(Xây dựng) - Đó là khẳng định của ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 31/5.
Trước một số ý kiến cho rằng, xe buýt gây ùn tắc giao thông, ông Quang cho rằng thực tế hiện nay, lượng xe buýt của Hà Nội chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng ôtô của thành phố cho nên không có chuyện xe buýt gây ùn tắc giao thông. Ông Quang cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đề xuất với thành phố tăng cường lượng xe buýt phục vụ hành khách.
Theo ông Quang, hiện tổng số phương tiện xe buýt trợ giá của Hà Nội là 1.221 xe. Trong đó, phương tiện lớn là 456 xe, chiếm 37%, buýt trung bình là 728 xe, chiếm 60%, buýt nhỏm 37 xe, chiếm 3%, phương tiện dưới 5 năm là 461 xe chiếm 37,7%, phương tiện từ 5 năm đến 9 năm là 492 xe, chiếm 40,2%; phương tiện trên 9 năm là 268 xe chiếm 22,1%.
Trong 6 tháng đầu năm, số vi phạm của xe buýt đã giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2015. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2016 có gần 40 vụ vi phạm Luật Giao thông Vận tải. Cùng với đó, trong tổng số 369 biên bản bi phạm thì có 147 biên bản về lỗi doanh thu, chiếm 40% tổng số vi phạm. Ngoài ra, vẫn còn vi phạm về dừng đỗ với 66 biên bản, chiếm 18%. Hiện tượng bỏ chuyến lượt giảm từ 480 lượt 5 tháng đầu năm 2015 xuống còn gần 364 lượt trong 5 tháng đầu năm 2016.
Kinh phí trợ giá cũng giám từ 1.078 tỷ đồng năm 2014 xuống 973,6 tỷ năm 2015 và dự kiến năm 2016 là 823 tỷ đồng. Tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2014 là 55,3%, năm 2015 giảm xuống 54% và dự kiến 6 tháng đầu năm 2016 giảm đến 50,7%.
Về tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vừa được bàn giao, ông Quang cho hay, theo dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, việc khó nhất chính là đường dành riêng cho tuyến này.
Cũng theo ông Quang, đây là loại hình giao thông mới, đi rất nhanh nhưng vì còn khó khăn về đường ưu tiên và vấn đề sắp xếp giao thông nên Sở đang phối hợp cùng các đơn vị tiến hành bàn bạc, báo cáo thành phố để sớm đưa tuyến BRT vào hoạt động.
Quốc Bình
Theo