Thứ năm 10/10/2024 06:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Đi tìm “linh hồn” của phố

17:00 | 31/12/2015

(Xây dựng) - Văn hóa phố tại các nước Đông Nam Á được nhìn nhận là điểm đặc biệt so với các quốc gia khác trên thế giới khi quá trình đô thị hóa (toàn cầu hóa) dần biến đổi không gian đô thị trở nên đồng điệu và giống nhau ở hầu hết các quốc gia phát triển. Trong khi đó những đặc trưng cơ bản của các con phố và những hoạt động diễn ra trên phố phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tư tưởng, niềm tin, sự hợp tác và những đặc trưng văn hóa được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ.


Không gian cổng chính khu Chinatown Bangkok, Thailand.

Ngày nay, những thành phố châu Á đang trong quá trình phát triển và mở rộng, hệ thống hạ tầng cũ dần không đáp ứng được sức ép từ sự phát triển, việc mở rộng đường sá, khai thác giao thông khác cốt dường như là nhu cầu tất yếu, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống và hình ảnh đô thị truyền thống. Sự hình thành các khu vực mới với việc dễ dàng thu nạp lối sống công nghiệp và văn hóa của các nước tiên tiến cũng cho thấy sự thay đổi từng ngày của các đô thị châu Á. Trước những thách thức của quá trình biến đổi trong đời sống và không gian đô thị này, việc nhìn nhận những giá trị cũ đang trở thành vấn đề cần được nghiên cứu và chia sẻ để những đô thị cũ châu Á vẫn giữ được những đặc trưng thiết yếu và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong tương lai.

Trong khuôn khổ chương trình di sản châu Á 2015, chúng tôi (Trường Đại học Xây dựng, Việt Nam) được mời tham gia chương trình.

Workshop quốc tế với chủ đề “Văn hóa phố” (Street Culture), được tổ chức lần đầu tiên tại Bangkok, Thailand từ 31 tháng 8 tới 4/9/2015 với sự tham gia của đại diện các trường đại học tại 4 quốc gia: Thailand, Malaysia, Indonesia và Vietnam.

Mục đích của WS quốc tế này nhằm nhận diện tính nơi chốn và những đặc trưng của các tuyến phố đô thị trong một quận thương mại cũ của Bangkok, để từ đó có thể tinh lọc ra các nhân tố quan trọng, có giá trị cấu thành nên hình thái “Văn hóa phố”. Những phát hiện này nhằm nâng cao nhận thức về sự bảo tồn các thành phố di sản châu Á và gìn giữ các đặc trưng của lịch sử cho các thế hệ tương lai.

Đối tượng cụ thể của Workshop là:

1. Nhận diện sự đa dạng và phức tạp của khu vực China Town, Bangkok qua 2 tuyến phố được lựa chọn là: Sampheng và Songwat.

2. Chỉ ra những nhân tố thiết yếu trong việc bảo tồn các tuyến phố cũ và hướng dẫn cho việc bảo tồn, gìn giữ giá trị bắt nguồn từ một khu vực đô thị di sản, mang nhiều giá trị lịch sử.

3. Chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm về bảo tồn không gian đô thị cổ châu Á và văn hóa phố thông qua các thành viên tham gia từ 4 quốc gia nhằm làm vững thêm những cơ sở cho việc bảo tồn.

Với mục đích rất rõ ràng của chương trình Workshop, chúng tôi được tiếp cận và tìm hiểu hai tuyến phố Sampheng và Songwat, Chinatown qua nhiều hình thức và hoạt động khác nhau.

Phương pháp tiếp cận cho giảng viên, sinh viên và những nhà nghiên cứu đô thị trẻ gồm các bước.

Bước 1: Khảo sát hiện trạng tổng thể

Ban đầu chúng tôi được chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Chinatown dẫn đi khảo sát tổng thể và giới thiệu về lịch sử. Về những cư dân đầu tiên đặt dấu mốc cho sự hình thành khu phố, sự biến đổi hình thái không gian, những đặc trưng không gian và kiến trúc qua các thời kỳ lịch sử quan trọng gắn liền với sự phát triển của Bangkok, sự phát triển về quy mô dân số cũng như những biến đổi trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống có tính bản địa đậm nét nơi đây.

