Thứ sáu 19/04/2024 22:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

CUỘC SỐNG NGƯỜI LAO ĐỘNG TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19

Đêm làm công trường, ngày ngủ nhà “biệt thự”

09:35 | 28/05/2020

Trong khu nhà ở và biệt thự liền kề thuộc dự án Khu đô thị Cầu Diễn (phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có những căn biệt thự chưa hoàn thiện là nơi ở và sinh hoạt của rất nhiều người lao động tự do làm việc tại các công trường xây dựng. Cuộc sống của họ là điều mà ít ai có thể tưởng tượng được nếu không tận mắt chứng kiến.

dem lam cong truong ngay ngu nha biet thu
Người lao động trở về nơi ở sau khi làm việc trên công trường. Ảnh: Trần Kiều

Hàng chục con người cùng ăn, ở

Nằm đối diện một mương nước nhỏ trong khu D4, có một căn biệt thự 5 tầng, diện tích khoảng 60m2 mới chỉ được xây xong phần thô, trơ khung tường gạch đỏ bên ngoài phủ đầy rêu phong, bên trong thì bong tróc. Từ năm 2014, căn biệt thự này được thuê lại để làm nơi ở cho công nhân (CN) làm việc thời vụ tại các công trình xây dựng. Hiện tại, căn nhà có khoảng 30 người gồm cả già, trẻ, gái, trai cùng ăn, ở với nhau.

Do căn nhà chỉ mới xong phần thô nên để có thể sống được ở đây, khi mới chuyển đến, mọi người phải kéo điện, nước và thiết kế chỗ ngủ nghỉ cho mình. Một vài cột sắt được hàn thành khung tầng, thêm mấy miếng phản ghép lại với nhau thành giường ngủ. Mọi người lấp đầy không gian sống bằng những dây treo quần áo và vật dụng thi công trên công trường. Còn chuyện nhà không có cửa che chắn thì chẳng ai lấy làm bận tâm. Bởi, tất cả đều nghĩ đơn gian rằng có chỗ ngả lưng, che mưa che nắng là tốt lắm rồi.

Với số lượng thành viên đông, phần lớn lại là nam giới nên chuyện ăn ở và sinh hoạt trong căn nhà khá đặc biệt. Những người trung tuổi được bố trí ở tầng 1 và tầng 2; còn người trẻ ở tầng cao hơn. Riêng những cặp vợ chồng được sắp xếp ngủ cùng một chỗ và “ưu ái” có ri-đô để có sự riêng tư.

Theo ông Mai Minh Ướng (SN 1969, quê ở Yên Bái) - người lớn tuổi nhất trong căn nhà, do điều kiện nhà cửa tuềnh toàng, nên lao động nữ sinh hoạt hơi bất tiện. “Mỗi tầng đều có nhà vệ sinh tự chế. Ngoài đi vệ sinh, đó cũng là nơi tắm rửa. Thường chỉ có chị em phụ nữ tắm ở đó, còn đàn ông đều xuống tắm chung ở bể nước ngay tầng 1” - ông Ướng cho biết.

Ngủ nghỉ, tắm giặt đã vậy, bữa cơm của mọi người sống trong căn nhà cũng rất đặc biệt. Khi đến bữa, từng tốp khoảng 8-10 người tự túc lấy bát đũa và dọn cơm mang lên các tầng để ăn. Lý do đơn giản được mọi người giải thích là vì đông người nên không thể ngồi cùng một chỗ. Với tất cả thành viên sống ở đây, việc ăn cùng, ngủ cùng đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc.

Uớc mơ về cuộc sống đủ đầy

Chị Hoàng Thu Huyền (SN 1999, dân tộc Tày, ở Yên Bái) dù còn khá trẻ nhưng đã là mẹ của hai con. Chồng của chị đã làm công việc đổ bêtông ở Hà Nội được 6 năm, ít có thời gian về nhà. Phần vì nhớ chồng, phần vì không quen với công việc gò bó ở Cty, chị Huyền quyết định xuống Hà Nội làm cùng chồng.

Sau 2 tháng đi làm ở công trường, chị Huyền cho hay, công việc hiện tại tuy nặng nhọc, thường xuyên làm ca đêm nhưng không bị gò bó về thời gian như khi làm CN. Hơn thế nữa, thu nhập cũng cao hơn và còn được lo cơm ăn hằng ngày nên khá thoải mái.

“Mới đầu xuống đây, tôi cũng ngại vì căn nhà có tới 30 người, chủ yếu là nam giới cùng chung sống. Nhưng giờ thì quen rồi, mọi người cũng đều là người trên quê xuống đây lao động với mong muốn cuộc sống được đủ đầy hơn nên có gì cũng san sẻ, giúp đỡ nhau. Từ lúc xuống đây, tôi chưa về nhà được lần nào... Cuộc sống xa nhà luôn vất vả nhưng có chồng bên cạnh cũng đỡ tủi thân lúc ốm đau, mệt mỏi” - chị Huyền tâm sự.

Cũng như chị Huyền, chị Hà Thị Chăm (SN 1998, cùng là dân tộc Tày, quê Yên Bái) theo chồng xuống đây làm đã được 1 năm. Trước khi xuống đây, công việc của chị Chăm cũng như phần lớn bà con ở quê là chăn nuôi và trồng quế. Đợt nào được giá thì 630.000 đồng/yến quế, còn lại không có nguồn thu nhập nào khác nên đời sống khó dư giả.

Để có một cuộc sống đủ đầy hơn, chị Chăm gửi con ở quê rồi xin xuống làm cùng chồng. Hằng ngày, chị theo chồng ra công trường phụ hồ, bắn nhám. Chị được trả 200.000 đồng/công.

Cũng vì muốn cuộc sống được khá giả hơn, anh Hoàng Văn Hiền (SN 1983) xa vợ và hai con xuống Hà Nội làm từ năm 2004. Gắn bó từ những ngày được trả 65.000 đồng/công cho tới giờ là 300.000 đồng/ca, anh Hiền bảo, nhờ có công việc này mà anh có tiền gửi về cho vợ nuôi con. Mọi thứ cũng dễ chịu hơn nhiều so với việc chỉ trông vào cây quế, nương lúa.

Đợt dịch COVID-19 vừa qua, công trình tạm dừng thi công, mọi người đều không có việc làm, chỉ loanh quanh ở trong bốn bức tường. Không đi làm được nên nhiều người phải tạm ứng trước tiền từ chủ cai để lo toan cuộc sống cho gia đình ở quê.

30 con người là 30 mảnh ghép riêng biệt cùng sống trong một căn nhà. Song cuối cùng, điều duy nhất mà tất cả cùng hướng tới là ai cũng sẽ có được một cuộc sống đủ đầy hơn. Đó là lý do mà mọi người gồng gánh và san sẻ những khó khăn, vui buồn với nhau trong công việc và cuộc sống.

Theo TRẦN KIỀU/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load