Trước thông tin thành phố Hà Nội công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử gồm 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, đa số người dân đồng ý với chủ trương giãn dân, song họ vẫn còn băn khoăn nhiều vấn đề như việc làm, mưu sinh thế nào...
Chị Đinh Thị Lý (trú tại phố Hàng Khoai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong căn nhà trên gác xép của mình. Ảnh: Tùng Giang |
Nhà có khách phải ra quán cà phê
Đáng chú ý, theo Quy hoạch phân khu khu vực nội đô lịch sử, tổng diện tích đất được quy hoạch hơn 2.700ha, dân số hiện trạng theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là trên 887.000 người, dân số theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 672.000 người.
Để bảo đảm tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, tổng quy mô dân số tại khu vực Hoàn Kiếm là khu vực khu phố cổ, phố cũ và hồ Gươm và vùng phụ cận cần giảm khoảng trên 215.000 người.
Đồng lòng với chủ chương giãn dân, song nhiều người dân khu phố cổ lại tỏ ra băn khoăn, chủ yếu tập trung vào các vấn đề dân sinh như làm sao để ổn định cuộc sống khi dời phố cổ.
Trong con ngõ nhỏ, khá tối, lối đi chỉ vừa 1 người đi qua (ở 74 Hàng Khoai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có khoảng 3 hộ dân sinh sống.
Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Đức Bách (sinh năm 1980, trú tại số 74 Hàng Khoai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, nhà anh ở trên tầng 4 của căn nhà chỉ có diện tích khoảng 20m2 nhưng có 4 người sinh sống.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Có thể người từ nơi khác đến sống tại phố cổ sẽ thấy khó ở nhưng gia đình tôi trải qua 3 thế hệ nên cũng đã quen với cuộc sống chật chội, ẩm thấp”, anh Bách nói.
Theo anh Bách, trong con ngõ nhỏ nơi anh sống, trung bình có khoảng từ 14 -15 người thuộc 3 hộ dân cùng sử dụng chung 1 cổng ra vào chỉ vừa 1 người đi qua, chung nhà vệ sinh. Do chật chội nên mỗi người đều phải sắp xếp lịch sinh hoạt phù hợp để không ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt chung của xóm. Nếu nhà nào có khách sẽ phải ra quán cà phê ngồi tiếp vì nhà quá chật.
Nói về việc di dời, anh Bách cho biết, nếu được chuyển sang nơi ở khác khang trang hơn, nhưng không còn thuộc trung tâm thành phố, anh vẫn cảm thấy tiếc nuối vì tuổi thơ gắn liền với nơi này. Đặc biệt, gia đình anh Bách cũng lúng túng không biết trong tương lai sẽ làm việc gì để duy trì cuộc sống. Còn ở phố cổ hiện nay anh vẫn buôn bán lặt vặt để kiếm tiền lo cho gia đình.
Tương tự, chị Đinh Thị Lý (sinh năm 1986, trú tại ngõ phố Hàng Khoai, Hoàn Kiếm) cho biết, đã 8 năm nay, chị Lý làm dâu phố cổ. Ban đầu, chị cảm thấy khá bất tiện khi phải sinh hoạt trong không gian nhỏ hẹp.
“Cuộc sống ở nơi này chật chội, muốn mua cái tủ lạnh cũng phải bàn bạc suốt nhiều ngày trời. Khi mua được tủ rồi, thì không thể mang lên nhà vì cửa chỉ đủ cho 1 người đi qua”.
Công việc kinh doanh, buôn bán của gia đình chị cũng diễn ra ngay trong con ngõ nhỏ hẹp giữa lòng phố cổ. Mỗi ngày bán hàng, chị Lý lại nghĩ xem mình cần mang đồ gì xuống để đỡ mất công đi lại, đỡ mất công tìm đồ rồi sắp xếp để giữ lối đi chung. Bàn ghế, xoong nồi... lỉnh kỉnh không thể để trong nhà, chị đảnh phải để hết đồ đạc dưới vỉa hè rồi khóa lại cẩn thận.
