- Hà Nội kêu gọi đầu tư mạnh vào dự án xây dựng hạ tầng và bất động sản
- Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và phát triển
(Xây dựng) – Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy trong những năm qua TP Hà Nội đã tích cực chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư cũng như tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trên địa bàn Hà Nội.
Trục đường Lê Văn Lương kéo dài.
Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng.
Đây cũng là một động lực để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ gọi vốn. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016, 2017, UBND thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 71 dự án (năm 2016: 23 dự án, tổng vốn đầu tư là 36.919 tỷ đồng; năm 2017: 48 dự án, tổng vốn đầu tư 74.369 tỷ đồng).
Đến nay, 62 dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khởi công và xây dựng, hoạt động; 9 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, đến nay đã có 23 nhà đầu tư với 34 dự án cấp nước sạch đã được phê duyệt, với tổng công suất 2.105.000m3/ngày đêm, đã phủ được 94% diện tích cấp nước sạch cho các vùng nông thôn trên địa bàn Hà Nội.
Đến ngày 31/5/2018, đã có 52% người dân các huyện ngoại thành được cấp nước sạch theo tiêu chí nước đô thị. Trong số 135 dự án giới thiệu kêu gọi đầu tư có 21 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu thông tin đối với các dự án còn lại.
Trong lúc này, việc đầu tư vốn vào hạ tầng đô thị Hà Nội được cho là bước đi khôn ngoan của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bởi việc đầu tư sẽ không chỉ đem đến lợi ích trước mắt mà còn mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho các doanh nghiệp.
Để có được bộ mặt đô thị như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của chính quyền, cán bộ, nhân dân thành phố còn phải kể đến những đóng góp to lớn của các nhà đầu tư. Họ mang đến những dự án hạ tầng lớn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thành phố như đường giao thông; mạng lưới cấp - thoát nước; vệ sinh môi trường… góp phần làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên sáng giá và hiệu quả hơn rất nhiều.
Theo Thạc sỹ quản lý đô thị Phan Trường Thành: Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, hạ tầng đã có những dấu hiệu quá tải. Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của chính quyền và nhân dân thành phố là cải tạo, nâng cấp, phát triển hạ tầng. Đầu tư vào lĩnh vực này không chỉ sinh lời mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà đầu tư đối với thành phố.
Mặt khác, Hà Nội đang có một môi trường đầu tư thuận lợi, sôi động và hấp dẫn. Các nhà đầu tư được hoan nghênh, tạo mọi điều kiện để phát triển, tuy nhiên thành phố cũng cần họ phải có trách nhiệm với cộng đồng, với chính những dự án đầu tư của mình.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã chỉ đạo: Bất kỳ nhà đầu tư nào muốn đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội phải đạt một số tiêu chí căn bản như có năng lực kinh nghiệm, có đủ năng lực về tài chính, cam kết thực hiện về vốn.
Riêng với các dự án đầu tư PPP (hợp tác công tư), TP Hà Nội ưu tiên nhất là bỏ lãi vay, theo quy định điều này luật cho phép, Hà Nội sẽ cố gắng theo hướng ưu tiên lãi vay thấp nhất.
Đơn vị nào có đủ năng lực, đủ nguồn lực tài chính, Hà Nội rất sẵn lòng chào đón tham gia làm dự án. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư đủ năng lực cùng mong muốn tham gia dự án, Hà Nội sẽ cân nhắc chọn ra nhà đầu tư phù hợp nhất.
Để đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình, Hà Nội cũng đã thành lập các Ban Quản lý dự án chuyên ngành, giữ vai trò tham mưu cho thành phố trong việc lựa chọn nhà đầu tư và giám sát thực hiện đầu tư các công trình.
Hạ Ly
Theo