Thứ bảy 20/04/2024 11:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong đại dịch Covid-19 bằng hàng loạt cơ chế chính sách

10:26 | 08/08/2021

(Xây dựng) - Ngày 6/8, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid–19. Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng có văn bản đề xuất phải thực hiện chống dịch bằng công thức 7K+3T.

Đại dịch Covid-19 đã tác động trầm trọng đến khó khăn của thị trường bất động sản, làm cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở nhiều mức độ khác nhau. Để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp bất động sản chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.

de nghi thao go kho khan cho doanh nghiep bat dong san trong dai dich covid 19 bang hang loat co che chinh sach
Thành phố Hồ Chí Minh vắng vẻ trong đại dịch Covid-19.

Giảm lãi suất, tiếp cận khoản vay mới từ ngân hàng

Theo đó, các nội dung được đề xuất trong văn bản cụ thể như sau: Về cơ chế chính sách tín dụng, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn. Và quan trọng hơn là đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Doanh nghiệp “sống” được thì các ngân hàng mới “sống khỏe” được.

Đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký. Đặc biệt, đề nghị các ngân hàng thương mại quan tâm hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.

Đề nghị xem xét hỗ trợ giãn nộp tiền thuế và tiền sử dụng đất

Đối với chính sách thuế, tiền sử dụng đất thì Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất. Nếu theo quy định pháp luật, kể từ ngày nhận được Thông báo nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại của Cục Thuế thì trong thời hạn 90 ngày, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu quá thời hạn này thì doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp thuế.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ vào Nghị định số 52/2021/NĐ-CP chính sách “cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021”, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19, góp phần kéo giảm giá nhà, do Nghị định số 52/2021/NĐ-CP chưa quy định chính sách này đối với doanh nghiệp bất động sản.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Văn bản số 4677/VPCP-PL ngày 13/07/2021 của Văn phòng Chính phủ chuyển Bộ Tài chính Văn bản số 65/2021/CV-HoREA ngày 01/07/2021 của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh “Về việc đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp”, để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ khi lập Đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi đổi, bổ sung Luật Thuế doanh nghiệp hiện hành.

Đề nghị chưa thu thuế nhà cho thuê cá nhân

Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch Covid-19 và đề nghị thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Văn bản số 4974/VPCP-KTTH ngày 22/07/2021 của Văn phòng Chính phủ: “Giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương, nghiêm túc các vướng mắc được phản ánh nêu trên để kịp thời đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với người cho thuê nhà; kịp thời thông tin đầy đủ, thỏa đáng, trả lời rộng rãi cho Hiệp hội, người dân được biết”.

Hiệp hội đề nghị Bộ Tái chính, Tổng Cục thuế sớm xem xét sửa đổi điểm c Khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC để đảm bảo sự phù hợp với các quy định của pháp luật về thuế, theo đề xuất của Hiệp hội tại Văn bản số 63/2021/CV-HoREA ngày 21/06/2021.

Đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, đề nghị sớm có giải pháp xử lý “ách tắc” này.

Gỡ “ách tắc” pháp luật về công nhận chủ đầu tư và thủ tục pháp lý dự án nhà ở thương mại

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng: “Ách tắc này, gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, người tiêu dùng và cả Nhà nước, mà nguyên nhân là do Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong 02 trường hợp: (i) Nhà đầu tư có đất ở (có 100% đất ở); (ii) Hoặc, nhà đầu tư có các loại đất khác “dính” với đất ở.

Còn lại, tất cả các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Hiệp hội nhận thấy, Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 đã mâu thuẫn, “xung đột” với Điều 58, Điều 169, Điều 191, Điều 193 Luật Đất đai 2013; Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 và Khoản 2 Điều 7 Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020.

Cho nên Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý “ách tắc” (nêu trên) để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng”.

Hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại rất phức tạp như một “ma trận”, tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất “vất vả”, thậm chí dễ bị “rủi ro” trong thi hành công vụ. Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng ban hành quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại.

Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính để thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án nhà ở thương mại, để hướng dẫn UBND cấp tỉnh thống nhất thực hiện.

Cuối cùng là tiến hành song song các thủ tục về: Lập thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở (có dự án phải thẩm định thiết kế kỹ thuật triển khai sau thiết kế cơ sở), cấp Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng thực hiện; Lập thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thực hiện. Sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất dự án và Thông báo nộp tiền sử dụng đất của Cục Thuế, thì doanh nghiệp thực hiện theo quy định.

“Công thức 7K+3T” - nâng cấp “lá chắn thép” chống dịch

Văn bản từ Hiệp hội Bất động sản và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA) nêu quan điểm, để ứng phó với đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần chủ động nâng cấp “khẩu hiệu 5K” bằng “công thức 7K+3T” mới, chung sức gia tăng hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh giai đoạn then chốt này.

de nghi thao go kho khan cho doanh nghiep bat dong san trong dai dich covid 19 bang hang loat co che chinh sach

Từ thực trạng chống dịch thời gian qua, CASA đề xuất người dân và doanh nghiệp cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch bằng “Công thức 7K+3T”. “Công thức 7K+3T” gồm “Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh” và 3T là “Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc”. SACA đánh giá, “công thức 7K+3T” không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả. Về phía chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, cần có tài liệu hướng dẫn người dân thực hành 3T; đồng thời có đội ngũ hỗ trợ, giám sát việc thực hành 3T; đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn Thành phố.