Bước 2: Chia nhóm nghiên cứu

Sau khi tham quan tổng thể 2 tuyến phố và lắng nghe chuyên gia phân tích. Các bạn sinh viên sẽ viết ra những cảm nhận của mình, tiếp theo các giáo viên sẽ phân loại theo những chủ đề khác nhau. Ngay sau đó, các bạn sinh viên sẽ được tự chọn nhóm mà mình thích. Có 5 nhóm chủ đề: Kiến trúc, cảnh quan, sự liên kết, các hoạt động và một nhóm không thuộc

4 nhóm còn lại. Do đó, mỗi nhóm tham gia đều có sự hòa trộn của các sinh viên các nước. Đây là cơ hội cho các bạn sinh viên tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, quan điểm và văn hóa truyền thống.

Bước 3: Khảo sát chuyên sâu

Các nhóm thảo luận về hướng nghiên cứu theo chủ đề đã lựa chọn. Sau đó là quá trình khảo chuyên sâu liên tục trong hai ngày với sự giúp đỡ của người dân bản địa, là những cư dân sinh sống lâu đời và hiểu rất rõ về lịch sử và các vấn đề của khu vực. Cuối mỗi buổi khảo sát, các nhóm trở về ngôi nhà cổ tại trung tâm China Town, tiếp tục thảo luận, thể hiện thành các sản phẩm nghiên cứu và báo cáo trước giáo viên, chuyên gia và cả những người dân địa phương. Các nhóm sẽ nhận những góp ý của hội đồng này với mục tiêu là nhận diện những đặc trưng cơ bản trong văn hóa phố và xác định các vấn đề đang tồn tại ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Bước 4: Đề xuất các giải pháp tác động và báo cáo sản phẩm cuối cùng

Khảo sát hiện trạng là quá trình nặng nhất, đòi hỏi sinh viên và giáo viên cùng làm việc và thảo luận liên tục từ đó mỗi nhóm sẽ đề xuất các giải pháp theo nhiều mức độ và mục đích khác nhau nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phố tại Chinatown. Sản phẩm cuối cùng sẽ được trưng bày dưới dạng các bản vẽ tại Khoa Kiến trúc, Trường đại học kỹ thuật Rajamangala và sau đó là buổi báo cáo trước hội đồng chuyên gia.


Cuộc sống thường nhật tại ChinaTown, Thailand.

Chinatown, Bangkok, Thailand:

Khu phố Chinatown đã trải qua nhiều thời kỳ hưng thịnh, đi cùng với sự phát triển của Bangkok, mở rộng cả về quy mô dân số lẫn không gian kiến trúc cảnh quan. Xuất phát điểm là khu vực giao thương buôn bán nhỏ của những người Trung Hoa nhập cư và sau này trở thành những công dân chính thức của Thailand. China Town nằm ngay sát con sông Chao Praya, con sông lớn nhất Bangkok, là điểm trung chuyển hàng hóa qua hệ thống bến cảng và kênh rạch chằng chịt, hình thành nên một đô thị sông nước với phương tiện đi lại chính là thuyền, bè vận chuyển người và hàng hóa (chủ yếu là đồ nông sản).

Người Thái yêu thích cuộc sống trên những ngôi nhà nổi với vườn cây ăn quả sát với mặt nước. Những ngôi nhà được xây dựng với hệ thống cột cao, thuận tiện cho việc trồng trọt sau khi nền đất bị dọn sạch sau mùa lũ hàng năm. Sau này do nhu cầu phát triển, khu vực sát ven sông và hệ thống kênh rạch bị san lấp và thay vào đó là hệ thống đường giao thông và khu dân cư mới. Hệ thống bến cảnh tư nhân hình thành, các mặt hàng cũng đa dạng hơn. China Town của ngày nay là sự hòa trộn của nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau đã được nuôi dưỡng qua hàng trăm năm.

Những hoạt động sinh hoạt, giao thương buôn bán trên phố, trong các cửa hiệu, trên vỉa hè và các gánh hàng rong là cách con người tổ chức và định dạng không gian đã trở thành đặc trưng văn hóa không thể thiếu của người dân nơi đây. Khu vực chợ Sampheng cửa Yaowarat là trung tâm của khu vực. Có rất nhiều của hiệu bán vàng, đá quý, quần áo, hàng dệt may, đồ dùng văn phòng, hàng lưu niệm, đồ đã qua sử dụng (secondhand), đồ điện tử, máy tính. Cuộc sống trên phố ở Chinatown vẫn luôn bận rộn, sôi nổi, nhộn nhịp với hàng loạt các loại hình kinh doanh đã trở thành hình ảnh đại diện, đặc trưng cho Bangkok một thời.

