Chiều tối 8/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cấp cao Việt Nam đã rời Bali, Indonesia, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 diễn ra từ ngày 7-8/10.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 đã đề ra những định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế APEC, khẳng định quyết tâm xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự cường, là động lực của tăng trưởng toàn cầu.
Thành công của Tuần lễ APEC 2013 đã góp phần đẩy mạnh xu hướng hợp tác, liên kết kinh tế cùng có lợi giữa các thành viên và nâng cao vị thế của APEC.
Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí thông qua Tuyên bố “Ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại Thế giới”. Đây là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chung của APEC, có ý nghĩa rất thiết thực khi các thành viên WTO đang nỗ lực cao để đạt được kết quả cụ thể, từ đó khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại đa phương và đóng góp vào nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu.
Hội nghị cũng đã thông qua “Tuyên bố các nhà Lãnh đạo APEC về châu Á-Thái Bình Dương tự cường, động lực của tăng trưởng toàn cầu”.
Để đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua những định hướng mới, gồm Khuôn khổ tổng thể, dài hạn về kết nối khu vực đối với hạ tầng, thể chế và con người; Kế hoạch dài hạn phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư của APEC, hướng tới hình thành một châu Á-Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC cũng đã diễn ra Cuộc họp Cấp cao Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự kiện này đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của Lãnh đạo ba thành viên mới là Nhật Bản, Canada, Mexico và việc nhiều nước trong khu vực bày tỏ quan tâm, TPP tiếp tục khẳng định là liên kết kinh tế tiềm năng ở khu vực, đóng góp 40% GDP và 1/3 thương mại toàn cầu. Đáng chú ý là các thành viên khẳng định cùng nỗ lực giải quyết các vấn đề còn lại để hoàn tất đàm phán trong thời gian sớm nhất nhằm đạt một hiệp định toàn diện, cân bằng, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên.
Tại cuộc họp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị cần có cách tiếp cận thực tế, linh hoạt, tính đến sự khác nhau về trình độ phát triển giữa các thành viên, quan tâm thỏa đáng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi cam kết nhằm hiện thực hóa những cơ hội và tiềm năng hợp tác mà liên kết này có thể mang lại...
Những kết quả đạt được tại Hội nghị cấp cao APEC 2013, không chỉ mở ra cơ hội hợp tác giữa các thành viên mà còn ghi dấu ấn những đóng góp của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu dẫn đề quan trọng tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị về “Vai trò của APEC trong củng cố thương mại đa phương trong tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay”. Chủ tịch nước đã nêu các đề xuất tạo xung lực cho liên kết kinh tế, ưu tiên thực hiện mục tiêu Bogo, và nhất là cần hành động mạnh mẽ và thể hiện sự linh hoạt cần thiết để Hội nghị Bộ trưởng WTO sắp tới đạt kết quả cụ thể.
Việt Nam cũng đề nghị đưa hợp tác bảo đảm an ninh về lương thực, nguồn nước, năng lượng thành một nội hàm ưu tiên của các cơ chế liên quan trong APEC, đồng thời tăng cường hợp tác về bảo vệ nguồn nước, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn trên biển...
Các thành viên đã hoan nghênh những đề xuất của Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác hướng tới phát triển bền vững gắn với công bằng. Từ kinh nghiệm triển khai kết nối trong ASEAN, Việt Nam cũng đề nghị thúc đẩy triển khai định hướng mới của APEC về kết nối, tăng cường phối hợp của APEC với các chương trình kết nối tiểu vùng; tích cực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, phối hợp trong triển khai các dự án của ASEAN về hạ tầng cơ sở, kết nối chuỗi cung ứng, các chương trình tiểu vùng Mekong về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Đặc biệt, Việt Nam tuyên bố sẽ đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động quan trọng của Diễn đàn trong năm 2017 và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả các thành viên.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định việc dành cho Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC vào năm 2017 là sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế về vai trò và uy tín của Việt Nam.
Trung Quốc sẽ là chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22, được tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh trong năm 2014.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nguyên thủ, lãnh đạo và và Trưởng đoàn các nước tham dự APEC 21.
Tại Bali, Chủ tịch nước đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với nhiều nguyên thủ, lãnh đạo thành viên APEC, trong đó có Tổng thống Indonesia, Quốc vương Brunei, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Liên bang Nga, Peru, Trưởng đoàn Hoa Kỳ, các Thủ tướng Nhật Bản, Australia, New Zealand, Papua New Guinea… Chủ tịch nước cũng đã tiếp nhiều tập đoàn hàng đầu khu vực. Các cuộc tiếp xúc song phương đã đạt những kết quả rất cụ thể, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ với thành viên APEC và các đối tác trong khu vực.
Các nước đánh giá cao sự đóng góp chủ động và tích cực của Việt Nam trong nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế ở khu vực và trên thế giới, đồng thời nhất trí tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương quan trọng.
Những kết quả thiết thực đạt được tại các Hội nghị APEC 2013 cũng như tại các cuộc gặp song phương một lần nữa khẳng định, Diễn đàn APEC là nơi hội tụ nhiều đối tác chiến lược, kinh tế, thương mại hàng đầu, và sẽ tiếp tục là một trong những cơ chế hợp tác khu vực quan trọng đối với nước ta.
Theo Chinhphu.vn
Theo