Thứ bảy 18/01/2025 10:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Điểm mặt những vụ tranh chấp bất động sản nảy lửa tại HN năm 2013

08:09 | 25/01/2014

Dù giao dịch trên thị trường BĐS nguội lạnh suốt năm qua nhưng những tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư chưa khi nào lắng dịu. Cùng Vland điểm lại những vụ kiện cáo, tranh chấp nảy lửa trên thị trường địa ốc năm 2013.

1. Keangnam Landmark Tower

Keangnam Landmark Tower tọa lạc tại mặt đường Phạm Hùng, cao 72 tầng và là tòa nhà cao nhất Việt Nam với các dịch vụ căn hộ được quảng cáo vào loại hiện đại nhất mang tầm châu lục.

Thế nhưng, đây cũng là một trong những dự án bất động sản dính nhiều bê bối nhất tính cho đến thời điểm hiện tại.

Tranh chấp tại dự án này bắt đầu từ giữa năm 2011, cư dân tại Keangnam Hanoi Landmark Tower làm thủ tục kiện chủ đầu tư do thu phí dịch vụ và tiền trông xe cao gấp nhiều lần so với mức quy định của thành phố.

Chủ đầu tư áp phí quản lý lên tới 0,99 USD/m2 tức xấp xỉ 21.000 đồng/m2, cao gấp 5 lần mức phí chung và là mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay.

tập đoàn Nam Cường, khu đô thị Dương Nội, Keangnam Landmark Tower, kiện tụng , tranh chấp, phí dịch vụ chung cư

Sau nhiều lần đàm phán, chủ đầu tư đã buộc phải hạ mức phí này xuống đúng bằng giá trần của UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, hết thu cao thì ban quản lý tòa nhà lại cung cấp dịch vụ kém chất lượng, cắt điều hòa, thang máy, tháo đèn….để dằn mặt cư dân.

Đỉnh điểm như vụ việc xảy ra gần đây, do nhiều cư dân Keangnam không chịu đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư tòa nhà đã hạn chế thẻ sử dụng thang máy của 370 hộ dân. Ngay sau khi bị cắt một số dịch vụ, chiều 3/12/2013, hàng trăm cư dân đã tụ tập phản đối chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, không ít cư dân tại đây tố đã bị “ăn cắp hàng tỷ đồng” do chủ đầu tư tính sai diện tích căn hộ, thậm chí chủ đầu tư còn sử dụng một số phần diện tích chung để kinh doanh riêng.

Theo thông tin cung cấp từ các cư dân tòa nhà, không ít căn hộ đã bị thiếu diện tích từ 10 – 20m2, thậm chí có căn hộ bị thiếu đến 1/6 diện tích. Với giá bán căn hộ hồi đó lên tới 3.000USD/m2, nhiều người mua nhà tại đây đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng.

2. Dự án 409 Lĩnh Nam: Chủ đầu tư bị bắt

Sau 4 năm đóng tiền đặt cọc mua nhà tại dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng (409 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), khách hàng có nguy cơ mất trắng tiền tỷ vì dự án đến nay vẫn là bãi đất trống còn chủ đầu tư đã bị bắt giữ vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chủ đầu tư dự án nói trên là công ty Trách nhiệm hữu hạn kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, do ông Nguyễn Hoàng Long đã bị bắt hôm 7/5/2013 làm Chủ tịch hội đồng thành viên. Dự án nói trên được xây dựng trên khu đất 1,2 hecta, theo thiết kế sẽ có 25 tầng, khởi công từ năm 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, chậm nhất đến quý III/2011 sẽ bàn giao nhà cho khách.

tập đoàn Nam Cường, khu đô thị Dương Nội, Keangnam Landmark Tower, kiện tụng , tranh chấp, phí dịch vụ chung cư

Các khách hàng đóng tiền theo tiến độ, đợt đầu tiên là 30% giá trị căn nhà. Giá chào bán của dự án này là 12 triệu đồng/m2, nhưng thực tế, theo nhiều cư dân, họ phải trả thêm mức chênh 2-4 triệu đồng/m2 nên mức giá thực đội lên 14-16 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, nhiều người đã đóng được 2 đợt đặt cọc với tỷ lệ chiếm tới 50% giá trị căn nhà.

