Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 11/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công.
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)
Đây là Dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước như một công cụ mạnh mẽ nhằm khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí và tham nhũng trong hoạt động này.
Dự thảo mới nhất của Luật đầu tư công đã điều chỉnh về quản lý, sử dụng vốn và cùng với các luật chuyên ngành khác tạo nên một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực đầu tư công.
Bổ sung tiêu chí xác định công trình, dự án kém hiệu quả
Đa số ý kiến của các đại biểu tại hội nghị đều tán thành với nội dung trong dự thảo Luật theo hướng quy định trách nhiệm bồi thường, chịu hình thức kỷ luật đối với người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được vốn gây thất thoát, lãng phí.
Cụ thể hơn, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần đưa ra được chế tài xử lý chi tiết, quy định rõ việc bồi thường đối với các dự án đầu tư chưa đúng mục đích và không hiệu quả; gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị dự thảo cần có tiêu chí về hiệu quả đầu tư; quy định trách nhiệm của cả đơn vị tư vấn thiết kế đồng thời dẫn chiếu đến các luật có liên quan để có chế tài xử lý khi có sai phạm.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Đà Nẵng) phân tích việc Thủ trưởng các đơn vị có thẩm quyền có quyết định đầu tư sai, triển khai các chương trình, dự án kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn là có dấu hiệu phạm tội; phải chịu trách nhiệm bồi thưởng, xử lý kỷ luật, tùy theo tính chất mức độ vi phạm.
Vai trò giám sát của cộng đồng đối với các công trình, dự án
Đại biểu Ngô Văn Minh cũng đề nghị dự thảo Luật quy định vai trò của cộng đồng thông qua các tổ chức đại diện của mình thực hiện giám sát đối với các công trình dự án đầu tư nhằm phát hiện ra những việc làm xâm hại đến lợi ích chung của cộng đồng, nhất là quy định bắt buộc lấy ý kiến người dân trước khi triển khai dự án và nếu người dân không chấp thuận thì dự thảo Luật cũng cần phải có cơ chế để xử lý.
Phân tích về các khái niệm trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ quyết định chủ trương đầu tư và quyết định dự án đầu tư là hai công đoạn khác nhau. Dự thảo Luật cần quy định cụ thể loại công trình nào cần phải trình xin quyết định chủ trương đầu tư trước khi quyết định đầu tư, ví dụ như những công trình, dự án có phạm vi rộng, tác động sâu đến nền kinh tế và đời sống người dân trong cả nước hoặc tại địa phương.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) góp ý cần đặt dự án Luật Đầu tư công trong tổng thể mối liên hệ chặt chẽ với Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đại biểu Đương cũng kiến nghị dự thảo Luật nên có quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát, phát hiện các công trình, dự án đầu tư sai, kém hiệu quả để xử lý.
Ngoài ra, cũng cần có quy định trong Luật Đầu tư công thẩm quyền giám sát công trình dự án của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong việc yêu cầu cơ quan chủ quản cung cấp tài liệu về thông tin dự án đang đầu tư và cơ quan đó trong thời hạn nhất định phải có trách nhiệm trả lời thỏa đáng; phải trao quyền kiến nghị, yêu cầu xử lý trách nhiệm cho các tổ chức này nếu phát hiện sai phạm trong các công trình, dự án, đại biểu Đương nhấn mạnh.
Theo vietnamplus.vn
Theo