Thời gian vừa qua Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và lĩnh vực thu gom, xử lý và tái chế chất thải rắn nói riêng như: Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 về quản lý chất thải rắn; Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12/12/2008 Hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư cho quản lý chất thải rắn, Thông tư số 230/2009/TT-BTC ngày 08/12/2009 Hướng dẫn ưu đãi về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP… Tuy nhiên, việc triển khai, áp dụng các quy định, các cơ chế, chính sách này trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là trong việc vay vốn và trả nợ vốn vay đầu tư cho hoạt động quản lý chất thải rắn. Các dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn hiện nay chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn hỗ trợ phát triển (ODA). Doanh thu từ các sản phẩm tái chế (phân hữu cơ, nhựa tái chế, gạch block, viên nhiên liệu,...) hiện khá thấp và không ổn định trong khi chi phí hoạt động tương đối lớn như chi phí nhân công, chi phí năng lượng và đặc biệt là lãi suất vay đầu tư.
Với đặc thù là loại hình dịch vụ công ích, hiệu quả kinh tế thấp nên với cơ chế cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành (mức vốn vay tối đa 70%, lãi suất bằng lãi suất Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng thêm 1%, thời hạn cho vay tối đa 12 năm; phần vốn còn lại là vốn tự có) thì hầu hết các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn đều khó đảm bảo về phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay. Do đó, các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn trong nước cho đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn.
Vì vậy, nhằm cụ thể hóa các chính sách đã ban hành cũng như triển khai có hiệu quả các dự án thí điểm, làm cơ sở để đánh giá mô hình đầu tư, quản lý đối với các dự án xử lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng đã đề xuất các chính sách cụ thể như sau:
Được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ về: đất đai, thuế, hỗ trợ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn, hỗ trợ đào tạo lao động ở mức cao nhất theo các quy định hiện hành.
Hỗ trợ về đầu tư và tín dụng: Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tại đô thị: Được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với mức vay tối đa 70% tổng mức đầu tư xây dựng của dự án, thời gian vay tối đa là 12 năm với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ mỗi dự án 70% tổng mức đầu tư, 30% còn lại do địa phương bố trí, huy động từ các nguồn (ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã hoặc huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, nhân dân trên địa bàn.
Tố Anh
Theo