Thứ sáu 26/04/2024 02:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đầu tư công năm 2021: Phải chú trọng tính hiệu quả

11:41 | 20/01/2021

Khi dịch bệnh COVID-19 đang còn phức tạp thì phát triển kinh tế nội lực là vấn đề được nhắc đến rất nhiều. PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - đánh giá, năm vừa qua (2020) đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả tích cực hơn so với trước. Chính vì vậy, đầu tư công tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng năm 2021.

dau tu cong nam 2021 phai chu trong tinh hieu qua
Kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 sẽ giúp nền kinh tế phát triển. Ảnh: Cao Nguyên

Giám sát chặt chẽ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân đến hết tháng 11 là 329.868,24 tỉ đồng, đạt 70,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỉ đồng); ước giải ngân đến ngày 31.12.2020 là 389.982,80 tỉ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỉ đồng). Đây là năm có tỉ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ năm 2016 đạt 80,3%, năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết, chưa bao giờ, công tác chỉ đạo về giải ngân quyết liệt như năm 2020 với sự vào cuộc của Chính phủ.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, Chính phủ quyết định tăng chi tiêu công hoàn toàn đúng về nguyên lý và thực tiễn. Lúc nền kinh tế khó khăn, ngân sách cần chi tiêu mạnh hơn để tạo nguồn lực cho nền kinh tế vận hành, còn lúc nền kinh tế đang tăng trưởng tốt thì chi tiêu ngân sách tiết kiệm hơn.

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, việc Chính phủ bơm thêm nguồn lực vào nền kinh tế thông qua đẩy mạnh đầu tư công là phù hợp. Hơn nữa, những năm gần đây, đầu tư công giải ngân rất chậm nhưng chưa có giải pháp để tháo nút thắt này.

Theo ông Long, nhìn lại những năm qua, đầu tư công đang còn nhiều bất cập mà tới đây cần phải khắc phục. Có tình trạng, thất thoát, lãng phí rất lớn, đặc biệt là trong ngành Giao thông-Vận tải. Mặc dù trước thực trạng đó, đã có nhiều thay đổi, từ thay đổi Luật Đầu tư công rồi đến siết chặt đầu tư công hơn nhưng cần phải hoàn thiện dần.

Cũng vị chuyên gia này cho hay, trong năm 2020 trước thách thức của đại dịch COVID-19, để tăng trưởng, nền kinh tế cần phải tăng đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề đi kèm theo là hiệu quả, kích cầu để tăng trưởng nhưng có đạt được không thì cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ.

"Thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, thiếu kiểm soát. Chúng ta chỉ nên đẩy nhanh các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và bố trí sẵn vốn thực hiện" - ông Long lưu ý.

Thực tế, theo ông Long, các vấn đề tham nhũng cũng thường rơi vào đầu tư công. “Nếu tăng nhanh là đáng mừng nhưng cần kiểm tra, giám sát. Đẩy nhanh đẩy mạnh nhưng không hiệu quả thì vô hình trung là mất tác dụng. Chính vì vậy, thời gian tới cần phải có sự giám sát và kiểm tra. Những đơn vị giám sát phải độc lập, khách quan" - ông Long nhấn mạnh.

Đặt hiệu quả lên hàng đầu

Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, Chính phủ cần có biện pháp mạnh để tháo bỏ tắc nghẽn trong đầu tư công lâu nay bằng các giải pháp đột phá tương thích với thời buổi không bình thường.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng, đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng nhất, giúp nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng khi khó khăn "bủa vây" như hiện nay. Tuy nhiên, trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yếu tố quan trọng nhất chính là hiệu quả, chứ không phải giải ngân vốn "càng nhiều càng tốt".

"Chúng ta đã có nhiều bài học đắt giá về việc đầu tư công kém hiệu quả... Chúng ta cố giải ngân, nhưng chỉ giai đoạn ban đầu, sau đó lại ngưng, ách tắc do thiếu sự chuẩn bị từ đầu đến cuối, thiếu sự liên tục" - bà Chi Lan nêu quan điểm. Bà Chi Lan còn lo ngại việc thúc đẩy đầu tư công ồ ạt, "vẽ" thêm dự án trong khi chưa sẵn sàng thực hiện. Việc chưa có đủ điều kiện làm một cách hiệu quả, xuyên suốt, rồi lại bỏ dở, gây thất thoát nguồn lực và không phát huy được tác dụng. Thậm chí, có những dự án mới còn "chồng" dự án cũ.

Khi nói với báo chí về đầu tư công, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho rằng, bắt đầu từ năm 2021, khi Luật Đầu tư công số 39 có hiệu lực, luật chỉ cho phép giải ngân trong một năm, nếu không giải ngân hết sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn. Đặc biệt, Luật số 39 về cơ bản sẽ khắc phục tình trạng "con gà và quả trứng" trong đầu tư công diễn ra nhiều năm nay. Luật yêu cầu bộ, ngành, địa phương phải xác định nguồn vốn trước khi tính tới dự án, thay vì vòng luẩn quẩn từ chuẩn bị dự án - thẩm định - phê duyệt - vốn - rồi lại chuẩn bị dự án - thẩm định... mãi không thể xử lý. Với việc triển khai Luật Đầu tư công số 39 cùng với loạt giải pháp đôn đốc bộ ngành, địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn.

Theo CAO NGUYÊN/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Sẽ tổ chức đối thoại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh làng nghề trong tháng 5

    (Xây dựng) - Dự kiến, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố trong tháng 5/2024.

  • Bình Định: Giao thông mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) - Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khánh Hòa: Động lực thúc đẩy kinh tế

    (Xây dựng) - Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động vốn đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khát vọng thịnh vượng “Chín Rồng”

    (Xây dựng) - Từ lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thế giới biết đến với tên gọi Mekong Delta, còn cư dân nơi đây thường gọi là “Cửu Long - Chín Rồng” Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quí giá, là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (30/4/1975 - 30/4/2024), “Chín Rồng” đã và đang chuyển mình thức giấc với khát vọng thịnh vượng…

  • Khu công nghiệp Biên Hoà 1: Kết thúc “sứ mệnh”

    (Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong phát triển công nghiệp của đất nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ được chuyển đổi công năng để sớm trở thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo động lực mới cho phát triển bền vững

    (Xây dựng) - Việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) đang được xúc tiến và sẽ được công bố sớm nhất vào cuối năm nay. Đây là thông tin được lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong Hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load