Mới đây, Bộ Xây dựng đã cử một đoàn công tác sang khảo sát hiện trường thành phố Tacloban, Thủ phủ của tỉnh Leyte (Philippines) - nơi chịu tác động mạnh nhất của siêu bão Haiyan để tìm hiểu thực tế các công trình xây dựng, những tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và đưa ra các giải pháp chống bão cho nhà và công trình xây dựng tại Việt Nam.
Philippines quy chuẩn chưa phù hợp để chống siêu bão
Theo khảo sát thực địa của đoàn công tác, siêu bão Haiyan với vận tốc gió vượt quá 300km/h (lớn hơn cấp 17) đổ bộ vào Tacloban và các khu vực lân cận vào ngày 08/11/2013 đã tác động mạnh đến một khu vực rộng lớn gồm 10 tỉnh với 16 triệu dân của Philippines. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới trong vòng 100 năm qua, đặc biệt bão đã gây ra nước biển dâng (có nơi cao tới 7m, tràn vào bờ từ 1 - 2km) nên đã gây thiệt hại rất lớn về người và của cho Philippines tại những nơi tâm bão đi qua. Mặc dù chính quyền địa phương Philippines đã ý thức được hiện tượng nước biển dâng trong siêu bão nhưng người dân còn chủ quan và chính quyền thì không dùng biện pháp mạnh để sơ tán.
Trong lĩnh vực xây dựng, do điều kiện kinh tế xã hội, địa lý, địa chấn, nguồn vật liệu và tập quán xây dựng tại Philippines, các công trình nhà ở tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão chủ yếu sử dụng kết cấu nhẹ như kết cấu gỗ, nhà xây tường gạch lợp mái tôn. Tuy nhiên, những kết cấu loại này có thể không thích hợp khi chịu bão mạnh và siêu bão.
Ngoài ra, bản đồ dự báo về nước biển dâng tại khu vực Tacloban khác hẳn so với thực tế đã xảy ra nên việc tổ chức di dời dân và chọn chỗ trú ẩn trong bão là không chính xác. Do chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với bão lớn, không tính đến trường hợp mất thông tin liên lạc, nên khi bão đến, người dân Philippines hoàn toàn bị động.
Philippines có 5 quy chuẩn xây dựng cơ bản, đó là: Quy chuẩn kết cấu, quy chuẩn kiến trúc quy hoạch, quy chuẩn địa kỹ thuật, quy chuẩn về điện - nước, phòng chống cháy, quy chuẩn về nước, thủy lợi. Các hoạt động xây dựng ở Philippines về nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ các quy chuẩn này. Các quy định về thiết kế nhà và công trình chịu gió bão phải tuân theo quy chuẩn kết cấu công trình.
Tuy nhiên, đánh giá của đoàn công tác cho thấy, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng chống ngập, lụt, hạ tầng cấp thoát nước và xây dựng Philippines không phù hợp để có thể ứng phó với siêu bão. Bên cạnh đó, các số liệu tính toán cũng như hệ số an toàn cho các công trình xây dựng chưa đảm bảo, nhất là các công trình thông tin liên lạc, nơi trú ẩn và công trình phục vụ cứu trợ, cứu nạn. Tại Philippines, công tác dự báo vùng ngập nước thiếu chính xác so với hiện tượng nước biển dâng trong siêu bão.
Kinh nghiệm quý cho Việt Nam
Do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, Việt Nam có bờ biển dài, thường xuyên có bão, lụt, lại có khả năng xuất hiện siêu bão với cường độ lớn hơn cấp 17 trong tương lai. Qua thực tế ở Philippines, đoàn công tác đã đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam trong việc ứng phó siêu bão mà trước hết phải rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn đối với các công trình quan trọng trong vùng có ảnh hưởng mạnh của bão, lũ, có xét đến tác động của siêu bão như: Tháp viễn thông, bệnh viện, nơi trú ẩn, sân bay, bến cảng, các công trình thiết yếu cung cấp năng lượng, lương thực, các hồ chứa và các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện…
Bên cạnh đó, phải rà soát lại các bản đồ ngập lụt (có kể đến cả trường hợp xả lũ), nước biển dâng, phân vùng gió bão và cập nhật lại các Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng có xét đến ảnh hưởng của siêu bão.
Song song đó, việc biên soạn hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà và công trình trong vùng gió bão phải được chú ý; đồng thời, ban hành chính sách xây dựng nhà ở an toàn cho người dân vùng bão, lũ thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đặc biệt quan tâm đến người nghèo.
Các thiết kế mẫu nhà cho vùng bão, bão lũ lụt, lũ lụt phải đủ khả năng chống chọi được các diễn biến thiên tai cho các khu vực khác nhau. Và cần có quy định cụ thể về xây dựng các công trình nhà ở, công trình công cộng để có đủ khả năng chống đỡ thiên tai cho từng khu vực.
Ngoài ra, báo cáo của đoàn công tác nhấn mạnh, Việt Nam cũng phải đánh giá, xây dựng kịch bản và kế hoạch ứng phó với các cơn bão lớn tới siêu bão. Tăng cường hợp tác quốc tế, diễn tập cứu hộ, cứu nạn khi có siêu bão. Tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho người dân ứng phó khi có siêu bão, đặc biệt lưu ý hiện tượng ngập lụt do nước biển dâng hay xả lũ.
Gia Bảo
Theo