Quá thời gian vay vốn vài năm mà không thấy dự án triển khai, rất nhiều khách hàng đã đến làm việc với chủ đầu tư để đòi lại tiền nhưng đều không được vì chủ đầu tư không còn đủ năng lực tài chính để có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Số tiền đã đóng vào dự án này chưa biết ai sẽ trả lại cho khách hàng, còn số phận của dự án cũng chưa biết sẽ đi đâu về đâu.

3. Chung cư Binh đoàn 12, Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội

Sau nhiều năm người dân đóng tiền, Dự án chung cư Binh đoàn 12 vẫn là bãi đất hoang lèo tèo vài cây cọc, thậm chí còn chưa có cả giấy phép xây dựng.

Do đó, 28/9/2013, rất đông khách hàng của Dự án Chung cư Binh đoàn 12 đã tập trung tại trụ sở chính của Công ty Bất động sản Thế kỷ (Cengroup) để đòi lại số tiền mà họ đã góp vốn từ 3 năm trước.

tập đoàn Nam Cường, khu đô thị Dương Nội, Keangnam Landmark Tower, kiện tụng , tranh chấp, phí dịch vụ chung cư

Liên quan đến việc nhiều người đã tụ tập trước trụ sở CenGroup để đòi tiền đã nộp cho Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế Kỷ, khiến CenGroup sau đó phải lên tiếng, rằng đó là sự nhầm lẫn. Và mới đây, nhiều người tiếp tục tụ tập đến trụ sở Công ty Quản lý Bất động sản Thế Kỷ, thậm chí đến cả nhà riêng cán bộ nhân viên công ty này để đòi tiền.

Theo đại diện của Cengroup, khách hàng đã "nhầm lẫn" giữa Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CenGroup) với Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế Kỷ, dẫn đến việc tụ tập, bao vây trụ sở của CenGroup. Mặc dù 2 công ty có tên tương tự nhau là "bất động sản Thế Kỷ", nhưng là hai pháp nhân hoàn toàn khác nhau.

Xung quanh vụ việc này, các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các bên liên quan phải giải trình vì sao tiến độ lại chẫm trễ quá mức như vậy. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn chưa thấy có gì thay đổi, tranh chấp này chắc chắn sẽ vẫn còn kéo dài hơn nữa.

4. Lê Văn Lương Residential, Hà Đông, Hà Nội

Dự án Lê Văn Lương Residential nằm trên đường trục phía Bắc quận Hà Đông, Hà Nội. Quy mô dự án khoảng hơn 2.000 căn hộ, do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.

Ngày 14/10, gần 100 khách hàng mua căn hộ tại tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials đã kéo đến trụ sở của Công ty CP tập đoàn Nam Cường căng băng rôn, biểu ngữ tố chủ đầu tư ăn gian diện tích. Chủ đầu tư đã có câu trả lời nhưng không làm hài lòng khách hàng. Tiếp tục bất đồng quan điểm, hai bên cho rằng cần phải làm văn bản trình và nhờ Bộ Xây dựng phân xử.

tập đoàn Nam Cường, khu đô thị Dương Nội, Keangnam Landmark Tower, kiện tụng , tranh chấp, phí dịch vụ chung cư

Cao trào của vụ việc xảy ra vào sáng 10/11, người dân trong khu đô thị Dương Nội được một phen khiếp đảm khi hàng trăm đối tượng đầu gấu lạ mặt, xăm trổ đầy mình xuất hiện để "bảo kê" trong buổi sáng diễn ra Lễ khánh thành khu đô thị The Spark do Tập đoàn Nam Cường tổ chức.

Đám côn đồ cử người 1 kèm 1, thậm chí 2, 3 côn đồ “kèm” một người dân. Hễ người dân có động thái “bén mảng” vào khu vực khánh thành thì ngay lập tức đám này xông lên chỉ mặt dọa nạt.

Một số người còn bị hành hung đổ máu, thậm chí theo phản ánh của người dân và báo chí, xã hội đen còn dọa cho người dân “ăn đạn” vào đầu.