Đồng thời, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng soạn thảo và công bố các hướng dẫn thực hành 3T để phổ biến rộng rãi cho người dân trong việc sớm tự phát hiện bệnh, tự cách ly, tự chăm sóc (3T). Cẩm nang 3T này cần thật rõ ràng, đầy đủ chi tiết nhưng dễ hiểu, dễ làm để người bệnh và gia đình cùng doanh nghiệp có thể thực hành 3T một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.

Tăng tốc tiêm chủng hướng tới miễn dịch cộng đồng

CASA đề xuất phương án cụ thể để triển khai nhanh chóng công tác tiêm chủng, đó là áp dụng công nghệ thông tin để phân loại ba đối tượng được tiêm chủng (theo Bộ Y tế) gồm: Loại 1: Những người có sức khỏe và cơ địa bình thường, không có nguy cơ bị sốc phản vệ; Loại 2: Những người có nguy cơ bị sốc; Loại 3: Những người chống chỉ định tiêm chủng. Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Dữ liệu khai báo cần được số hóa và gửi về Trung tâm tiếp nhận thông tin y tế. Trung tâm này có chức năng tự động phân loại và phản hồi cho người dân biết mình thuộc nhóm đối tượng nào.

Theo đó, CASA kiến nghị, sử dụng các điểm tổ chức bầu cử tại các địa phương trên cả nước để làm điểm tiêm phòng là cách nhanh nhất để huy động nguồn lực sẵn có tại các điểm bầu cử trước đây. Mỗi điểm tiêm phòng chỉ cần huy động khoảng 5-7 người trước đây đã từng phục vụ cho công tác bầu cử để làm công tác tiếp nhận, sắp xếp, ghi chép, kiểm tra giấy tờ... Đồng thời huy động thêm từ 2-3 y tá để tiêm; 1 bác sỹ để kiểm tra sức khỏe người dân trước khi tiêm cũng như xử lý rủi ro sốc phản vệ ngoài dự đoán. Mỗi y tá có khả năng tiêm không dưới 100 mũi mỗi ngày. Mỗi điểm sẽ tiêm được từ 200-300 mũi mỗi ngày.

de nghi thao go kho khan cho doanh nghiep bat dong san trong dai dich covid 19 bang hang loat co che chinh sach

Mỗi quận cần từ 2-3 xe cấp đông để phân phối xuống các phường. Mỗi phường có ít nhất là 1 điểm tiếp nhận để vắc xin được phân phối xuống các điểm tiêm phòng trong vòng 2h kể từ khi vaccine được xuất kho, trong vòng 4h sẽ tiêm hết để đảm bảo không quá 6h theo tiêu chuẩn thời hạn của vaccine sau khi được lấy ra khỏi kho cấp đông.

Ước tính mỗi khu phố có thể có 2-3 điểm bầu cử, tương đương 2 – 3 điểm tiêm chủng. Mỗi quận có từ 20 – 25 phường. Mỗi phường có 3 – 5 khu phố. Như vậy toàn thành phố với 18 quận và 1 thành phố trực thuộc sẽ có không dưới 2.000 điểm tiêm chủng. Mỗi điểm tiêm chủng không cần tập trung quá đông người, mà mỗi ngày tiêm khoảng 200 người/điểm tiêm chủng. Như vậy, mỗi tháng sẽ tiêm được 10.400.000 người. Theo phương án này, công tác tiêm chủng cho toàn bộ người dân Thành phố Hồ Chí

Minh sẽ được hoàn tất nội trong tháng 10/2021.

de nghi thao go kho khan cho doanh nghiep bat dong san trong dai dich covid 19 bang hang loat co che chinh sach

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA):

“Hiệp hội đề xuất quy trình đầu tư xây dựng gồm 04 bước từ việc lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện; Chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020. Đến lập thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc bản vẽ tổng mặt bằng do Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch - Kiến trúc), hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Và lập thủ tục giao đất, cho thuê đất cho doanh nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện”.

de nghi thao go kho khan cho doanh nghiep bat dong san trong dai dich covid 19 bang hang loat co che chinh sach

Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh:

“Thay vì dồn quá nhiều nguồn lực cho công tác dập dịch mà không đạt được mục tiêu. Chúng ta cần dành nguồn lực tốt nhất để phục vụ công tác tiêm chủng. Tiêm vaccine cần một phương án để triển khai càng nhanh càng tốt, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay chỉ có đẩy mạnh tiêm phòng thì mới có thể nhanh chóng đi đến miễn dịch cộng đồng và đạt được “mục tiêu kép”.

Bài: Đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong đại dịch Covid-19 bằng hàng loạt cơ chế chính sách tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load