Chủ nhật 03/11/2024 20:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Dịch Covid-19 trở lại, nền kinh tế Việt Nam "hứng đòn" như thế nào?

14:33 | 03/08/2020

Sau 99 ngày không có dịch, Việt Nam bắt đầu ghi nhận các ca mắc Covid-19 trở lại tại một số tỉnh, thành phố. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của cả nước.

Dịch bệnh làm giảm niềm tin, trì hoãn các quyết định kinh doanh

Sau 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25/7 đến thời điểm này Việt Nam liên tiếp ghi nhận các ca bệnh mới.

Làn sóng Covid-19 thứ hai này sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam ra sao, để làm rõ vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam.

dich covid 19 tro lai nen kinh te viet nam hung don nhu the nao
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam.

- PV: Thưa ông, làn sóng Covid-19 tiếp tục quay trở lại Việt Nam với số ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh. Ông đánh giá như thế nào những tác động của đại dịch tới nền kinh tế?

- TS: Lê Duy Bình: Sự trở lại của dịch bệnh ngay lập tức đã làm lu mờ những tia hy vọng về sự sớm phục hồi đối với ngành du lịch và đối với một số địa phương hiện nay đang nằm trong tâm dịch.

Mức độ và quy mô tác động đối với nền kinh tế của làn sóng Covid-19 mới này hoàn toàn phụ thuộc vào việc dịch sẽ được khống chế như thế nào trong những tuần tới.

Nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, tác động về kinh tế sẽ rất lớn do quy mô tác động về cả phương diện địa lý và ngành bị ảnh hưởng.

Nền kinh tế của chúng ta đang chịu sức ép lớn từ lực cầu vốn đang rất yếu đối với hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ, nay lại đứng trước nguy cơ năng lực của nguồn cung bị ảnh hưởng, cụ thể năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ bị ngưng trệ nếu dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Dịch bệnh cũng có thể là trì hoãn các quyết định đầu tư hoặc khởi sự kinh doanh. Đây sẽ là tác động kép đối với cả cung và cầu của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Con số hơn 30,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực và tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến do ảnh hưởng bởi Covid-19 như Tổng Cục Thống kê mới đây công bố sẽ không dễ dàng được giảm xuống trong thời gian ngắn sắp tới.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một kịch bản tốt hơn với xác suất khá cao đó là dịch bệnh sẽ được khống chế trong các khu vực địa lý hiện tại và sẽ bị dập tắt trong một vài tuần tới.

- Ông cho rằng 6 tháng cuối năm 2020 tăng trưởng Việt Nam sẽ ra sao với các kịch bản đặt ra về kiểm soát Covid-19. Động lực nào sẽ là “cứu cánh" tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

- Nếu dịch bệnh sớm được khu trú trong các địa phương hiện tại và được dập tắt trong một vài tuần tới, khả năng tăng trưởng dương với kịch bản tăng trưởng thấp là vẫn hoàn toàn khả thi đối với nền kinh tế Việt Nam.

7 tháng đầu năm 2020 đã khẳng định sự kiên cường của các doanh nghiệp Việt. Đối diện với những tổn thất vô cùng lớn do dịch bệnh gây ra, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích nghi với tình hình mới.

Niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì thể hiện qua các doanh nghiệp mới được thành lập, các dự án đầu tư của các công ty tư nhân lớn được khởi công, nhiều công trình từ nguồn vốn đầu tư công được hoàn thành và đưa vào sử dụng, số lượng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, xuất nhập vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng và tiêu dùng trong nước vẫn được duy trì ổn định.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô về lạm phát, cán cân thanh toán, thâm hụt ngân sách… vẫn được đảm bảo. Đây sẽ là các động lực để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng dương của Việt Nam trong năm 2020 và là nền tảng cho sự tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Chống dịch ở làn sóng mới, bài toán kinh tế nên như thế nào?

