Ngày 12/5, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế phối hợp cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu dự án xây dựng 50 trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương.
(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)
Đây là hành động hướng tới mục tiêu lâu dài bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng, phân biệt đối xử; gia tăng cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhập cư được tiếp cận với các dịch vụ an sinh cơ bản như giáo dục, vui chơi; được bảo vệ trong một môi trường an toàn và thân thiện.
Với hơn 30 tỷ đồng, trong 3 năm (2017-2019) dự án sẽ triển khai các hoạt động xây dựng môi trường học tập thân thiện và an toàn tại 50 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn 4 quận, huyện: Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp và Củ Chi.
Dự kiến sẽ có 55.000 trẻ em và 48.000 giáo viên, ban giám hiệu, cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ, tình nguyện viên và phụ huynh trên các địa bàn dự án được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp thông qua các hoạt động của dự án.
Thông qua công tác tập huấn, hỗ trợ, thực hành nhằm nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ, giáo viên, phụ huynh trong công tác bảo vệ trẻ em, đảm bảo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em nhập cư được tiếp cận một nền giáo dục chính quy có chất lượng.
Đồng thời, xóa bỏ các hình thức trừng phạt thân thể và bạo lực trẻ em tại nhà trường, cộng đồng thông qua việc xây dựng, vận hành cơ chế giám sát và báo cáo các hình thức xâm hại, bạo hành, bắt nạt với sự tham gia của trẻ em và phụ huynh.
Bên cạnh đó, củng cố mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của các ban ngành có liên quan, các tổ chức xã hội và người dân nhằm bảo vệ trẻ em có nguy cơ và dễ bị tổn thương trước các nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, bóc lột, ngược đãi, bắt nạt.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện thành phố là địa phương có số trẻ dưới 16 tuổi cao thứ 2 trên cả nước với 135.000 trẻ em diện tạm trú, 17.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 3.000 trẻ tại các cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng có trên 33.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào diện đặc biệt và số lượng ngày càng tăng cao chủ yếu là trẻ em nhập cư, thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là khó khăn, thách thức rất cần sự đầu tư, các phương án giải quyết của thành phố và các ban, ngành.
Bà Liên hy vọng với dự án xây dựng trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương sẽ góp phần tích cực đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố đi vào cuộc sống.
Theo Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)