Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 7,5% vào năm 2011, nhu cầu điện sẽ phải tăng khoảng 15% so với năm 2010. Trong đó, nhu cầu điện thương phẩm là 97 tỷ KWh và điện sản xuất, nhập khẩu khoảng 110,5 tỷ KWh. Tuy nhiên, ở các tỉnh miền Bắc, do lưu lượng dòng chảy ở các sông đều thấp hơn mức trung bình nhiều năm qua nên các hồ thủy điện đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Điều đó đang dự báo 1 năm đầy khó khăn đối với ngành Điện. Và không chỉ riêng năm 2011, mà theo dự báo thì cho đến năm 2015 tình trạng thiếu điện vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng.
Chưa đạt được mục tiêu tiết kiệm
Theo báo cáo của Văn phòng Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương, trong các năm 2006 - 2010, kết quả tiết kiệm điện của các tỉnh, thành đạt được 4.039 triệu KWh, bằng 127% so với kế hoạch (khoảng 1,4% tổng thương phẩm) tập trung vào các lĩnh vực sử dụng điện chủ yếu là cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt, dịch vụ. Năm 2010, ước tiết kiệm đạt được khoảng 1.183,91 triệu KWh (đạt 142% so với kế hoạch) bằng 1,41% điện thương phẩm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Kết quả đạt được chỉ là bước đầu và còn khiêm tốn. Mục tiêu của Chương trình là tiết kiệm từ 3 - 5% điện thương phẩm chưa đạt được và tình hình cung cấp điện cho 5 - 10 năm tới còn rất nan giải. Việc thực hiện lộ trình đến năm 2020 nước ta cơ bản là nước công nghiệp theo hướng phát triển là con đường rất dài và nhiều khó khăn.
Ông Đặng Hoàng An - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá: Cường độ sử dụng điện, năng lượng của nền kinh tế chúng ta quá lớn mà hiệu quả lại chưa cao. Chúng ta đang vượt xa các nước trong khu vực về sức tiêu thụ điện. “Rõ ràng tiết kiệm điện phải gắn với mục tiêu giảm cường độ sử dụng điện của nền kinh tế. Chúng ta chỉ có thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có điện bằng biện pháp vừa tăng nguồn cung và kiểm soát nhu cầu hợp lý” - ông An nói.
Dự báo cho thấy, mùa khô 2010 - 2011, các tỉnh phía Bắc sẽ khô hạn nghiêm trọng, đó là thông báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương. Vì thế, khả năng thiếu nước và khô hạn nghiêm trọng là khó tránh khỏi. Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng tại Hội nghị Tổng kết Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010 đã nhận xét: Năng lượng là có hạn, nếu sử dụng năng lượng không hiệu quả thì sự phát triển của nền kinh tế - xã hội sẽ không thể phát triển bền vững. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải xây dựng ngay được Chương trình tiết kiệm điện mới để làm sao hướng tới mục tiêu đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đi tìm lời giải
EVN thông báo: Năm 2011, cả nước sẽ thiếu khoảng 1,4 tỷ KWh điện, chủ yếu là trong mùa khô. Khu vực thiếu điện nhiều nhất là miền Bắc, miền Nam và bắc miền Trung do nước dự trữ trong các hồ rất thấp. Khí hậu biến đổi rất phức tạp, các nhà máy thuỷ điện luôn trong tình trạng thiếu nước nên lượng điện sản xuất bị giảm đáng kể, mặt khác hạn hán xảy ra ở Trung Quốc làm cho vấn đề nhập khẩu điện cũng gặp nhiều khó khăn… Trong khi đó nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng đã làm cho ngành Điện mất khả năng cân đối cung - cầu.
Chuyện thiếu điện phục vụ sản xuất, đời sống sẽ không còn là nguy cơ đơn thuần. Trước hoàn cảnh này, song song với việc tối ưu hóa hoạt động của các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, thì việc thúc đẩy áp dụng các biện pháp cắt giảm và tiết kiệm tiêu thụ năng lượng được được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để ứng phó với tình trạng khủng hoảng năng lượng đang xảy ra.
Ở Việt Nam, cách hạ nhiệt phổ biến nhất trong các công trình xây dựng là dùng máy lạnh. Theo điều tra mới đây, điện năng tiêu hao do sử dụng điều hoà tại các cơ quan, công sở tốn khoảng 75% lượng điện tiêu thụ, còn lại là thang máy, chiếu sáng... Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn cũng tiêu tốn khoảng 60 - 75% lượng điện tiêu thụ cho hệ thống điều hoà không khí. Các chuyên gia cho rằng, lượng điện tiêu hao cho việc làm mát ở các công trình xây dựng sẽ được giảm đáng kể nếu được thiết kế chống nóng hiệu quả bằng việc sử dụng các vật liệu cách nhiệt hiệu quả như: Gạch bê tông khí chưng áp, kính tiết kiệm năng lượng…
Thời gian gần đây, kính tiết kiệm năng lượng được các kiến trúc sư, các nhà tư vấn thiết kế và các cơ quan chức năng quan tâm xem như là một giải pháp góp phần tiết kiệm điện năng hữu hiệu. Lượng kính sử dụng cho cửa, cửa số và tường bao quanh các tòa nhà đang tăng dần đã tạo ra vẻ đẹp, sự sang trọng mà không có bất kỳ một loại vật liệu nào khác có thể thay thế được. Đặc biệt, trong thời đại khủng hoảng năng lượng và ô nhiễm môi trường về khí thải như hiện nay, việc sử dụng các loại kính kiểm soát năng lượng mặt trời như kính phản quang, kính low-e nhằm các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và sử dụng hợp lý vốn đầu tư cho các công trình xây dựng đang được khuyến khích.
Dự báo trong 10 năm tới, lưu lượng điện tiêu thụ sẽ tăng gấp 3,6 lần do các toà nhà thương mại ngày càng tăng. Cùng với tốc độ đô thị hóa thì điều đáng quan tâm là tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn của hệ thống kính bao quanh các tòa nhà phải luôn được đặt lên hàng đầu. Các chuyên gia nhận định, tiềm năng tiết kiệm điện là rất lớn, trung bình có thể tiết kiệm trên 20% mức tiêu thụ điện năng hiện tại. Vậy các DN nên khẩn trương tính toán lại nhu cầu sử dụng điện, áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện vừa đảm bảo nguồn năng lượng, vừa tham gia hiệu quả chương trình tiết kiệm điện của Chính phủ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là cần có những quy chuẩn bắt buộc và thưởng phạt rõ ràng. Báo Xây dựng sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà cao tầng trong các số báo tiếp theo.
Mục tiêu “Đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, điều kiện căn bản đầu tiên phải có là đảm bảo cung cấp đầy đủ các nguồn năng lượng phục vụ công nghiệp. Như vậy, chỉ còn 10 năm nữa để phấn đấu nhưng với tình hình cung ứng điện năng như hiện nay, mục tiêu này sẽ rất khó đạt được khi tình trạng thiếu điện, cắt điện vẫn chưa kiểm soát được. |
Thu Hiền - Lê Quang Anh Quốc
Theo baoxaydung.com.vn