Thứ ba 21/01/2025 08:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Đề xuất nội dung sửa đổi Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật

10:04 | 19/04/2019

(Xây dựng) – Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp Bộ Tài chính về đề xuất nội dung sửa đổi Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật.

Ảnh minh họa.

Các căn cứ, lý do chỉnh sửa Thông tư số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN

Thông tư số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN (Thông tư 145) ngày 17/7/2009 ban hành từ năm 2009, kể từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi về các chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật như:

Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 (Đề án 198);

Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/05/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;

Tại thời điểm năm 2009 khi ban hành Thông tư 145, mức lương cơ sở là 650.000 đồng, đến nay mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng. Do vậy, khung mức chi các nội dung trong Thông tư 145 là quá thấp, chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều văn bản viện dẫn trong Thông tư đã hết hiệu lực (ví dụ: Thông tư 100/2006/TT-BTC).

Thông tư 145 (Điều 4, Mục 1, Khoản b) với “Mức chi tối đa là 12.000.000 đồng/01 dự thảo đối với TCVN, QCKT không cần phải khảo sát, khảo nghiệm; mức chi tối đa 30.000.000 đồng/01 dự thảo đối với TCVN, QCKT cần phải khảo sát, khảo nghiệm. Đối với các TCVN, QCKT đặc biệt phức tạp hoặc mang tính liên ngành, Bộ, ngành, địa phương quyết định mức chi cụ thể trong phạm vi dự toán kinh phí được giao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Như vậy, có thể hiểu 30.000.000 đồng/01 dự thảo đối với TCVN, QCKT cần phải khảo sát, khảo nghiệm (trừ) 12.000.000 đồng/01 dự thảo đối với TCVN, QCKT không cần phải khảo sát, khảo nghiệm (bằng) 18.000.000 đồng là kinh phí để tiến hành khảo sát, khảo nghiệm.

Trong thực tế, khi thẩm định phê duyệt dự toán nhiệm vụ xây dựng TCVN, QCVN của Bộ Xây dựng theo đúng khung mức chi của Thông tư 145 thường không đủ kinh phí để thực hiện, có thể dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng của tài liệu nên phải giao riêng các nhiệm vụ nghiên cứu để phục vụ cho việc biên soạn TCVN, QCVN, dẫn đến kéo dài thời gian do các quy định của năm tài chính và phát sinh các bất tiện.

Việc biên soạn dự thảo QCVN, TCVN các ngành kinh tế kỹ thuật nói chung, ngành Xây dựng nói riêng, để đảm bảo tính chính xác, đòi hỏi quá trình nghiên cứu, thí nghiệm, khảo sát trong và ngoài nước, thậm chí phải xây dựng mô hình thí điểm để đảm bảo các vấn đề kỹ thuật đưa ra phù hợp với điều kiện của Việt Nam, phải có đánh giá tác động trước khi ban hành (Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn về các công trình hạ tầng kỹ thuật, quy chuẩn về nhà và công trình, quy chuẩn về xây dựng và lắp đặt biển quảng cáo ngoài trời, bộ tiêu chuẩn về nhà ở, công trình giáo dục, công trình y tế, công trình thể thao, các tiêu chuẩn về nền móng, quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng, bê tông, kết cấu thép, kết cấu bê tông cốt thép, thiết kế kết cấu nhà cao tầng, giàn giáo, an toàn trong xây dựng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng trong tòa nhà ...).

Thực tế các tiêu chuẩn nước ngoài khi chuyển dịch chấp nhận hoàn toàn đã gặp rất nhiều khó khăn do không phù hợp với điều kiện kinh tế, khí hậu, địa hình của Việt Nam nếu không tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm.

Do vậy việc biên soạn TCVN, QCVN về xây dựng bắt buộc phải có nghiên cứu khảo nghiệm và không nên định ra mức khung cứng.

Các mức chi tại Điều 4, Mục 1, Khoản c, d, đ, e không còn phù hợp tại thời điểm hiện nay (kinh phí họp, kinh phí thuê chuyên gia ...) không khuyến khích được đội ngũ các nhà chuyên môn giỏi tham gia công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Kiến nghị nội dung chỉnh sửa Thông tư 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN

Bổ sung căn cứ xây dựng Thông tư 145: Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;

Bổ sung các mục chi phục vụ cho việc xây dựng QCVN, QCĐP, TCVN  như: Các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thí nghiệm, xây dựng mô hình thí điểm, đánh giá tác động của dự thảo QCVN, QCĐP, TCVN... Theo đó, kinh phí của từng nhiệm vụ xây dựng, soát xét QCVN, QCĐP, TCVN sẽ do các Bộ chuyên ngành hoặc địa phương quyết định trên cơ sở xét duyệt, thẩm định đề cương, dự toán chi tiết của từng nhiệm vụ;

Nghiên cứu chỉnh sửa hoặc loại bỏ: Điều 4, Mục 1, Khoản b) vì các mức 12.000.000 đồng/01 dự thảo và 30.000.000 đồng/01 dự thảo chỉ phù hợp với công việc biên tập dự thảo QCVN, TCVN, không đủ cho nghiên cứu, khảo nghiệm.

Điều chỉnh tăng các khoản chi cho các chuyên gia tham gia trong quá trình xây dựng, góp ý dự thảo TCVN, QCKT; các thành viên, chủ trì các cuộc họp, hội thảo để phù hợp với tình hình hiện tại và khuyến khích, thu hút các chuyên gia, nhân lực có chuyên môn sâu tham gia vào các hoạt động biên soạn, hiệu đính, thẩm tra, thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Huyền Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load