(Xây dựng) – Tổng kết dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng”, 6 kết quả quan trọng được ghi nhận; Ổn định giá cát xây dựng: Cần sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương; Điều chỉnh quy hoạch cảng cá khu vực đảo Cát Bà; Hà Nội quyết hạ cốt đê Nghi Tàm để xây cầu vượt An Dương; ACV dự chi 2.000 tỷ đồng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất;… Đây là một số tin tức đáng chú ý trên Báo điện tử Xây dựng ngày 20/6.
Tổng kết dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng”
Ngày 20/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng” (VCEP) thuộc Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam.
Với sự hỗ trợ có hiệu quả của dự án, ngày 11/5/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của ngành Xây dựng, trong đó có nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng.
Dự án thúc đẩy việc sử dụng các VLXD xanh nhằm mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng năng lượng trong suốt vòng đời công trình.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị USAID, Winrock phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường – Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan của phía Việt Nam để tiến hành bàn giao các tài liệu, sản phẩm, kết quả của dự án nhằm sử dụng, phổ biến và tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm trong thời gian tới…
Ổn định giá cát xây dựng: Cần sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương
Để góp phần đảm bảo cung cầu cát xây dựng và bình ổn giá cát, Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai nghiêm đợt cao điểm chống khai thác cát trái phép trên phạm vi toàn quốc, đồng thời rà soát lại tất cả các dự án khai thác cát trên toàn quốc, chỉ cho phép hoạt động trở lại khi có đủ kiện pháp lý, không có tác động xấu đến môi trường xung quanh. Đối với các TP lớn như TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, cần có kế hoạch cung cấp cát ổn định, thực hiện nghiêm các giải pháp chống đầu cơ, tích trữ, ép giá và nâng giá trái quy định.
Tuy nhiên, về lâu dài, các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai tích cực Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng trong công trình xây dựng, trong đó có việc sử dụng tro bay làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên.
Điều chỉnh quy hoạch cảng cá khu vực đảo Cát Bà
Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết định điều chỉnh, cảng cá Trân Châu vẫn giữ nguyên cảng loại II nhưng quy mô năng lực (số lượng ngày/cỡ tàu lớn nhất) tăng từ 120 lượt/600CV lên 240 lượt/600CV, lượng thủy sản qua cảng tăng từ 9.000 T/năm lên 24.000 T/năm. Tiến độ cụ thể xây dựng cảng cá Trân Châu căn cứ vào tiến độ triển khai các quy hoạch chung của Thành phố Hải Phòng, quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đảo Cát Bà và tỉnh hình sản xuất kinh doanh từng cảng, theo nguyên tắc: Không gây ách tắc, lãng phí, ổn định công ăn việc làm người lao động và đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh thực hiện theo quy hoạch mới tốt hơn theo quy hoạch trước đây đã phê duyệt.
Hà Nội quyết hạ cốt đê Nghi Tàm để xây cầu vượt An Dương
Chiều 20/6, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội thông tin về triển khai thi công dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông quận Ba Đình và quận Tây Hồ.
Theo Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường, đây là dự án nhóm B, tổng mức đầu tư 311,988 tỷ đồng. Ông Cường khẳng định chức năng và cao trình đê được giữ nguyên nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống lũ lụt.
Hiện tại, Ban quản lý dự án đang triển khai các thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu xây dựng, xin cấp phép thi công hạng mục di chuyển cấp nước, di chuyển điện, thi công công trình cầu, thi công xây lắp hạng mục tường chắn bên tông cốt thép, hè đường...Dự kiến sẽ hoàn chỉnh các thủ tục này trong tháng 6 để có thể triển khai thi công trong tháng 7/2017 và phấn đấu hoàn thành công trình sau 7 – 7,5 tháng thi công.
ACV dự chi 2.000 tỷ đồng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Theo tài liệu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trình đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 6, ACV sẽ triển khai 6 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng hàng không với tổng mức đầu tư lên đến 6.050 tỷ đồng. Trong đó, dự án mở rộng sân đỗ máy bay rộng 21ha và nhà ga hành khách quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư lớn nhất, ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tính khả thi của Dự án nâng cao năng lực khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài.
Tổng công ty cũng sẽ đầu tư lớn cho việc mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ tại sân bay Phú Quốc nhằm nâng công suất phục vụ tại đây lên 5 triệu khách một năm, xây dựng nhà khách VIP tại sân bay Đà Nẵng để phục vụ APEC…
Báo điện tử Xây dựng
Theo