Thứ sáu 29/03/2024 04:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đẩy nhanh tiến độ thi công 14 dự án giao thông cấp bách

20:33 | 29/07/2021

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu lãnh đạo các Ban Quản lý dự án (QLDA) phải “lăn xả” vào công việc, đẩy nhanh tiến độ thi công 14 dự án giao thông cấp bách (10 dự án đường bộ, 4 dự án đường sắt) để hoàn thành trong năm 2021.

day nhanh tien do thi cong 14 du an giao thong cap bach
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp giao ban ngày 29/7. Ảnh: VGP

Giải ngân đạt 44,6%, các dự án đang đúng tiến độ

Báo cáo tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT ngày 29/7, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến hết tháng 7/2021 Bộ GTVT giải ngân được 2.078 tỷ đồng và lũy kế 7 tháng đầu năm, dự kiến giải ngân 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện, Bộ GTVT là đơn vị đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (tỉ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương đến hết tháng 7/2021 là 28,6%).

Về công tác xây dựng 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Danh Huy cũng cho biết, đến nay Bộ GTVT đã hoàn thành công tác xây dựng cả 5 Quy hoạch và trình lên cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường bộ, mạng lưới cảng biển. Hội đồng thẩm định nhà nước đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Riêng đối với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đang chờ Hội đồng thẩm định nhà nước bố trí lịch họp để thẩm định.

Đối với 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia (gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Dự án TPHCM - Chơn Thành, Dự án vành đai 4 TP. Hà Nội, Dự án vành đai 3 TPHCM; Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề; Dự án Buôn Ma Thuột - Vân Phong ), Vụ KHĐT cho biết, Bộ GTVT đã phối hợp với các tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án.

2 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam gồm đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm đầu tư theo hình thức PPP đều đã hoàn thành ký kết và đã triển khai thi công trên hiện trường, ngày 30/7 tới đây sẽ ký kết hợp đồng với nhà đầu tư đối với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Như vậy, hết tháng 7, cả 3 Dự án cao tốc được đầu tư theo hình thức PPP đều sẽ được ký kết hợp đồng và bước sang giai đoạn thu xếp tín dụng để triển khai thi công.

Đối với 2 dự án chuyển đổi đầu tư công là QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công và đã triển khai thi công trên hiện trường từ đầu tháng 7/2021.

day nhanh tien do thi cong 14 du an giao thong cap bach
Công trường thi công dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-QL45. Ảnh: VGP

Về công tác ứng phó mùa mưa bão năm 2021, Bộ GTVT cho biết, các đơn vị đang khẩn trương xây dựng dự thảo các đề án phân cấp trong lĩnh vực giao thông vận tải theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục tăng cường rà soát, khắc phục kịp thời những bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, đã xử lý 6 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh; sơn kẻ16 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 194 biển báo, sửa chữa, bổ sung 16 km hộ lan tôn sóng, xử lý các điểm úng ngập trên đường bộ, chuẩn bị phương án vật tư dự phòng để ứng phó với mùa mưa, bão năm 2021.

Đẩy nhanh tiến độ thi công và trình chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban QLDA đẩy nhanh tiến độ thi công 14 dự án giao thông cấp bách (10 dự án đường bộ, 4 dự án đường sắt) để hoàn thành dự án trong năm 2021 không bỏ lỡ kế hoạch vốn. Trong đó, chú trọng rà soát quá trình triển khai đang gặp những vướng mắc gì, vướng ở địa phương nào để báo cáo bộ kịp thời có ý kiến.

Đối với 11 dự án chuyển tiếp trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng yêu cầu các Ban QLDA phải tăng cường trao đổi với địa phương để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại.

“Hai dự án sửa chữa đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng là các dự án trọng điểm. Lãnh đạo các Ban QLDA phải “lăn xả” vào công việc, sát sao hiện trường để đảm bảo hiệu quả giải ngân và tiến độ dự án”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng cho biết, hiện có 6 dự án giao thông đã được Quốc hội thông qua, đã được bố trí vốn ngân sách cần phải trình chủ trương đầu tư báo cáo Quốc hội.

Trong đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tháng 10/2021, 3 dự án trọng điểm phải trình chủ trương đầu tư để báo cáo Quốc hội, gồm: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông, dự án Vành đai 4 Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề cũng phải hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, trình chủ trương đầu tư trong tháng 10/2021.

Hai dự án còn lại là cao tốc TPHCM - Chơn Thành do Bình Phước làm chủ đầu tư, cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột đã được Bộ GTVT giao Ban QLDA 6 làm việc trực tiếp với tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và đơn vị tư vấn để hoàn thiện xong chủ trương đầu tư dự án trình Chính phủ, chậm nhất là trong tháng 5/2022.

“Đối với 12 dự án nhóm A (vốn ngân sách Nhà nước từ 2.300 tỷ đến dưới 10.000 tỷ) Quốc hội đã bấm nút thông qua. Các đơn vị chuyên ngành của Bộ, Ban QLDA cần phối hợp hoàn thiện thủ tục, sớm trình chủ trương đầu tư lên Chính phủ xem xét, lập hội đồng tiến hành thẩm định, đẩy nhanh tiến độ triển khai”, Bộ trưởng nói.

Chỉ đạo về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Nghị quyết 60 của Chính phủ đã yêu cầu các Bộ phải hoàn thành công tác điều chỉnh nghị định, thông tư trong quý III/2021 để áp dụng ngay trong quý IV/2021.

Đặc biệt, về vấn đề lưu thông hàng hóa cho các tỉnh, thành phố đang thực hiện theo Chỉ thị 16, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải phối hợp với các đơn vị công nghệ lớn để duy trì phần mềm, bảo mật thông tin, ổn định quá trình đăng ký, cấp thẻ lưu thông hàng hóa.

"Ngành giao thông đảm nhận khâu trung gian giữa sản xuất và phân phối trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống. Những ngày vừa qua Bộ GTVT đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp, phối hợp với các địa phương giải quyết bất cập về giao thông, nổi bật là giải pháp cấp mã QR cho phương tiện chở hàng thiết yếu qua “luồng xanh”. Giải pháp này đang phát huy hiệu quả tốt, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải thuận lợi trong lưu thông qua các địa phương có dịch vì thế chúng ta cần làm tốt hơn nữa, phải làm sao tạo thuận lợi nhất cho xe chở hàng hóa lưu thông ổn định, nhanh chóng", Bộ trưởng yêu cầu.

14 dự án giao thông cấp bách sẽ hoàn thành trong năm 2021

10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách (tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng) gồm: Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; QL27 đoạn tránh Liên Khương; nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; đường nối QL4C và 4D (Km238 - Km414); QL3B (Km0 - Km 66+600); nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24; cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25; cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày.

4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách (tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng) gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM.

Theo Phan Trang/BaoChinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load