Thứ năm 12/09/2024 08:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Di dời 60 nghìn hộ dân trong vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long

15:36 | 11/04/2016

(Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình số 29/Ttr-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt bổ sung các dự án đầu tư thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2 kéo dài (2016 - 2020), nhằm hoàn thiện đồng bộ và phát huy hiệu quả Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL; đáp ứng nhu cầu di dời, ổn định đời sống cho khoảng 60 nghìn hộ dân trong vùng ngập lũ và các khu vực sạt lở nguy hiểm.

Cần thiết bổ sung các dự án đầu tư

ĐBSCL chiếm khoảng 17% dân số cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội; có tiềm năng về đất đai, sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Với mục đích phát triển toàn diện vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg ngày 06/11/2001 về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2005 và Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 về việc phê duyệt bổ sung các dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL.

Theo Bộ Xây dựng, sau 14 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu chủ yếu của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL đã hoàn thành 982 dự án tôn nền cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao; đã cơ bản giải quyết được chỗ ở an toàn, ổn định cho khoảng 191 nghìn hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ thuộc 8 tỉnh (thành phố): Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ.

Tuy nhiên, giai đoạn 1 còn 7.824 hộ, giai đoạn 2 (từ năm 2008 - 2015) còn 5.159 hộ chưa vay vốn mua nền nhà và vay vốn làm nhà ở do nhiều nguyên nhân khác nhau như một số hộ dân trong diện đối tượng nhưng đi làm ăn xa chưa về làm nhà được, một số ít bỏ đi nơi khác, hoặc hộ đơn thân đã qua đời... Ngoài ra, một số địa phương phát sinh thêm nhiều khu vực ngập lụt và điểm sạt lở nguy hiểm gây nguy hiểm cho tính mạng cũng như tài sản của người dân.

Vì vậy, việc bổ sung dự án và kéo dài thời gian thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL là rất cần thiết và cấp bách, đáp ứng nhu cầu di dời, ổn định đời sống cho khoảng 60 nghìn hộ dân trong vùng ngập lũ và các khu vực sạt lở nguy hiểm.

Đề xuất điều chỉnh một số chính sách

Trên cơ sở bổ sung cập nhật tình hình kinh tế - xã hội, bổ sung một số nội dung mới, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất điều chỉnh một số cơ chế chính sách như về suất đầu tư; giá bán lô nền; về mức vay làm nhà ở; giải ngân nguồn vốn vay làm nhà ở; cấp bù lãi suất và cấp phí quản lý; cơ chế bán nền sinh lợi...

Trong đó, đối với mức cho vay làm nhà ở, để thống nhất với chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất: "Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở với mức tối đa 25 triệu đồng/hộ".

Đồng thời, để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giải ngân vốn vay làm nhà ở, Dự thảo quy định cụ thể: "Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân 100% vốn vay làm nhà ở cho các hộ sau khi có xác nhận của UBND cấp xã đã hoàn thành phần móng nhà".

Với tổng vốn đầu tư dự kiến 3.457,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện chương trình từ năm 2016 đến hết năm 2020 được quy định: Đến hết năm 2018, hoàn thành tối thiểu 70% việc tôn nền, xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại các cụm, tuyến dân cư và đắp bờ bao khu dân cư có sẵn; bố trí tối thiểu 50% số hộ dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư.

Đến hết năm 2019, hoàn thành 100% việc tôn nền, xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại các cụm, tuyến dân cư và đắp bờ bao khu dân cư có sẵn; bố trí tối thiểu 80% số hộ dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư. Và đến hết năm 2020, cơ bản hoàn thành việc bố trí các hộ dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư và tổng kết Chương trình...

Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ duyệt kế hoạch sử dụng vốn của các địa phương; phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020 theo đúng mục tiêu và nguyên tắc thực hiện Chương trình...

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load