5. Chung cư cao cấp The Mannor

Vài năm trước, The Manor (Mỹ Đình, Hà Nội) là một trong những tổ hợp chung cư hiện đại nhất Hà Nội. Cảnh quan đẹp, các khu vực dịch vụ tiện ích như bể bơi, khu vui chơi, siêu thị, nhà hàng được quy hoạch hợp lý.

tập đoàn Nam Cường, khu đô thị Dương Nội, Keangnam Landmark Tower, kiện tụng , tranh chấp, phí dịch vụ chung cư

Tuy nhiên, khi tòa nhà mới hoạt động năm 2007, cư dân đã giăng băng rôn phản đối chủ đầu tư tính phí quản lý nhà quá cao, mỗi tháng là 14.000 đồng/m2, phí gửi xe máy cũng tới 160.000 đồng/xe và ôtô là 1,6 triệu đồng/xe. Đỉnh điểm là tháng 3/2009, tranh chấp lại tái phát. Một số cư dân không chịu đóng phí nên chủ đầu tư đã chặn barie trước cửa hầm.

Sau nửa năm khiếu kiện không thành, 2 bên thậm chí còn có xô xát khiến một người phải nhập viện. Đại diện cơ quan chức năng, chính quyền cũng nhiều lần can thiệp nhưng tranh chấp vẫn kéo dài cho đến gần một năm sau. Khi đó, đơn vị quản lý tòa nhà cho biết sẽ giảm mức phí xuống tương đương với các khu căn hộ cao cấp khác tại Hà Nội.

6. Dự án Splendora: Khách hàng khiếu nại vì đội giá

Bỏ ra cả chục tỷ đồng tiền chênh để mua được 1 căn nhà tại dự án khu đô thị Splendora (huyện Hoài Đức, Hà Nội), tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn, bất động sản giảm giá, chủ đầu tư “vặt vẽo” khách hàng bằng việc đưa ra cách tính chênh lệch tỷ giá, tham chiếu chỉ số CPI. Việc này khiến giá bán tiếp tục bị đội lên khoảng 800 triệu đồng -1,5 tỷ đồng/căn.

Quá bất bình, hàng trăm khách hàng mua nhà tại đây đã khiếu nại chủ đầu tư suốt thời gian dài. Tuy nhiên, phía An Khánh JVC là chủ đầu tư dự án Splendora kiên quyết khẳng định đã hoàn toàn làm đúng pháp luật. Sự chênh lệch giá giữa hợp đồng góp vốn và hợp đồng mua bán, chủ đầu tư cũng cho rằng không hề sai do thỏa thuận trước đó với khách hàng là thỏa thuận góp vốn chứ không phải là thỏa thuận mua bán.

dự án Splendora, dự án Tricon Tower, dự án B5 Cầu Diễn, dự án Time Tower

Cũng theo chủ đầu tư, giá bán trong hợp đồng mua bán với khách hàng được niêm yết bằng VNĐ, và còn ấn định khoản tiền cụ thể cho từng lần thanh toán. Việc này cũng đã được khách hàng chấp thuận thông qua việc ký hợp đồng mua bán.

Hồi đầu tháng 9, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đưa ra xét xử vụ tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư Dự án Splendora liên quan đến việc chủ đầu tư dự án bị hơn 20 khách hàng khởi kiện do không bàn giao thông báo hoàn thiện phần nhà xây thô.

Theo nội dung khởi kiện của các khách hàng thì chủ dự án Bắc An Khánh - Splendora không bàn giao thông báo hoàn thiện nhà xây thô theo hợp đồng nhưng vẫn tiếp tục hoàn thiện dự án, yêu cầu khách hàng nộp tiền và tính lãi trả chậm.

Mới đây, nhiều khách hàng mua dự án Splendora (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) lại tiếp tục bức xúc, phán ảnh lên báo chí vì bị chủ đầu tư nhiều lần “ép” nhận nhà trong khi căn hộ vẫn chưa hoàn thiện.

