Chủ nhật 08/09/2024 22:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Đề xuất thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại Đà Nẵng, Hạ Long và Phú Quốc

21:26 | 28/08/2015

(Xây dựng) - Đề xuất nêu trên được đưa ra tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam”. Hội thảo do Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự góp mặt của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh… cùng đại diện các Đại sứ quán tại Việt Nam: Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và đại diện nhiều địa phương, cơ quan trong và ngoài nước.


Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo một số ban, bộ chủ trì Hội thảo.

Việt Nam hiện có khoảng 774 đô thị lớn nhỏ, trong đó 2 đô thị đặc biệt có quy mô lớn là Thủ đô Hà Nội và TPHCM, ngoài ra còn có gần 30 đô thị tương đối lớn. Năm 2014, tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị là 34.017 km2 với khoảng 33,6% dân số, đóng góp khoảng 60% GDP cả nước và 70% tổng thu ngân sách toàn quốc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sự phát triển của đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, đó là đô thị hóa tăng; nảy sinh các vấn đề môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…; hạ tầng lạc hậu, quá tải...

Theo Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, đô thị thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế, môi trường, quản trị, giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục thông minh, ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến nhất. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Việt Nam cần phát triển các đô thị theo hướng đô thị thông minh với bốn mục tiêu: hiệu quả kinh tế ngày càng cao; môi trường sống ngày càng tốt; người dân được phục vụ tốt hơn và tham gia quản lý đô thị, giám sát chính quyền.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù còn có những bất cập nhưng các đô thị Việt Nam đã và đang được xây dựng theo hướng tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến, tạo ra nhiều tiền đề về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, viễn thông để phát triển đô thị thông minh.

Trên tinh thần đó, Hội thảo này nhằm giới thiệu thực tiễn và bài học kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh tại một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản; góp ý cho định hướng của Việt Nam trong xây dựng đô thị thông minh; tìm hiểu khả năng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển đô thị thông minh…

Các đại biểu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ đã thông tin về kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh và gợi ý những vấn đề liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Nhiều vấn đề được trao đổi như: Thực tiễn ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông ở các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị cơ sở trong ngành... cũng như thực trạng và khả năng phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông của các tập đoàn công nghệ thông tin, viễn thông lớn của Việt Nam phục vụ phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam.


Đại diện Bộ Xây dựng trình bày tham luận về chủ đề “Phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam trong Chiến lược tăng trưởng Xanh của Quốc gia”.

Tại Hội thảo, PGS,TS Đỗ Tú Lan - đại diện Bộ Xây dựng - đã trình bày tham luận về chủ đề “Phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam trong Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia”.

PGS,TS Đỗ Tú Lan cho biết, Bộ Xây dựng đã và đang từng bước chỉ đạo công tác phát triển đô thị Việt Nam theo mục tiêu phát triển bền vững thông qua các chương trình, đề án lớn như: Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050, đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị đến năm 2020, nghiên cứu điều chỉnh các quy chuẩn tiêu chuẩn hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… 

Trên cấp độ quốc gia, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21, năm 2004), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050, Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã định hướng cụ thể về Đô thị hóa bền vững: Quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh; giao thông đô thị; xanh hoá cảnh quan đô thị…

Tham luận cũng khẳng định, phát triển thành phố thông minh là một mô hình rất cần thiết và thích hợp với xu thế chung của thế giới cũng như khả năng tiếp cận của Việt Nam. Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với Cơ quan phát triển Hàn Quốc nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phát triển thành phố xanh và thành phố thông minh, tuy nhiên rất cần có sự hiểu và phối hợp đồng bộ giữa các ngành để có thể áp dụng và phát triển đô thị Việt Nam với những thành phố thông minh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc.

Ban tổ chức cho biết, sau Hội thảo, sẽ đề xuất các kiến nghị cần thiết với Đảng, Chính phủ các vấn đề về phát triển đô thị tại Việt Nam, trong đó có đô thị thông minh, từ đó góp phần hoạch định chính sách phát triển đô thị nói chung ở Việt Nam trong thời gian tới. Trước mắt, ba địa phương được đề xuất thí điểm phát triển thành phố thông minh sẽ là Đà Nẵng, Hạ Long và Phú Quốc.

Tuấn Đông - Ảnh: Kim Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load