Thứ sáu 29/03/2024 17:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đi tìm giải pháp cấp nước cho thành phố Hà Nội

19:40 | 07/11/2019

(Xây dựng) - Với Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiều yêu cầu trong việc cấp nước cho nhân dân Thủ đô khi đô thị đang mở rộng và dân số tăng cao; vấn đề chính được đặt ra là nhu cầu bổ sung các nguồn nước sạch cung cấp cho Thủ đô trong từng giai đoạn.

di tim giai phap cap nuoc cho thanh pho ha noi

Cũng theo quy hoạch này, ngoài nguồn nước sạch đang cung cấp cho nhân dân Thủ đô với các nhà máy nước mặt, nước ngầm với công suất nhỏ sẽ không đáp ứng được nhu cầu dân số Thủ đô từng giai đoạn, vì vậy trong quy hoạch được bổ sung bằng 3 nhà máy nước mặt công suất lớn là Nhà máy nước sông Đà (Năm 2020, công suất 600.000m3/ngày đêm; năm 2030, công suất 1.200.000m3/ngày đêm; năm 2050, công suất 1.500.000m3/ngày đêm);

Nhà máy nước sông Hồng (Năm 2020, công suất 300.000m3/ngày đêm; năm 2030, công suất 450.000m3/ngày đêm; năm 2050 công suất 600.000m3/ngày đêm) và Nhà máy nước sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội) (Năm 2020 công suất 240.000m3/ngày đêm; năm 2030 công suất 475.000m3/ngày đêm; năm 2050 công suất 650.000m3/ngày đêm).

Quy hoạch được duyệt cũng đã quy định trong từng giai đoạn, đầu tư xây dựng các hệ thống đường ống trong mạng lưới cấp nước của thành phố nhằm đảm bảo an toàn cho việc cấp nước. Qua kiểm tra hiện trạng và theo dự báo của các nhà đầu tư thì đến năm 2020 công suất của các nhà máy nước mặt có thể đạt được, đặc biệt, hiện nay Nhà máy nước sông Đuống đã cơ bản hoàn thành và có thể đảm bảo cấp nước trước tiến độ đề ra.

Một khiếm khuyết lớn nhất hiện nay là hệ thống đường ống dẫn nước thành phố chưa được nâng cấp, cải tạo, mở rộng để đảm bảo tiêu thụ được nguồn nước hiện có theo quy hoạch. Đặc biệt, các nhà máy nước còn được quy định cấp nước theo vùng mà chưa được đấu nối với nhau tạo thành những mạch vòng cấp nước cho thành phố, để đảm bảo an toàn cấp nước cho nhân dân khi có một nhà máy nước nào đó bị sự cố.

Vụ việc sự cố Nhà máy nước sông Đà vừa qua khiến cho hàng triệu người dân không có nước sinh hoạt dùng nhiều ngày, đã thể hiện sự bất cập trong việc cấp nước thành phố; trong khi nguồn nước của Nhà máy nước sông Đuống thì không được bổ sung cho vùng thiếu nước và có thể dẫn đến thừa nước ở một số nơi.

Hiện tại, hệ thống đường ống dẫn nước thành phố cũng đã quá cũ do sử dụng nhiều năm, dẫn đến thất thoát nước tới 18 - 20%. Đây là một sự thất thoát rất lớn mà việc đánh giá lại hiện trạng hệ thống cấp nước cần phải sớm được đặt ra một cách nghiêm túc, nếu không khi công suất các nhà máy đảm bảo theo quy hoạch đưa vào hoạt động thì sự thất thoát này sẽ lớn hơn nhiều.

Chính vì những bất cập nêu trên, ngày 20/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2055/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhưng vấn đề chính được đặt ra là phải tiến hành điều tra thu thập tài liệu, đánh giá về tình hình hiện trạng của các nhà máy cấp nước trên địa bàn thành phố, hiện trạng của hệ thống cấp nước đô thị, đề xuất những công nghệ mới đối với những nhà máy nước, nghiên cứu một hệ thống cấp nước hợp lý cho trước mắt và lâu dài.

Trong quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức lập và trình duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Nhưng có một điều lạ, trong khi Thủ tướng chưa phê duyệt quy hoạch điều chỉnh cấp nước Thủ đô, mạng lưới cấp nước Thủ đô chưa được thiết kế bổ sung lắp đặt theo quy hoạch phù hợp với công suất của các nhà máy nước mặt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì ngày 23/5/2018, UBND tỉnh Hòa Bình lại có Quyết định chủ trương đầu tư số 37/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty Cổ phần nước Aqua One đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch Xuân Mai, tỉnh Hòa Bình với công suất thiết kế 600.000m3/ngày đêm (trong đó giai đoạn 1 là 300.000m3/ngày đêm), có phần mục tiêu cấp nước cho một số quận, huyện của Thủ đô Hà Nội.

