Thứ sáu 26/04/2024 06:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đến một làng quan họ

14:14 | 03/02/2023

(Xây dựng) - Dân ca quan họ bây giờ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là UNESCO công nhận, bắt đầu từ “mời trầu mời nước”, không còn là chuyện ngày xưa!

Trong 49 làng quan họ, dọc theo con sông Cầu lơ thơ nước chảy, làng quan họ Viêm Xá, tên Nôm là làng Diềm. Viêm Xá xưa nay thuộc xã Hòa Long; trước đây thuộc huyện Yên Phong, năm 2007 chuyển về thuộc thành phố Bắc Ninh. Làng có vị trí quan trọng trong chuỗi làng quan họ cổ. Làng Diềm kết anh em với làng Bịu Sim nay là Liên Bão, huyện Tiên Du - quê hương Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Hậu duệ Trạng nguyên sau này còn có quan hệ thông gia với họ Nguyễn của Tản Đà! Chương trình đi thăm các vùng quê văn hóa của Ban Văn hóa của Câu lạc bộ Thăng Long Thành phố Hà Nội ngày 18/10/2022 đưa chúng tôi về miền quan họ ấy.

Đến một làng quan họ
Tác giả bài báo Lê Tuấn Hiến và chị hai quan họ.

Làng Diềm có tự thủa Hùng Vương! Công chúa con Vua Hùng thứ 18 về đây dạy dân trồng dâu chăn tằm; dạy dân ca hát; xây dựng những nền móng ban đầu của dân ca quan họ.

Vùng đất phía Nam sông Cầu đầu thế kỷ 6 sau Công nguyên có các ông Trương Hống, Trương Hát về mộ quân, luyện võ, xây thành An Biên giúp Triệu Quảng Phục đánh quân xâm lược nhà Lương phương Bắc. Hai ông mang họ Trương, họ của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Các ông được phong Thánh Tam Giang thờ ở 372 làng ven sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Thương thuộc 5 tỉnh với 16 huyện của nước ta hiện nay.

Ngã ba Xà, nơi con sông Cà Lồ nhập vào sông Cầu về xuôi là khúc sông mang tên Như Nguyệt; nơi ra đời áng thiên cổ hùng văn “Nam Quốc Sơn Hà” âm vang hơn một ngàn năm và còn lưu truyền mai sau trong dòng lịch sử nước nhà. Trên một khu đất không rộng các thiết chế di tích lịch sử văn hóa dày đặc: đình, đền, chùa… đường làng, cổng ngõ đậm sắc rêu phong cổ kính!

Cổng vào làng ở phía Đông làng, lần tu sửa gần đây là vào năm thứ 2 của thể chế Dân chủ Cộng hòa - 1946, có đắp nổi và trang trí những mảnh sứ xanh 4 chữ Nho “Vãng Du Hữu Lợi” và nhiều hoa văn trang trí khác rất đẹp, vôi gạch thẫm màu thời gian, có đôi chỗ bong tróc… càng làm cho cổng làng cổ kính hơn, có những đoạn đường lát gạch như bao làng quê Bắc Bộ ngày xưa. Có những vạt rơm, những luống thóc vàng đang phơi đan xen vệt dũi đảo để đón nắng thu vàng…

Tôi cứ bâng khuâng: Trong những luống thóc thơm hương đồng đất, nắng mưa miền Kinh Bắc ấy; sau khi xay giã những đấu gạo nào sẽ được đồ xôi dâng lên Thành Hoàng làng? Đấu xôi nào ép oản để dâng lên chùa và đấu nào nấu thành những vò rượu, trước lễ thánh thần, các vị tiền hiền, tiên tổ; sau mừng đón bạn phương xa ngày hội tới…

Đình làng Diềm được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, thời Hậu Lê. Dân gian vùng Kinh Bắc có câu ca: “Thứ nhất là đình Đông Khang, thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”.

Đình trước đây có sàn gỗ cao cách mặt đất chừng 70cm, nay đã tháo bỏ và lát gạch Bát Tràng. Độc đáo nhất là bức cửa võng rất đẹp, chiều cao gần 7m, có 3 tầng, chạm khắc tinh xảo. Trên là Thượng Lương có chạm khắc tứ linh: long, ly, quy, phượng; các nàng tiên nữ, lèo kép bên dưới chạm khắc voi, hổ… Trong đình còn có nhiều đạo, sắc phong của các triều đại xưa, đặt trong những hòm gỗ sơn son thếp vàng trang trọng. Trước đình là ao làng rất rộng, cây xanh bên bờ. Ngày hội vào dịp 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, làng xã rộn ràng vui.

