Thứ năm 25/04/2024 12:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đề xuất thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng đường bộ

09:21 | 31/03/2023

(Xây dựng) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư xây dựng đường bộ.

Đề xuất thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng đường bộ
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật (Luật Giao thông đường bộ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư PPP, Luật Xây dựng...) vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ bao gồm cả phương thức đầu tư công và đầu tư PPP đã bộc lộ những vướng mắc, phát sinh đòi hỏi cần được điều chỉnh, hoàn thiện, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy đa dạng nguồn lực tài chính; đồng thời đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án phát triển đường bộ (cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ), cụ thể như sau:

Một là, về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia trong các dự án PPP: Khi thông qua Luật PPP, Quốc hội đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này và đã quyết định mức trần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP. Theo đó, quy định hiện hành khống chế tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP có thể dẫn đến hạn chế việc áp dụng phương thức đầu tư này. Do một số dự án đang chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn, có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao. Ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, đảm bảo mục tiêu huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước, cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn 50% tổng mức đầu tư dự án.

Hai là, về thẩm quyền đầu tư các dự án đường bộ: Luật Giao thông đường bộ không quy định rõ việc quản lý đầu tư xây dựng đường bộ, chỉ quy định chung về quản lý, bảo trì giao thông đường bộ. Việc quản lý đầu tư xây dựng quốc lộ, cao tốc được quy định tại Nghị định của Chính phủ. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đầu tư các quốc lộ, cao tốc kể cả cao tốc qua đô thị.

Đối với một số dự án PPP (loại hợp đồng BOT) nâng cấp, mở rộng các quốc lộ đã được Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện trong giai đoạn trước, có một số cầu đường bộ nằm trong phạm vi dự án nhưng không thuộc phạm vi đầu tư của dự án PPP (giữ nguyên quy mô cũ để khai thác); một số dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 02-04 làn xe hạn chế. Đến nay, lưu lượng giao thông ngày càng tăng cao, các vị trí nhỏ hẹp tạo nút thắt cổ chai, dẫn đến ùn tắc cục bộ (các cầu: Xương Giang, Như Nguyệt, Gianh, Quán Hàu, Tam Kỳ trên quốc lộ 1; cầu Hồ trên Quốc lộ 38...) hoặc không có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến, có khả năng gây mất an toàn giao thông.

Qua nghiên cứu, để giải quyết vấn đề này có 02 giải pháp về nguồn vốn đầu tư: (i) sử dụng ngân sách của nhà đầu tư BOT đang khai thác, việc này dẫn đến kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn, có thể gây bức xúc trong dư luận xã hội, đồng thời thuộc trường hợp không được phép của Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21 tháng 10 năm 2017 và Luật PPP về việc thu phí trên đường hiện hữu; (ii) Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn đầu tư mở rộng các cầu trên quốc lộ hoặc mở rộng tuyến theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung vốn đầu tư cho các dự án lớn, quan trọng quốc gia nên không đảm bảo nguồn lực bố trí vốn cho các dự án này, trong khi đây là điểm nghẽn ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần giải quyết ngay.

Gần đây, một số địa phương có nguồn thu ngân sách cao, có khả năng huy động nguồn lực đầu tư cho các dự án quốc lộ đi qua địa phương mình, bao gồm cả quốc lộ, đường cao tốc. Việc giao một số địa phương thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản cùng với Bộ Giao thông vận tải sẽ tạo đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, qua đó phát huy được tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương có tuyến đi qua, bao gồm cả việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước của Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, pháp luật về ngân sách Nhà nước quy định không cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, cụ thể các dự án đầu tư xây dựng quốc lộ, cao tốc thuộc thẩm quyền bố trí vốn của Bộ Giao thông vận tải.

Ba là, về việc sử dụng ngân sách địa phương đầu tư các dự án liên vùng: Một số địa phương đề xuất dự án đầu tư đường bộ liên kết vùng (phạm vi đầu tư trên địa bàn địa phương này lớn hơn nhiều lần địa phương kia) hoặc dự án đi qua ranh giới địa bàn 02 địa phương bằng cầu, hầm.

Trường hợp nếu để mỗi địa phương đầu tư một nửa cầu/hầm sẽ không thuận lợi trong công tác quản lý dự án, gây lãng phí bộ máy, thời gian, thủ tục đầu tư... Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các Nghị định hướng dẫn không quy định về việc giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công thực hiện trên địa bàn hai địa phương; cơ sở pháp lý liên quan đến phân cấp trách nhiệm đầu tư xây dựng đối với tuyến đường tỉnh liên vùng sử dụng vốn đầu tư công chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Luật Ngân sách nhà nước quy định không được sử dụng ngân sách địa phương này để chi cho địa phương khác. Bên cạnh đó, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương quy định những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước ở Trung ương. Do đó, cần có quy định chung trên toàn quốc để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng đường bộ có tính chất liên kết vùng.

Khơi thông nguồn lực trong triển khai phát triển các dự án đường bộ

Nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, việc khơi thông nguồn lực trong triển khai phát triển các dự án đường bộ (quốc lộ, cao tốc, tỉnh lộ...), đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, làm tiền đề cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết và hết sức cấp bách.

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư xây dựng đường bộ. Do thời gian xây dựng Nghị quyết gấp (dự kiến Kỳ họp tháng 5 năm 2023), Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết thí điểm theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Việc xây dựng thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư xây dựng đường bộ giai đoạn từ nay đến khi Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (Nhà nước, tư nhân, Trung ương, địa phương), tháo gỡ nút thắt trong đầu tư tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc theo chủ trương của Đảng và nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load