô 2901/QĐ-BTNMT công bố Kết quả phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão và phân vùng gió cho các vùng sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ.

Đặc biệt, việc phân vùng gió mạnh, mưa lớn cho các khu vực ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ sẽ giúp cho cơ quan chức năng, các địa phương có thêm những thông tin quan trọng, hữu ích trong công tác chỉ đạo, phòng chống thiên tai, cũng như các hiện tượng khó lường của biến đổi khí hậu.

Theo đó, Kết quả phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão và phân vùng gió cho các vùng sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ, được thực hiện tại 8 vùng trên toàn lãnh thổ, vùng ven biển và đảo ven bờ của Việt Nam. Trong đó, có 5 vùng ven biển và 3 vùng nằm sâu trong đất liền.

Chuyên gia đô thị ủng hộ TP HCM sáp nhập một số quận

Trước việc TP.HCM nghiên cứu đề án sáp nhập một số quận, phường nội đô để tinh giản biên chế, ngày 26/12 PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM) nói, ông ủng hộ ý tưởng này dù nó không mới, do thành phố từng đề xuất xây dựng chính quyền đô thị. Đánh giá đây là một đề án lớn, ông Hòa khẳng định thành phố cần sự xem xét tổng thể và xin ý kiến người dân.

Đồng quan điểm, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, chủ trương sáp nhập một số quận để tinh giản biên chế, tạo hiệu quả trong quản lý chính quyền là một quan điểm tốt. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế làm ở quận nào phải có sự cân nhắc theo từng trường hợp, chứ không thể vội vàng làm theo kiểu "cứ ở gần nhau thì sáp nhập".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nói rằng, chia tách hay sáp nhập quận huyện tại một đô thị lớn là việc bình thường, tùy theo mỗi giai đoạn phát triển. Trước đây thành phố đã từng tách các quận, huyện lớn như Tân Bình, Thủ Đức, Hóc Môn. "Sáp nhập nên nhìn trên bình diện tổng thể ở mọi yếu tố như kinh tế, dân số, giao thông, hạ tầng... Do đó, thành phố phải có được quy hoạch tổng thể rồi mới tính đến việc sáp nhập, tránh việc thực hiện manh mún", ông Đực đề xuất.

Báo điện tử Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load