(Xây dựng) - Chưa năm nào như năm nay, liên tiếp mưa lũ dồn dập ập xuống miền Trung. Dải đất hẹp từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình chưa kịp se bùn đã lại ngập trong nước lũ. Dưới những mái nhà còn hằn vệt nước của trận lũ trước, nay lại sầm sậm vết thiên tai mới. Cứ thế, miền Trung năm nay thiệt hại vô bờ.
Các số liệu thống kê cho thấy, riêng 5 năm qua các tỉnh miền Trung đã “đón nhận” hơn chục cơn bão trực tiếp ảnh hưởng, cùng với hơn 20 trận lũ lụt và hàng trăm trận lũ quét. Thiệt hại là vô cùng nặng nề về người, tài sản. Không những thế, bão lũ còn tàn phá hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và kỹ thuật; khiến hàng trăm người chết, mất tích hoặc bị thương, thiệt hại khoảng 1% GDP.
Làm thế nào để sống chung với lũ, làm sao để người dân vùng lũ an cư, chống chọi với thiên tai. Đây vốn là điều đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng hết sức quan tâm. Hơn hai năm trước, các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã có đề án về chung sống an toàn với lũ, lụt tại các tỉnh miền Trung. Đề án này tập trung nghiên cứu với 11 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Phú Yên, đã chỉ ra rằng, đây là khu vực đã và đang phải chịu nhiều tổn thất nhất mỗi khi mùa mưa bão đến. Tại khu vực này, có 9 thành phố, 8 thị xã và 119 huyện. Trong số này, sẽ có trên 70 huyện thị, 450 xã phường, 720 nghìn hộ, với khoảng 3,5 triệu người ở vùng bị ảnh hưởng thường xuyên của lũ, lụt; trong đó có khoảng 21 nghìn hộ nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm cần di dời. Khi được triển khai, đối tượng thụ hưởng trực tiếp sẽ là ngưòi dân trong vùng thường xuyên lũ, lụt, bao gồm: Hộ dân trong vùng đặc biệt nguy hiểm, phải di dời; Hộ dân trong vùng thường xuyên bị lũ, lụt phải cải tạo, nâng cấp nhà ở kiên cố, đảm bảo an toàn trong bão, lũ, lụt; Hộ dân nghèo sống trong hai vùng trên.
Các chương trình, dự án đã có. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện quả không dễ dàng. Bởi ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cần có một chiến lược tổng thể, đồng bộ và thực hiện quyết liệt. Thực tế cho thấy, những đợt lũ vừa qua tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, việc ứng phó với thiên tai còn hết sức lúng túng và thụ động. Người dân gặp nhiều khó khăn khi lũ có tần suất và lưu lượng lớn.
Để chung sống an toàn với lũ, lụt tại các tỉnh miền Trung, thời gian tới, các ngành chức năng cần xây dựng các mục tiêu cơ bản, lâu dài như: Xây dựng cơ sở dữ liệu hiện đại, đánh giá quá trình diễn biến thiên tai, dự báo các tác động của bão, lũ, lụt tới các khu dân cư, các khu kinh tế và các khu chức năng khác tại vùng ven biển các tỉnh miền Trung.
Sự khốc liệt của mưa lũ đối với khu vực miền Trung là điều nhìn thấy. Và không còn cách nào khác, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể và sự đầu tư thích đáng cho khu vực này. Theo đó, cần xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích, phát huy, khai thác các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn chỉnh, đồng bộ, hỗ trợ người dân chung sống an toàn với lũ lụt, gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh - quốc phòng. Nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ và các hiểm hoạ của bão, lũ, lụt giúp họ chủ động trong công tác phòng tránh, tự đảm bảo cuộc sống an toàn... Làm được những điều đó, cũng có nghĩa là đã tạo điều kiện để dân cư vùng thường xuyên bị ngập lụt phát triển bền vững.
Ngọc Lý
Theo