(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo các bộ, ngành và TP Hà Nội tập trung có hiệu quả và đẩy nhanh công tác xử lý chất thải rắn tại TP Hà Nội.
Cụ thể, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ rà soát, sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải rắn và hướng dẫn phương pháp lập, quản lý chi phí về dịch vụ thu gom, vận chuyển, giá dịch vụ xử lý chất thải rắn cũng như hướng dẫn các địa phương lựa chọn áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp.
Bộ TN&MT tiếp tục kiểm tra, đánh giá về môi trường của các cơ sở xử lý chất thải rắn, rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt làm căn cứ kiểm soát việc nhập khẩu các lò đốt chất thải rắn bảo đảm yêu cầu môi trường và phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải rắn, tiến tới nghiên cứu sử dụng công nghệ trong nước.
UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ưu tiên vốn, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn và cơ sở hạ tầng phục vụ xử lý chất thải rắn, nhất là khu vực vành đai xanh giữa khu xử lý chất thải rắn với khu dân cư.
Đồng thời, TP Hà Nội cần nâng cao tỷ lệ và hiệu suất thu gom, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, thực hiện đóng bãi chôn lấp theo đúng quy định và lộ trình, nghiên cứu, sửa đổi phí vệ sinh theo lộ trình nhằm tiến tới tiền thu được từ các hộ phát sinh rác thải đáp ứng được chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
Qua chuyến thăm, kiểm tra Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, TP Hà Nội đã thực hiện tốt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn được quan tâm bằng việc áp dụng nhiều mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. TP Hà Nội cũng thực hiện tốt việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành xử lý chất thải rắn.
Tuy nhiên, việc xử lý chất thải rắn của TP Hà Nội còn nhiều khó khăn, khối lượng chất thải rắn phát sinh lớn, chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, phí vệ sinh thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế…
Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội, hiện Hà Nội có hơn 5.000 tấn rác thải rắn cần thu gom và xử lý mỗi ngày, đến năm 2020 sẽ có khoảng 7.000 - 8.000 tấn/ngày. TP Hà Nội đang ứng dụng đồng thời cả 3 công nghệ: Một là chôn lấp hợp vệ sinh được sử dụng phổ biến, xử lý khoảng 80% tổng số rác thải; hai là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước, xử lý khoảng 20% tổng số rác thải; ba là ứng dúng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các nước có công nghệ xử lý tiên tiến hơn Việt Nam, hiện TP.Hà Nội đang kêu gọi đầu tư.
Cao Thanh Nga
Theo