Hiện nay, ở nhiều vùng làm mộc nổi tiếng ở miền Bắc đã có thêm nghề “thợ săn” nhà gỗ cho các đại gia Việt.
Trong 10 năm gần đây, thú chơi nhà gỗ truyền thống nở rộ thành phong trào, được nhiều người ưa chuộng.
Nhu cầu dựng nhà gỗ truyền thống đang nở rộ trong giới thượng lưu Việt. |
Từ nhu cầu đó, tại các làng mộc ở miền Bắc như Chàng Sơn, Cạnh Nậu (Thạch Thất), Sơn Đồng (huyện Thạch Thất),... xuất hiện thêm nghề “thợ săn” nhà cổ cho các đại gia.
Trao đổi với PV báo Dân trí, anh Đỗ Dân (quê gốc Thanh Hóa), một “thợ săn” khá có tiếng tại miền Bắc cho biết: “Nếu như 10 năm trước, nguồn nhà gỗ truyền thống, nhà kẻ truyền 3, 5 gian còn rất nhiều ở các làng ven đô như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh,..., thì nay, muốn tìm nguồn nhà gỗ mới phải đi xa hơn, về các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên,...”.
Do tác động của thời gian và con người, nhiều nhà cổ đã xuống cấp, con cháu đời sau thanh lý gỗ trong nhà. |
Thậm chí, nhiều “thợ săn” phải lặn lội vào các bản làng dân tộc Mường, Thái, Dao (các dân tộc có tục làm nhà sàn) để tìm nguồn gỗ quý.
Theo anh Dân, cuộc sống hiện nay ngày càng hiện đại, nhiều nhà gỗ cổ do cha ông họ để lại đã không còn phù hợp, thay vào đó, con cháu sau này thích ở nhà bê-tông, nhà hiện đại với đầy đủ tiện nghi.
Vì vậy, nhiều căn nhà gỗ cổ dù vẫn còn bền, đẹp, song nhiều người quyết định thanh lý để xây nhà mới.
Nhà cổ của tầng lớp quan lại, địa chủ thời xưa được ưa chuộng nhờ họa tiết trang trí tinh xảo. |
Ông Lại Ngọc Chung, một “thợ săn” nhà cổ có nhiều năm làm trong nghề tại Thạch Thất (Hà Nội) cũng chia sẻ, tầng lớp thượng lưu Việt hiện nay rất chuộng nhà gỗ càng cổ càng tốt và ưu tiên nhà cũ của tầng lớp đại quan thời phong kiến.
"Nhà gỗ cổ của quan lại, địa chủ thường được làm từ gỗ lim, đinh hay hương với hệ thống cột, kèo... được chạm khắc họa tiết rồng phượng rất đẹp, tinh xảo. Dù có tuổi đời hàng trăm năm song các căn nhà cổ này vẫn thể hiện được bàn tay tài hoa của người thợ, nhiều căn nhà thợ mộc ngày nay khó có thể tạo khắc ra các mẫu họa tiết đẹp như thế", ông Chung khẳng định.
Thợ săn nhà phải lặn lội khắp nơi để tìm được những căn nhà cổ còn nguyên vẹn. |
Dẫu vậy, theo ông Chung trong bối cảnh hiện nay, nghề đi “săn” nhà cổ đang gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là nguồn nhà cổ ngày càng ít, thứ hai là chất lượng nhà gỗ ngày càng xuống cấp. Việc thuyết phục các chủ nhà đồng ý sang nhượng lại nhà cổ cũng không phải đơn giản.
“Sau vài trăm năm, nhiều nhà gỗ cổ xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều gia đình thà chấp nhận bỏ không chứ không muốn sang nhượng vì đây thường là nhà thờ họ của cha ông để lại. Vì thế, chúng tôi phải tốn rất nhiều thời gian thuyết phục. Có nhà cổ tôi phải đeo đuổi kiên trì nhiều tháng chủ nhà mới đồng ý sang nhượng”, ông Chung nói thêm.
Công việc của thợ đi “săn” là tìm mua nhà cổ cho đại gia, sau đó mang về dựng lại. |
Thu nhập “khủng” từ nghề đi “săn” nhà cổ
Hầu hết các “thợ săn” nhà gỗ cho đại gia Việt thường là những thợ mộc lành nghề và có kinh nghiệm trong nghề buôn gỗ. Tuy nhiên, so với làm mộc, nghề đi “săn” nhà gỗ thường mang lại lợi nhuận cao bất ngờ.
Nếu may mắn “săn” được nhà gỗ quý, một “thợ săn” có thể rủng rỉnh đút túi tới vài trăm triệu đồng tiền thi công, tháo lắp nhà cổ.
Thời gian tháo lắp nhà cổ tương đối đơn giản, chỉ cần 7 - 10 ngày là hoàn thiện. |
Anh Dân tiết lộ, đối với nhà gỗ bình dân làm từ gỗ xoan, dổi, các công đoạn tháo nhà cũ và lắp nhà mới khá đơn giản, tổng chi phí dao động khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, đối với những ngôi nhà làm từ gỗ cao cấp, đặc biệt là lim, công tháo lắp có thể lên tới vài trăm triệu đồng.
Đấy là chưa kể, các mẫu nhà gỗ phải làm mới theo yêu cầu của khách hàng, bao gồm một số công đoạn đặc thù như chạm khắc thêm họa tiết, sơn son thếp vàng, hoặc sơn đen lại, giá công tháo lắp có thể gấp 2-3 lần, lên tới cả 500 triệu đồng, tùy thuộc vào diện tích và chất lượng gỗ.
“Thực ra khi dựng lại nhà gỗ tương đối đơn giản, thời gian cũng nhanh, chỉ khoảng 7 - 10 ngày là xong 1 căn nhà. Cái khó hiện nay chính là nguồn nguyên liệu gỗ bị hạn chế. Nhiều nhà gỗ sau khi mua lại trong dân cư, nhiều cột, xà bị hỏng và phải thay mới, nhưng thiếu nguyên liệu nên đành “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”, thay thế bằng gỗ khác”, anh Dân nói.
Anh Quân tiết lộ, 1 tháng có thể dựng lại từ 2-3 căn nhà gỗ truyền thống, trừ một số chi phí như tiền vận chuyển, phí nhân công, mỗi tháng có thể thu nhập vài chục triệu, tháng cao điểm có thể cao hơn.
“Làm nghề này cũng như đánh cá, tháng được nhiều, tháng được ít. Nếu vào mùa đông, cận Tết, số lượng nhà dựng cho khách nhiều thì cũng có thể thu nhập trăm triệu", anh Dân nói.
Theo Việt Vũ/dantri.com.vn