Tiếp đó, ngày 6/6/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 2775/QĐ-UBND cũng chấp thuận nhà đầu tư: Công ty Cổ phần nước Aqua One với trạm bơm tăng áp đặt tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội với công suất 120.000m3/ngày đêm. Với tuyến ống truyền tải nước sạch giai đoạn 1, chiều dài tuyến ống D1.600.000 đến D1.800.000 tổng chiều dài là 49km (kỳ 1A đến năm 2020: tổng chiều dài 26km, kỳ 1B đến năm 2022: tổng chiều dài 23km).

Dự án này bổ sung nguồn nước sạch cho thành phố Hà Nội, đặc biệt các khu vực phía Bắc (quận Hà Đông, một phần các khu vực Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức) phía Nam (huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên), phía Tây và Tây Nam (huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa) đang thiếu nước trầm trọng.

Một câu hỏi đặt ra trong khi hệ thống phân phối nước của toàn thành phố chưa được thiết kế điều chỉnh nâng cấp, thì nguồn nước này sẽ đổ về đâu? Trong khi Quyết định 499/QĐ-TTg một số địa phương nêu trên thuộc địa bàn cấp nước của Nhà máy nước Sông Đà? Tại sao lại có sự vội vàng chấp thuận đầu tư như vậy? Điều này xem ra trái với Quyết định của Thủ tướng.

Trong khi giá nước giữa sông Đà chỉ bằng 1/2 giá nước của Nhà máy nước sông Đuống, sự bất hợp lý này đã được dư luận đặt ra nhiều nhưng chính quyền Hà Nội chưa có câu trả lời thỏa đáng? Trong khi Nhà máy nước sông Đuống chưa được nghiệm thu đã vận hành đưa vào sử dụng bán nước cho nhân dân, mà nhẽ ra phải được đình chỉ việc cấp nước để thực hiện việc kiểm tra chất lượng các công trình, hệ thống dẫn nước, phải đảm bảo an toàn mới được vận hành thì Nhà máy nước sông Đuống vẫn ngang nhiên bán nước cung cấp cho nhân dân thành phố.

Qua nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi được biết Tập đoàn nước Aqua One đã hợp đồng mua cổ phần của ông Đỗ Tất Thắng - một cổ đông của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống với tỷ lệ 41% cổ phần của nhà máy này?

Liệu đây có phải sự ngẫu nhiên để UBND thành phố Hà Nội quyết định đầu tư tuyến ống truyền tải và trạm bơm tăng áp tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong khi hệ thống cấp nước Hà Nội chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cấp nước như nhiệm vụ đã được đề ra.

Cách làm trên của thành phố Hà Nội dễ dẫn đến nhiều nghi vấn trong nhân dân: Liệu vụ việc có nằm trong sự toan tính của một nhóm lợi ích do một cá nhân nào đạo diễn không?

Chúng tôi cho rằng, các ngành chức năng cần phải sớm xem xét và làm rõ để đảm bảo cho sự công bằng đối với tất cả các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước sạch trên địa bàn thành phố, đảm bảo an toàn cấp nước cho toàn dân với giá rẻ nhất.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vấn đề này.

Nhóm PV

Theo

Cùng chuyên mục
  • GDP quý I năm 2024 tăng trưởng 5,66%

    (Xây dựng) - Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2024.

  • Nhà thầu phụ có được thuê lại nhân công của chủ đầu tư?

    (Xây dựng) - Bà Hoàng Thị Hóa (Quảng Bình) đang công tác tại đơn vị sự nghiệp, tự bảo đảm chi thường xuyên. Đơn vị có 250 viên chức và người lao động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính do UBND thành phố giao.

  • Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI trong quý I/2024

    (Xây dựng) – Với nhiều chính sách phù hợp trong thu hút đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong điều hành, điều chỉnh chính sách thu hút FDI của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã giúp tỉnh này đứng thứ 2 cả nước, về hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2024.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hợp tác với 5 tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) – Trong 2 ngày 3 - 4/4, tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

  • Hà Tĩnh: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp quý I/2024 ước tăng 4,27%

    (Xây dựng) - Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất; tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quý I tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023

  • Tây Ninh: Nhiều điểm sáng trong quý I/2024

    (Xây dựng) - Kết thúc quý I/2024, tỉnh Tây Ninh đạt được kết quả nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi, GRDP tăng 8%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ. Tây Ninh đặt kế hoạch đạt 50% giải ngân vốn đầu tư công của năm trong quý II/2024.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load