Năm 1964, đình làng Diềm được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đền Vua Bà thờ Nhị vị Công chúa, con gái Vua Hùng thứ 18. Công chúa từ Đất Tổ xuôi về Nam, rồi dừng chân nơi bờ Nam con sông thơ mộng. Khi Công chúa về đất Viêm trang xưa. Nơi đây gây dựng nên những làn điệu ban đầu. Đền Vua Bà – Thủy tổ dân ca quan họ Bắc Ninh ngày nay.

Đến một làng quan họ
Ao làng quan họ (ảnh: Lê Tuấn Hiến).

Trong đền có bức hoành phi lớn “Mẫu Đức Duy Hinh”. Ban đầu, ngôi đền quay về hướng Bắc nơi Đất tổ Vua Hùng. Sau này, khi xây dựng lại như bây giờ, làng và các cơ quan chức năng xin phép quay về hướng Nam. Ngôi đền hiện hữu toàn bằng gỗ lim. Năm 2020 hoàn thành, kinh phí nghe nói hết 35 tỷ đồng, đất nước ta thêm một cơ sở văn hóa khang trang của làng cổ bên con sông Cầu...

Trên 2 chiếc chiếu hoa, có ghế vây quanh; chúng tôi đứng ngồi; nghe 2 liền chị ca bài “Mời nước, mời trầu” đón khách, khách đông nghe chăm chú, cơi trầu đưa ra đã gần hết…

Thấy tôi máy ảnh cầm tay, đôi lúc ngừng chụp, lấy bút bi ghi chép trên cuốn sổ nhỏ, một liền chị tiến đến, cúi chào và trao cho tôi khẩu trầu têm cánh phượng xinh xắn. Tôi cảm ơn. Không khí thân tình chủ khách giao lưu.

Trong đền có 3 quả cầu: cầu duyên, cầu mưa thuận gió hòa, cầu dân khang vật thịnh. Ngày xưa, mỗi dịp hội làng vào 5-6/2 âm lịch hàng năm có 13 gia đình có khách là các bọn (nhóm) đến nghỉ ngơi ca hát, nay đã có một nhà tập thể to, đẹp… sinh hoạt chung cho các nhóm.

Nhìn sang bên trái qua một vườn cây xanh, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa xây dựng xong, hoành tráng soi bóng bên hồ nước xanh, lung linh bóng nước. Tôi có chú em làm việc cùng tôi 15 năm khi chúng tôi công tác cùng Công ty với nhau. Chú người làng Liên Bão, làng quan họ cổ, làng chú có quan hệ lâu đời với quê mẹ của chú - làng Diềm! Nhưng chú không hát được nhiều bài quan họ.

Có những năm, cuối chiều 12 tháng Giêng, đêm trước Hội Lim chú và bạn chú bên làng Lim mời tôi về quê chơi. Đêm giao lưu dân ca với các liền anh liền chị làng Lim, bên chiếu đào yếm thắm môi xinh, mớ ba mớ bẩy bao lưu luyến. Tôi cũng cố gắng hát một đôi làn góp vui; còn thì chỉ ngồi nghe người quan họ hát say đắm.

Một người anh của tôi học Đại học Sư phạm, khoa Ngữ văn, anh dạy Văn cấp 3 ngày trước, sau làm báo. Anh đi nhiều khám phá nhiều, vốn kiến thức sâu rộng. Anh ấy hé mở cho tôi biết đôi điều về tục lệ kết chạ ngày xưa: Khi làng có hội, làng cử người đi mời làng kết nghĩa. Làng kết nghĩa cử các liền anh đẹp trai, hát hay lên lên chơi.

Buổi tối, sau bữa cơm đãi khách, các liền chị sẽ hát cùng khách. Canh hát có thể đến khuya. Nếu mệt có thể vừa nghỉ vừa hát. Có thể hát chung, tâm sự riêng. Sớm mai, lưu luyến chia tay. Dùng dằng người ở đừng về trong Giã bạn… Tư liệu này có trong lưu trữ của Viễn Đông Bác Cổ hồi đầu thế kỷ 20.

Gần trưa, chúng tôi đi qua làng, lên đê sông Đuống sang Cổ Mễ Vũ Ninh. Nắng tháng 10 vàng triền đê, những rặng tre xanh; ven bờ sông chỗ đất cao có những vườn cải đang trổ hoa vàng; xa xa trên những vạt cỏ ven mép nước có những con trâu đang ăn cỏ. Gió thổi nhẹ, sông Cầu chảy lững lờ, nước mùa Thu xanh trong…

Viết đến đây tôi nhớ lời bài hát của Nguyễn Trọng Tạo phỏng thơ của Nguyễn Phan Hách có câu: “Con sông Cầu làm bao xanh, ngang lưng làng quan họ xanh xanh” thơ mộng làm sao…

Lê Tuấn Hiến

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load