Thứ năm 25/04/2024 19:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đẩy nhanh hạ tầng để phát triển bất động sản miền Trung

22:07 | 13/01/2022

(Xây dựng) - Tại Diễn đàn Bất động sản miền Trung 2022, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính dự đoán năm 2022, thị trường bất động sản miền Trung sẽ có sự tăng tốc trong đó du lịch nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc chủ đạo.

day nhanh ha tang de phat trien bat dong san mien trung
Thị trường bất động sản miền Trung đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm (Ảnh: Hoàng Sơn).

Bà Đào Thị Thu Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Virex Alphanam Group chia sẻ: Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản sớm bước chân vào thị trường bất động sản miền Trung. Doanh nghiệp hiểu rằng còn nhiều “khoảng trống” cơ chế cho quá trình phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể chờ cơ chế, song song với việc chờ thì các vấn đề của doanh nghiệp vẫn xảy ra hàng ngày hàng giờ, do đó, doanh nghiệp phải có tiếng nói. Để thị trường bất động sản miền Trung hồi phục, phát triển thậm chí bùng nổ như nhiều nhận định được đưa ra, có 3 việc cần làm:

Thứ nhất, phải nhìn nhận đúng đắn về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng. Đơn cử: Giảm khách quốc tế, khó khăn trong hoạt động du lịch... từ đó có giải pháp tổng thể cho vấn đề này. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để mở cửa du lịch, tạo đà cho phát triển bất động sản miền Trung. Có kế hoạch mở cửa rõ ràng và đảm bảo sự hồi phục cho thị trường, cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tiếp đến hành lang pháp lý, hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng, có thể “sàng lọc” doanh nghiệp, lựa chọn những doanh nghiệp đầu tư có định hướng bền vững lâu dài, “làm sạch” thị trường bất động sản. Các giao dịch M&A (mua bán và sát nhập) là một xu thế của bất động sản miền Trung trong thời gian tới. Thời gian gần đây, khu vực miền Trung đã được quan tâm tương đối với các dự án hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tiến độ các dự án hạ tầng này hiện vẫn là vấn đề nhức nhối, chậm giải ngân, chậm giải phóng mặt bằng, chậm triển khai như ở các dự án cao tốc Bắc – Nam… Do đó, cần làm ngay, đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng để thúc đẩy thị trường bất động sản.

Ông Lưu Thanh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Sacoland cũng cho rằng: “Các chủ đầu tư lớn khi tiếp nhận các dự án tại miền Trung thì các thủ tục pháp lý vẫn chưa đáp ứng kịp thời cho các nhà đầu tư. Chúng ta cần phải biến tiềm năng thành cơ hội, biến cơ hội thành kết quả cho thị trường bất động sản miền Trung không những trong năm 2022, mà trong những năm tiếp theo nữa”.

Đối với lĩnh vực phát triển bất động sản đất nền trong thời gian vừa qua và định hướng cho năm 2022, có rất nhiều nhà đầu tư có nhu cầu. Thị trường đang rất tốt với khả năng rất hấp thụ ổn định, nhưng thực tế chỉ đáp ứng đâu đó khoảng 60-70% nhu cầu thực tế.

Cơ chế chính sách ở các tỉnh miền Trung hiện tại, theo nhận xét của rất nhiều nhà đầu tư lớn, vẫn chưa được thông thoáng, có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, như một số Nghị định, Thông tư hoặc pháp luật điều chỉnh bất động sản chưa cập nhật với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, một số tỉnh trong quá trình làm việc vẫn chưa linh hoạt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tới đầu tư, cũng như phát triển bất động sản ở miền Trung. Thậm chí, ở miền Trung, nơi một số khu vực đang phát triển bất động sản đất nền, đất nền phân lô, môi trường cạnh tranh còn chưa lành mạnh. Nhiều nhà đầu tư phản ánh, cơ chế chồng chéo nhau làm cho các nhà đầu tư tham gia thị trường băn khoăn khi xuống tiền.

Ông Tuấn chia sẻ: “Có một thực tế nữa đang xảy ra là các chủ đầu tư lớn khi tiếp nhận dự án lớn ở miền Trung, thì khâu pháp lý cho các nhà đầu tư còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Ví dụ như thời gian cấp sổ hay các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án còn chậm trễ. Hay các dự án lớn ở miền Trung cũng có những dự án mang tầm quốc gia, quốc tế được đầu tư với tổng số tiền rất lớn, cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những dự án chưa đúng mức để thu hút cho các nhà đầu tư.

Hiện Việt Nam đã không chế được cơ bản dịch Covid-19 và có môi trường cạnh tranh, đầu tư thuận lợi. Việt Nam là nước có độ phủ vaccine tương đối tốt, nhưng các hoạt động kinh tế sau dịch bệnh vẫn chưa hồi phục theo đúng kỳ vọng. Vì vậy, nhà đầu tư cũng rất muốn Nhà nước, đặc biệt là ngân hàng có những gói kích cầu để hỗ trợ cho nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp tham gia đầu tư, phân phối các dự án tại địa bàn trên dải đất miền Trung. Từ đó có thể biến tất cả các tiềm năng, lợi thế thế thành kết quả, đưa bất động sản miền Trung nói riêng và kinh tế của miền Trung nói chung lên một tầm cao mới”.

day nhanh ha tang de phat trien bat dong san mien trung
Một góc Cam Lâm – Khánh Hòa đang được phân lô, bán nền (Ảnh: Hoàng Sơn).

Ông Giáp Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT AVland Group cho rằng, thị trường bất động sản miền Trung như “nàng tiên” bắt đầu được đánh thức. Đặc biệt, thị trường này có nhiều thuận lợi để đầu tư như: Chính sách phát triển hạ tầng đồng bộ của Chính phủ đã được thông qua; gói kích thích kinh tế của Chính phủ đã được thông qua…

Giá bất động sản miền Trung đang rất thấp, từ phân khúc nghỉ dưỡng đến nhà ở so với các miền Bắc và miền Nam. Các nhà đầu tư luôn tìm đến khu vực có giá thấp để đón đầu xu hướng đầu tư. Bởi giá thấp thì tiềm năng tăng trưởng cao. Với nhiều tín hiệu tích cực, các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ đón đợt sóng mới trong năm 2022 - 2023. Đặc biệt triển vọng của toàn ngành trong năm 2022, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đánh giá: “Giá bất động sản hầu như không giảm, thậm chí giá bất động sản nhà ở còn tăng mức 5-9% tùy địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn cung trong khi cầu không giảm. Cùng với đó, giá thuê bất động sản khu công nghiệp sẽ tăng từ 3-18% tùy địa phương. Tác động của dịch bệnh ở các phân khúc bất động sản khác nhau như bất động sản khu công nghiệp, logistics, nhà ở… vẫn trong mức có thể kiểm soát”.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng mong rằng các cơ quan quản lý sẽ tháo gỡ được vướng mắc về chính sách đối với bất động sản, nên có nhận diện về vướng mắc. Cần thay đổi nhận diện, cấu trúc luật lệ tương xứng với thị trường phát triển. Các doanh nghiệp bất động sản cần đề xuất các cơ quan quản lý bảo đảm được cơ chế chính sách để đóng góp ngân sách và của cải cho đất nước.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load