7. Dự án Hà Nội Times Tower, Hà Đông, Hà Nội

Dự án chung cư Hà Nội Times Tower (Hà Đông, Hà Nội) do công ty Công ty CP Kinh doanh cao cấp dầu khí (PVR) làm chủ đầu tư cũng đối mặt với việc hàng chục khách hàng đòi rút vốn.

dự án Splendora, dự án Tricon Tower, dự án B5 Cầu Diễn, dự án Time Tower

Theo đó, chủ đầu tư đã tiến hành thu 15 % giá trị căn hộ (dao động ở mức 370 - 400 triệu đồng) đối với hàng trăm khách hàng từ cuối năm 2010. Theo tiến độ ghi trong hợp đồng góp vốn, đến tháng 10/2012, chung cư CT10, CT11sẽ hoàn tất phần thô với 29 tầng hầm và 39 tầng nổi.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn đang ở giai đoạn làm móng. Kể từ khi ký hợp đồng góp vốn, khách hành đã nhiều lần yêu cầu PVR giải thích rõ lý do chậm tiến độ, đồng thời hối thúc PVR đẩy nhanh tốc độ thi công nhưng đều không nhận được thái độ phản hồi tích cực từ phía chủ dự án Hanoi Time Tower.

Không hài lòng với tiến độ thi công của PVR, khách hàng dự án Hanoi time tower kiến nghị chủ đầu tư hoàn trả tiền góp vốn do những vi phạm cam kết về tốc độ thi công dự án đã ký với khách hàng.

8. Dự án B5 Cầu Diễn

Dự án chung cư B5 Cầu Diễn do liên doanh công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (40% vốn) và Tập đoàn Housing (60% vốn) đồng chủ đầu tư.

Theo hồ sơ pháp lý, dự án này có diện tích hơn 22.000m2 được xây dựng trên ô đất ký hiệu 14 thuộc quy hoạch chi tiết khu đô thị Thành phố giao lưu tại địa chỉ B5 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội.

dự án Splendora, dự án Tricon Tower, dự án B5 Cầu Diễn, dự án Time Tower

Và sau 3 năm nhận tiền góp vốn của khách hàng, hiện dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống, mới giải phóng mặt bằng được khoảng 60%.

Theo phản ánh của khách hàng, Tập đoàn Housing đã thực hiện huy động vốn của 400 khách hàng mua nhà cá nhân, bán buôn cho một số sàn giao dịch bất động sản với số lượng tiền huy động là 470 tỷ đồng.

Về phía công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội do ông Nguyễn Văn Tuẫn nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc đã huy động của hơn 200 khách hàng với số tiền là 100 tỷ đồng.

Như vậy, ước tính số tiền huy động vốn trái phép này đã lên tới gần 600 tỷ đồng. Câu hỏi là số tiền này hiện đang ở trong tay ai và đã đi đâu về đâu?

9. Tricon Tower , Bắc An Khánh, Hà Nội

Từ cuối năm 2009, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng đóng tiền mua nhà tại dự án Tricon Tower cho Công ty Minh Việt. Khách hàng sẽ phải đóng tiền theo định kỳ 3 tháng/lần, mỗi lần 20.000 USD. Theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, nếu khách hàng xuống 70% trị giá số tiền của căn hộ sẽ được giảm 5% (xấp xỉ 14.000 USD).

dự án Splendora, dự án Tricon Tower, dự án B5 Cầu Diễn, dự án Time Tower

Theo nguyên tắc nội dung ký kết, Công ty Minh Việt sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày 31/12/2011, muộn nhất là ngày 30/6/2012. Tuy nhiên đến nay, dự án này mới hoàn thiện phần móng và xây thô tầng 2, hiện đã đắp chiếu” từ nhiều tháng qua.

Nhiều khách hàng cho biết, họ đã nộp tiền cho Công ty Minh Việt lên tới 70% giá trị của căn nhà. Tuy nhiên cho đến nay, Ông Edward Chi – Tổng giám đốc Công ty đầu tư Minh Việt đã khất lần khất lượt, ít nhất là 3 lần về việc trả lại tiền cho khách hàng. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có khách hàng nào nhận lại được một xu từ Công ty Minh Việt.

Trong khi khách hàng như đang "ngồi trên đống lửa" thì vị Tổng Giám đốc lại biến mất một cách khó hiểu. Theo phản ánh của khách hàng, hồi tháng 7/2013 khi tìm đến trụ sở công ty này thì thấy vắng hoe, gần như không còn ai, chỉ có duy nhất một cô nhân viên làm việc. Một số hộ dân ở khu vực xung quanh cũng cho biết, cả tháng nay không thấy công ty hoạt động gì cả, đồ đạc đã được chuyển đi nơi khác.

Theo vietnamnet

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load