- Có nhiều người lo ngại khi dịch bệnh bùng phát, khi buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách toàn xã hội, lúc đó kinh tế sẽ kiệt quệ, cái đói cái nghèo cũng nguy hiểm không kém dịch bệnh. Vậy theo ông, đối với đợt dịch vừa bùng phát này, chúng ta nên có biện pháp như thế nào?

- Những hành động cương quyết và chính sách nhất quán trong nửa đầu năm 2020 và kết quả của nó là một minh chứng rõ ràng về việc tiếp tục đặt mục tiêu an toàn và sức khỏe người dân lên hàng đầu.

Khi dịch bệnh được khống chế, với tinh thần kinh doanh mãnh liệt và tính kiên cường, linh hoạt và sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, hoạt động kinh tế sẽ sớm được phục hồi trên nền tảng của sự ổn định kinh tế vĩ mô và các chính sách kinh tế phù hợp của Chính phủ.

Chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tin tưởng vào một kịch bản tích cực là việc giãn cách xã hội sẽ chỉ phải diễn ra trong một phạm vi địa lý hẹp hơn so với trước đây.

Với kinh nghiệm từ trận chiến chống dịch trong 6 tháng đầu năm, các biện pháp chống dịch hiện nay đều hướng tới mục tiêu đó nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức tối thiểu đối với nền kinh tế và đối với xã hội.

Doanh nghiệp, người dân đã có sự chuẩn bị tốt hơn về các biện pháp chống dịch cũng như biện pháp duy trì sản xuất kinh doanh trọng điều kiện bình thường mới.

Trong một bức tranh xám màu, vẫn thấy có gam sáng

- Thưa ông, ông có nhận định như thế nào về sức khoẻ của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay sau một đợt chống chọi với Covid-19. Khuyến nghị cho các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hiện nay khi dịch phức tạp trở lại sẽ như thế nào thưa ông?

Mặc dù nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương trong 7 tháng đầu năm 2020 và các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn tương đối ổn định, nhưng Covid-19 đã tạo ra một sự tàn phá vô cùng lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và doanh nghiệp trong một số ngành như du lịch, dịch vụ, dệt may, da giày. Số lượng các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa cao hơn bất kỳ một giai đoạn nào trước đây.

Nhưng trên thực tế, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp vẫn kiên cường trụ vững và phát triển nhờ khả năng thích nghi, nhờ năng lực vượt trội và khả năng nắm bắt những cơ hội mới. Bất chấp các khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực đầu tư vào đào tạo, nâng cao trình độ công nghệ, máy móc thiết bị, tìm kiếm các cơ hội từ thị trường trong nước và từ việc kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn tổng thể, trong một bức tranh xám màu, chúng ta vẫn nhìn thấy rất nhiều những gam màu sáng và những niềm hy vọng cho những năm tiếp theo khi dịch bệnh được khống chế trên quy mô toàn cầu.

Những tổn hại và tác động từ dịch bệnh đã kích hoạt các nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, và xây dựng tốt hơn các phương án về quản trị rủi ro.

Bên cạnh các biện pháp bảo vệ được thị trường, nhiều doanh nghiệp đã tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ việc làm, bảo vệ thu nhập cho người lao động và qua đó bảo vệ được kiến thức, kỹ năng – những tài sản vô giá của doanh nghiệp.

Đây là những bước đi khôn ngoan của nhiều doanh nghiệp. Trong dài hạn, những nỗ lực tái cấu trúc mà cộng đồng doanh nghiệp hiện đang thực hiện sẽ giúp nâng cao khả năng chống chọi và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Khả năng thích nghi với điều kiện mới và tìm cách vượt lên những hoàn cảnh hiện tại sẽ là yếu tố quyết định tới sự phát triển bền vững của từng cá thể cũng như của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức ngày càng lớn và ngày càng khắc nghiệt từ Covid-19.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Nguyễn Mạnh (ghi)/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load