Thứ sáu 29/03/2024 17:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

ĐBSCL: 104 điểm đặc biệt nguy hiểm cần cấp bách chống sạt lở

09:36 | 29/05/2020

Trong 2 ngày 27 - 28.5, hơn 40m Quốc lộ 91 ven bờ sông Hậu (đoạn đi qua địa phận ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã “tụt” xuống lòng sông, đe dọa nhà cửa, tài sản của hàng chục hộ dân và làm tê liệt tuyến giao thông huyết mạch nối trung tâm tỉnh An Giang với khu vực biên giới. Toàn vùng ĐBSCL hiện có 564 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài hơn 834km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 104 điểm với chiều dài 203km, sạt lở nguy hiểm là 121 điểm với chiều dài 246,6km... Trong khi tình trạng sạt lở đang diễn ra khốc liệt và dồn dập, thì cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu...

dbscl 104 diem dac biet nguy hiem can cap bach chong sat lo
Một đoạn Quốc lộ 91 (qua địa phận ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bị rơi xuống sông khiến giao thông tê liệt (ảnh chụp ngày 28.5). Ảnh: Lục tùng

Đến công trình chống sạt lở cũng bị... sạt lở!

Từ năm 2010 tới nay sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng cả về phạm vi và mức độ, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển và làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển ĐBSCL. Trung bình mỗi năm, sạt lở cuốn mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển.

Sạt lở diễn ra khốc liệt và dồn dập kể cả mùa mưa lẫn mùa khô; từ các tuyến sông, kênh rạch nhỏ ở nông thôn ra đến các sông lớn. Mới đây, vào ngày 27.5, một vụ sạt lở bờ sông Hậu đã ngoạm mất 1/3 mặt đường Quốc lộ 91, đe dọa hàng chục hộ dân.

Trước đó không lâu, ngày 13.5, tại đường Bùi Hữu Nghĩa (khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) đã xảy ra sạt lở làm 2 căn nhà sụp xuống sông Bình Thủy. Rất may, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Và ngày 7.3 một vụ sạt lở nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại phường An Bình quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ khiến nhiều nhà cửa, tài sản của 5 hộ dân và một nhà xưởng trôi tuột xuống sông.

Đặc biệt, tại một số điểm đang thi công công trình chống sạt lở nhưng vẫn liên tiếp xảy ra sạt lở, không chỉ gây tốn kém tiền của, còn khiến chính quyền và người dân vô cùng bất an, lo lắng. Điển hình là vào tháng 4.2019, tại khu vực đang thi công bờ kè sông Ô Môn (khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ) đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng. Vị trí sạt lở dài 60m, sâu vào bờ 5m, ảnh hưởng đến 11 căn nhà của người dân. Đây cũng chính là nơi từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng cách đây một năm, đang được thi công bờ kè thì tiếp tục sạt lở.

Hiểm họa ở khắp nơi

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các địa phương và các bộ ngành cho thấy, ngoài tác động của biến đổi khí hậu, nguyên nhân sạt lở còn do tác động của việc xây dựng hồ chứa, khai thác cát, phát triển dân số và cơ sở hạ tầng.

Trong đó, việc xây dựng hồ chứa trên dòng chính sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc, Lào và Campuchia đã làm cho lượng bùn cát về ĐBSCL đã suy giảm nghiêm trọng, dự báo đến năm 2020 chỉ còn khoảng 47,4 triệu tấn/năm (giảm 67% so trước năm 2007). Việc này sẽ khiến sạt lở diễn ra nhanh hơn.

Cùng với đó, hoạt động khai thác cát trên sông Mê Kông đang diễn ra rầm rộ trên tất cả các quốc gia. Tốc độ phát triển dân cư, hạ tầng ở ĐBSCL cũng đang tăng chóng mặt. Diện tích xây nhà ở khu vực này mỗi năm tăng trung bình khoảng 18 triệu mét vuông, trong đó, một bộ phận lớn cất nhà sinh sống ở ven sông, kênh rạch… đã làm tăng tải trọng lên bờ sông so với trước kia, một số nơi đã làm thay đổi chế độ dòng chảy trên làm gia tăng nguy cơ gây sạt lở bờ sông.

Nhiều tuyến giao thông, trong đó có nhiều đoạn bám sát bờ sông, kênh, rạch. Tác động của các phương tiện vận tải với xu thế ngày càng gia tăng cả về mật độ và trọng lượng là một trong số các yếu tố làm gia tăng nguy cơ sạt lở, điển hình như tại Quốc lộ 91 giáp sông Hậu, đoạn đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; sạt lở gần Quốc lộ 30 tại huyện Bình Thành, huyện Đồng Tháp…

Đâu là giải pháp?

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nhà nghiên cứu độc lập hệ sinh thái ĐBSCL cho biết, việc cấp bách hiện nay là sớm hoàn thiện Đề án bố trí lại dân cư ven sông, kênh rạch, phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Để giảm thiệt hại không có cách nào tốt hơn là di dời dân và giữ khoảng cách an toàn trước các nguy cơ sạt lở. Ở những nơi đã sạt lở rồi thì không còn khẩn cấp nữa, lúc này các cơ quan chức năng cần cân nhắc là lựa chọn phương án đầu tư trám lấp lại hay chấp nhận sạt lở, di dời người dân đi nơi khác và làm đường tránh khu vực bị sạt lở.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - cho rằng, các giải pháp công trình hỗ trợ và giảm nhẹ sạt lở thân thiện với môi trường cần được áp dụng tại ĐBSCL, như trồng các loại cây chắn. Về lâu dài, cần có lộ trình đầu tư thích hợp cho việc lập quy hoạch chỉnh trị dòng chảy trên toàn bộ hệ thống sông, kênh, rạch chính trên địa bàn các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Một bất cập lớn trong vấn nạn sạt lở ở ĐBSCL hiện nay là việc phát triển khu công nghiệp và đô thị theo hướng dọc bờ sông nhằm thu hút đầu tư công nghiệp; tình trạng khai thác cát; phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển cùng với các hoạt động khác làm tăng mức độ khai thác nước ngầm, khiến sạt lở gia tăng. Các chuyên gia kiến nghị cần thực hiện quy hoạch không gian lãnh thổ dựa trên đặc thù, hiện trạng tài nguyên đất, nước và tác động của tình hình biến đổi khí hậu để có cơ sở phân vùng tự nhiên và áp dụng giải pháp phù hợp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ - cho rằng: Các địa phương cần căn cứ vào bản đồ sạt lở để biết những nơi nào có nguy cơ sạt lở nhiều, nhằm tránh bố trí các công trình, thay vào đó có thể bố trí một số đê kè, các loại cây trồng hoặc vật liệu nhẹ để chống sạt lở.

Theo TRẦN LƯU/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load