Nói về việc di dời sau này, chị Lý cho biết, nếu nhà chị nằm trong diện dãn dân theo đề án từ thành phố Hà Nội chị cũng sẵn sàng di dời cùng gia đình chuyển đi nơi khác rộng rãi, khang trang hơn.
“Tuy nhiên, quán ăn buôn bán đang thuận lợi nên tôi cũng lo vì ở phố cổ đã quá quen thuộc. Không biết sang nơi ở mới thì mình sẽ làm gì để có tiền nuôi con ăn học”, chị Lý lo lắng.
Sống trong căn nhà có diện tích chưa đầy 20m2 nằm sâu trong con ngõ hẹp thuộc khu phố cổ, bà Trần Thị Dung (sinh năm 1961, trú tại Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở: “Tôi lấy chồng và về đây sinh sống được 15 năm. Thật sự cuộc sống ở đây quá khổ”.
“Chậu, xoong nồi luôn được để trên giường để nếu mình đi làm, con đi học chẳng may trời mưa sẽ không dột xuống nhà. Đặc biệt, trên sàn gác xép luôn được phủ một lớp nilon để tránh nước ngấm qua các vách ngăn”, bà Dung nói.
Hà Nội đã có phương án di dời
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận định: Đa số, nhà tại khu phố cổ Hoàn Kiếm khá nhếch nhác. Một phần các hộ dân ở đây không có sổ đỏ, họ tự xây dựng rồi ở. Cuộc sống của người dân rất khổ, thiếu tất cả những hoạt động đô thị. Bởi chúng ta không có điều kiện quản lý.
Cũng theo ông Long, quy hoạch này nêu rất rõ, thành phố Hà Nội đã có phương án ai đi, đi như thế nào, đi sẽ ở đâu, ai được tái định cư, ai ở lại sẽ và ở lại như thế nào. Các quy hoạch nội đô lịch sử vừa được phê duyệt cũng gắn với đề án giãn dân mà quận triển khai trong nhiều năm qua.
“Một số công trình sẽ cải tạo, một số sẽ được di dời. Nhưng mục đích của quy hoạch đều hướng đến để người dân hưởng thụ điều kiện tốt nhất. Nếu tôi ở trong khu vực giải tỏa tôi cũng đồng ý. Bởi vì đi chỗ khác, người dân sẽ có điều kiện sống tốt hơn và dành đất cho thành phố quy hoạch lại để có một đô thị khang trang”, ông Long nói.
Theo ông Long, nhu cầu của người dân hiện nay cao hơn so với trước, nhiều người mong muốn có diện tích nhà ở lớn hơn, tiện nghi hơn, nhà ở trong phố cổ không đáp ứng được, vì thế họ chọn việc di chuyển ra ngoài. Các diện tích ở phố cổ nhường lại cho việc phát huy giá trị di sản, phục vụ du lịch, thương mại…
Sau khi làm quy hoạch thường xuất hiện một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Ví dụ như “quy hoạch treo” bởi dự án quy hoạch cần có một thời gian để thực hiện. Thời gian thực hiện quy hoạch là 10 năm, 20 năm nên đôi khi người dân nghĩ rằng dự án đó bị treo.
Chúng ta nhìn nhận công tác quy hoạch đô thị của Hà Nội tốt. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, quận cũng dành nguồn lực rất lớn cho giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân sống trong di tích, trường học, công sở.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ với thủ đô Hà Nội các đồng chí lãnh đạo cần vào cuộc mạnh mẽ. Tôi đề nghị phải có quy chế quản lý, quy chế quản lý quy hoạch. Hà Nội nên có Ban chỉ đạo của thành phố về công tác quản lý cho toàn bộ quy hoạch đô thị phố cổ và sông Hồng. Không nên để quận nào quản lý quận đó mà phải có ban chỉ đạo thành phố thống nhất từng vấn đề, ông Long nhấn mạnh.
Dự án giãn dân phố cổ được triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và công trình kiến trúc cổ có giá trị; phát triển đô thị bền vững; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trong đó có dịch vụ du lịch. Tuy nhiên đến nay, dự án giãn dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi nhiều khu chung cư đã hoàn thiện nhưng vắng bóng người dân đến sinh sống. |
Theo Tùng Giang - Hà Phương/Laodong.vn