Một trong những điều để lại ấn tượng sâu sắc trong chuyến đi đó là niềm tự hào của cư dân Chinatown với những đóng góp của các thế hệ cha ông. Từ những tầng lớp dân cư nghèo, hai bàn tay trắng, họ vượt qua đầy thách thức để rồi thăng hoa, biến những khó khăn thành thành quả, từ đó phát triển và gây dựng nên vùng đất mới nhiều cơ hội cho những con người nối tiếp, họ trở nên giàu có và đóng góp cho sự phát triển to lớn của Bangkok nói chung. Do đó, điều này đã trở thành nền tảng văn hóa có giá trị bản địa sâu sắc mà người dân nơi đây cực kỳ trân trọng, nó làm lan tỏa cảm xúc đặc biệt cho những người mới tới China Town khi tiếp xúc với dân cư bản địa, đó là cảm xúc yêu mến, thân thuộc và gần gũi như với những người thân trong gia đình.

Những điểm tương đồng và khác biệt về văn hoá phố ở châu Á: Nhìn chung, Chinatown của Bangkok có rất nhiều điểm tương đồng với phố cổ Hội An và Hà Nội của Việt Nam. Điều đầu tiên dễ nhận thấy là sự sôi động, nhộn nhịp và đầy sức sống của nó bởi sự đa dạng ở những hoạt động phố phường với các quầy hàng lưu động, bán lưu động khắp mọi nơi, các cửa hiệu luôn tấp nập người ra vào, những xe đẩy, xe chở hàng đi lại tấp nập, người đi bộ tràn ngập ở các tuyến phố thương mại chính. Có thể thấy rõ cách con người tổ chức không gian sinh hoạt giống với Hà Nội, sự hợp tác giữa các cửa hàng với hàng quán lưu động hay các hoạt động buôn bán trên vỉa hè. Nhưng có thể thấy sự quy củ, có tổ chức ở một số tuyến Phố, các quầy hàng hóa gần như có chung một kích cỡ vừa đủ để không ảnh hưởng tới không gian đi bộ, khách bộ hành có thể tản bộ một cách thoải mái ở giữa của hiệu với quán lưu động. Tuy nhiên, những con phố bán buôn thì lộn xộn hơn, bởi hàng hóa bày ra lấn chiếm đường đi bộ, các loại hình phương tiện cũng tạo ra nhiều xung đột bởi xe tuk tuk, xe hơi, xe đẩy hàng, thêm vào đó là đường rất nhỏ hẹp và không có chỗ dừng xe nên việc di chuyển trên các tuyến phố này cực kì khó khăn.


Cuộc sống thường nhật tại ChinaTown, Thailand.

Hình thành từ một đô thị buôn bán ven sông giống như Hội An nên hình ảnh đô thị có đôi nét tương đồng. Chinatown của Bangkok vẫn giữ được những đặc trưng trong đời sống văn hóa phố phường trong cách sinh hoạt và buôn bán (chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi khách du lịch nước ngoài), bên cạnh đó hình thái không gian
và các công trình kiến trúc có giá trị vẫn được giữ được nguyên vẹn. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là còn rất nhiều không gian có giá trị về cảnh quan và thương mại như: những tuyến kết nối khu dân cư cũ với con sông Chao Praya thơ mộng với nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị và tuyến cảnh quan dọc bờ sông đang bị bỏ hoang, hoặc làm bãi tập kết hàng hóa, bãi đỗ xe. Một số bến cảng cũ thậm chí còn không được khai thác, sử dụng. (Thầm nghĩ, nếu như Hà Nội cũng vẫn còn những không gian đô thị như vậy, có lẽ trong nháy mắt sẽ không còn một chỗ trống và sẽ biến thành hàng quán nhộn nhịp, tấp nập khách du lịch và người dân địa phương). China Town có rất nhiều cơ hội để nghiên cứu và tinh lọc các nhân tố có giá trị nhằm tái sinh những không gian đô thị này, đây có lẽ cũng là mục đích lớn nhất của chương trình Workshop.

Một yếu tố căn bản của phố là: văn hóa phố và “linh hồn” phố, cần nhìn nhận phố không chỉ tồn tại ở cái “vỏ” vật thể hay kiến trúc của phố. Việc tạo ra những vỏ kiến trúc ngày nay dường như thiếu sự nghiên cứu về những yếu tố cấu thành văn hóa phố thực sự. Vậy những yếu tố đó là gì? Sự phát triển của những đô thị ngày nay có coi con người và những hoạt động trên phố là những yếu tố thiết yếu?Làm cách nào có thể nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của phố?…là những câu hỏi căn bản cần được nghiên cứu, chia sẻ kình nghiệm của các thành phố trong khu vực Đông Nam Á để có một cái nhìn toàn diện và sâu sắc nhất.

Theo Ths. Đào Hải Nam/TCKTVN

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load