Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế.
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 nay là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, Thông tư số 156/2013/TT-BTC và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC (Thông tư 204) của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quá trình triển khai áp dụng thời gian qua cho thấy một số nội dung cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế, cũng như để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Nội dung dự thảo Thông tư này quy định một cách bao quát, toàn diện việc áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt trong các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế từ đăng ký thuế; khai thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ và các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế khác. Trong đó:
Quy định công khai các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đánh giá người nộp thuế, đồng thời cũng để người nộp thuế tự so chiếu các tiêu chí đánh giá để hoàn thiện, từ đó nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.
Cơ quan thuế (Tổng cục Thuế) có trách nhiệm ban hành các chỉ số tiêu chí, giúp cho cơ quan thuế triển khai công tác quản lý rủi ro được linh hoạt, chủ động trong việc thay đổi các chỉ số tiêu chí cho phù hợp với thực tế quản lý thuế trong từng thời kỳ; góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết cho cơ quan Bộ.
Kết quả phân tích rủi ro mang tính kế thừa, kết quả đánh giá ở khâu trước là một phần của tiêu chí đánh giá ở khâu sau. Trong đó, kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế và kết quả xếp hạng người nộp thuế là một trong những tiêu chí phân tích rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế.
Tiếp cận theo tài liệu của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) với mô hình tam giác tuân thủ có 4 tầng tương ứng 4 mức độ tuân thủ- là mô hình đã được áp dụng khá lâu ở cơ quan thuế của nhiều quốc gia và đến nay chưa có nhân tố nào khác làm thay đổi kết cấu của mô hình này. Vì vậy, dự thảo Thông tư đã tiếp cận toàn diện theo mô hình này thay vì 3 mức quy định tại Thông tư 204:
Cụ thể, Mức 1: Tuân thủ cao; Mức 2: Tuân thủ trung bình; Mức 3: Tuân thủ thấp; Mức 4: Không tuân thủ
Bên cạnh đó, người nộp thuế được đánh giá rủi ro tổng thể và phân loại theo 5 hạng: Hạng 1: Người nộp thuế rủi ro rất thấp; Hạng 2: Người nộp thuế rủi ro thấp; Hạng 3: Người nộp thuế rủi ro trung bình; Hạng 4: Người nộp thuế rủi ro cao; Hạng 5: Người nộp thuế rủi ro rất cao.
Dự thảo bỏ hạng 6 (người nộp thuế thành lập dưới 12 tháng) quy định tại Thông tư 204, sẽ phân loại, giám sát riêng phù hợp với yêu cầu của từng nghiệp vụ khi thực hiện đánh giá rủi ro.
Theo Bộ Tài chính, những sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn tại dự thảo Thông tư đều nhằm đến mục tiêu đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; đối xử công bằng giữa những người nộp thuế bằng việc quy định áp dụng các biện pháp xử phạt đối với người nộp thuế có rủi ro cao, vi phạm pháp luật về thuế và lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân phủ pháp luật thuế; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế.
Theo Lan Phương/Baochinhphu.vn