Thứ sáu 29/03/2024 16:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm bụi PM2.5 vì sức khỏe cộng đồng

16:34 | 17/02/2023

(Xây dựng) – Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe môi trường lớn nhất mà các quốc gia đang đối mặt. Tại nước ta, ô nhiễm không khí, nhất là bụi PM2.5 trong không khí đang gia tăng cả về quy mô, mức độ tại các đô thị lớn và đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, việc kiểm soát ô nhiễm bụi PM2.5 không những giúp bảo vệ môi trường mà còn cải thiện chất lượng sống của người dân.

Đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm bụi PM2.5 vì sức khỏe cộng đồng
Việc kiểm soát ô nhiễm bụi PM2.5 giúp cải thiện chất lượng sống của người dân (Ảnh minh họa: TTXVN).

Bụi PM2.5 gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe con người

Trong thời gian gần đây, nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; việc tổ chức định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả...

Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) năm 2022 cho thấy mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở Việt Nam ở mức cao (xếp hạng 130 trên tổng số 180 quốc gia). Chất ô nhiễm có hại nhất cho sức khỏe, liên quan chặt chẽ với tử vong sớm là bụi PM2.5 thâm nhập sâu vào đường phổi.

Ở nước ta, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, thì có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là một trong năm nhóm bệnh bị mắc cao nhất. Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Thông tin về chất lượng không khí toàn cầu (IQAir) dựa trên mức đo lượng bụi siêu mịn PM2.5, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tốp những thành phố ô nhiễm không khí cao trên thế giới.

Vừa qua, trong khuôn khổ dự án “Cải thiện giám sát và quản lý ô nhiễm không khí ở Việt Nam sử dụng quan trắc PM2.5 bằng vệ tinh”, các nhóm nghiên cứu Địa Tin học tại Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Y tế công cộng đã phối hợp với nhóm Khoa học Công dân - Môi trường tại Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng thực hiện thành công Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 và tác động sức khỏe tại Việt Nam năm 2021”.

Báo cáo đã sử dụng dữ liệu bụi PM2.5 từ mô hình học máy thống kê trên dữ liệu đa nguồn, để đưa ra bức tranh ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 ở Việt Nam. Bà Đỗ Vân Nguyệt - Giám đốc Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng cho biết, các kết quả báo cáo phân tích về hiện trạng bụi PM2.5 và lợi ích sức khỏe tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc cùng với phân tích chuyên sâu đến cấp quận, huyện cho một số tỉnh, thành phố sẽ giúp xác định những vùng đang gặp vấn đề ô nhiễm bụi PM2.5 để từ đó các cơ quan quản lý và chính quyền có cơ sở để xây dựng chính sách quản lý chất lượng không khí phù hợp.

Giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí

Theo các chuyên gia, một trong những biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí, hiệu quả nhất chính là cải thiện thói quen sinh hoạt. Việc này có thể được thực hiên bằng cách xử lý rác thải đúng cách, không đốt rác hoặc những nhân tố dư thừa bừa bãi. Cùng với đó, việc thay thế các nhiên liệu đốt từ than, củi, gas sang các thiết bị điện hiện đại, vừa an toàn vừa khắc phục được ô nhiễm không khí.

Để có thể khắc phục ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định về xử lý và đưa chất thải ra môi trường. Việc thay thế những loại máy móc lạc hậu bằng các dây chuyền sản xuất hiện đại và tiên tiến, hạn chế gây ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung.

Bên cạnh đó, việc cần làm là định kỳ đánh giá tác động của bụi PM2.5 với sức khỏe cũng như rà soát việc tuân thủ các quy chuẩn hiện có, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp để nâng cao quy chuẩn về chất lượng không khí chung quanh và khí thải từ các ngành công nghiệp, lò đốt chất thải, đồng thời ban hành quy chuẩn về chất lượng không khí trong nhà.

Các nhà khoa học về môi trường cũng khuyến nghị các tỉnh, thành phố cần xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu và thông tin bảo đảm, kiểm soát chất lượng tại các trạm để tăng cường chất lượng mô hình hóa và quan trắc PM2.5 nói riêng, cũng như hỗ trợ các nghiên cứu khoa học về ô nhiễm không khí nói chung.

Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng và triển khai việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, bảo đảm đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng, miền trên phạm vi cả nước...

Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học, cần đầu tư các nghiên cứu về dữ liệu và các phương pháp mô hình hóa cho ô nhiễm không khí ở phạm vi toàn quốc, vùng, miền và thành phố, tỉnh để cung cấp các số liệu hiện trạng và dự báo ô nhiễm không khí có độ chính xác cao. Theo đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu sâu về mô hình tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí; thực hiện tham vấn cho cơ quan chính phủ về quy trình và kết quả của đánh giá tác động sức khỏe...

Ngoài những biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí nêu trên, trồng và phát triển những khu rừng nhân tạo cũng là một biện pháp cực kỳ hữu ích. Cây xanh góp phần lọc không khí và ngăn ngừa những thiên tai tự nhiên. Trồng cây xanh tại các công viên và vỉa hè ở các đô thị lớn để giảm tình trạng khí thải, khói bụi và góp phần làm hạ nhiệt độ cũng như tăng sự trong lành không khí.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load