Chủ nhật 15/09/2024 04:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Đau đầu với bài toán lãi suất

10:18 | 16/10/2010

Đang vào mùa sản xuất cung ứng hàng cho dịp tết nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ vẫn không dám mạnh tay vay vốn do lãi suất còn cao.

Sản xuất các mặt hàng đồ dùng nhà bếp phục vụ thị trường nội địa tại Công ty cổ phần gỗ Đức Thành (TP.HCM) - Ảnh: T.V.N.

Lãi suất cho vay phổ biến của các NH phân theo quy mô DN 

DN xuất khẩu (*), DN lớn

13%/năm

DN vừa

13-13,5%/năm

DN nhỏ

14-14,5%/năm

(*): điều kiện phải bán USD cho NH đồng thời sử dụng các dịch vụ khác

Ông Nguyễn Hữu Phúc, giám đốc Công ty TNHH Como (TP.HCM), cần 2 tỉ đồng để nhập khẩu sơ sản xuất vải cho mùa hàng cuối năm nhưng những ngân hàng (NH)mà ông tìm đến đều thông báo lãi suất 14-16%/năm, chưa kể còn định giá tài sản quá thấp, chỉ bằng 70% giá trị thực. Thời gian hoàn thành thủ tục kéo dài đến 10 ngày.

Lãi suất cao khó có lãi

Theo ông Phúc, với lãi suất này doanh nghiệp (DN) không thể làm ăn có lãi. Cuối cùng ông được Công ty cổ phần Tài chính dệt may giải quyết cho vay với lãi suất 13,5%/năm, thủ tục cũng nhanh hơn vì thế chấp bằng chính hàng hóa trong kho. Ông Hàn Vinh Quang, giám đốc Công ty TNHH giấy An Bình (Bình Dương), cho rằng với lãi suất bình quân hiện nay từ 13,5-14%/năm làm giảm sức cạnh tranh so với hàng hóa của các DN nhập khẩu do lãi suất các nước trong khu vực chỉ từ 4,5-7%/năm.

Tương tự, bà T., chủ cơ sở mứt tết LT (TP.HCM), cần 3 tỉ đồng để mua đường, rau củ quả chuẩn bị mùa mứt tết, khi đến các NH hỏi vay thì nơi nào cũng báo lãi suất trên 13%/năm. Mức lãi suất này tuy đã giảm nhưng theo bà vẫn còn cao. Năm nay chi phí dịch vụ, nguyên liệu tăng nên tính ra giá thành phẩm sẽ tăng ít nhất 50% so với năm ngoái. “Với tình hình như hiện nay nếu chúng tôi xoay xở giỏi lắm chỉ huề vốn chứ không có lãi” - bà T. nói. Theo bà Lê Hải Liễu - chủ tịch HĐQT Công ty gỗ Đức Thành, lãi suất còn quá cao nên DN mất động lực sản xuất. Do vậy, lãi suất cần giảm hơn mới phát triển được ngành công nghiệp gỗ.

Ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc NH Á Châu (ACB), cho biết ngành lương thực, cao su, đồ gỗ, thủy sản đang vào mùa trữ nguyên liệu cho sản xuất cuối năm, do vậy tốc độ giải ngân của NH tăng khoảng 20% so với những tháng trước. Hiện lãi suất cho vay của NH mới chỉ giảm khoảng 1% so với trước. Với DN xuất khẩu quy mô lớn, lãi suất cho vay thấp nhất 12,8%/năm. Với DN thông thường, lãi suất từ 13-13,5%/năm, DN nhỏ từ 14-14,5%/năm. Tiêu chí xem xét lãi suất cho vay trước tiên căn cứ vào quy mô DN, kế đến là lịch sử quan hệ với NH.

Lãi suất rẻ phải kèm điều kiện

Theo ông Đỗ Minh Toàn, để vay được lãi suất 12,8%/năm, DN xuất khẩu phải cam kết bán USD thu được cho NH. NH cũng yêu cầu chuyển doanh thu từ hoạt động kinh doanh về NH cũng như sử dụng dịch vụ khác. Theo ông Toàn, để đưa ra mức lãi suất thấp hơn cho DN thì NH cũng phải tính đến nguồn thu từ dịch vụ khác để bù đắp. Đến nay tăng dư nợ của khối khách hàng DN đã đạt gần 90% chỉ tiêu, do vậy NH không quá gấp rút để cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm cũng khó giảm thêm.

Theo ông Nguyễn Hữu Đặng - quyền tổng giám đốc NH Phát triển nhà TP.HCM, các DN xuất khẩu nông sản sẽ được vay với lãi suất rẻ hơn 0,5%/năm so với thị trường, tức khoảng 13,5%/năm. Điều kiện để vay ưu đãi cũng như những NH khác là DN phải bán USD và sử dụng dịch vụ của NH.

NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng thông báo giảm lãi suất cho vay với một số đối tượng. Mức giảm cao nhất lên đến 20% so với lãi suất cùng loại. Tuy nhiên, NH cũng quy định rất chi tiết điều kiện để được giảm lãi suất cho vay. Theo đó khách hàng phải cam kết chuyển doanh thu từ hoạt động kinh doanh về NH. Ngoài ra, DN còn phải thỏa yêu cầu đã sử dụng sản phẩm dịch vụ của NH với doanh số hoặc số dư tiền gửi bình quân tương đương dư nợ vay. Đồng thời từng phải có quan hệ tín dụng tại NH từ 12 tháng trở lên không bị gián đoạn...

Phải có lộ trình

Theo tính toán của bà T., mức lãi suất để cơ sở sản xuất nhỏ như bà kỳ vọng “có chút lời” phải ở 10%. Lãi suất cao như hiện nay DN lo giá cả hàng hóa tăng cao khó bán được hàng. Còn theo ông Hàn Vinh Quang, với lãi suất hiện nay DN không dám đầu tư mới.

Tuy nhiên theo các NH, muốn giảm lãi suất cho vay cần phải có lộ trình. Ông Nguyễn Hữu Đặng cho biết NH cũng muốn giảm lãi suất để bớt áp lực cho DN nhưng còn phải tùy thuộc vào lãi suất cũng như tình hình huy động vốn của NH. Hiện tỉ lệ cho vay trên huy động mới đạt 50%, nghĩa là NH vẫn có thể đẩy mạnh cho vay.

Tuy nhiên NH khó chọn giải pháp hạ lãi suất để đẩy mạnh cho vay do đã gần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm. Theo ông Trần Sơn Nam - tổng giám đốc NH Đại Tín, đầu tháng 11 là cao điểm DN vay vốn sản xuất nhưng hiện huy động vốn còn khó khăn, do vậy NH chủ yếu phát triển cho vay với khách hàng cũ.

Thực tế do đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp nên đến nay nhiều NH đã gần đạt chỉ tiêu đề ra. Các NH cũng không mặn mà đẩy mạnh cho vay sản xuất mà đẩy vốn lên thị trường liên NH vì thị trường này không bị giới hạn như trước đây.

Theo các NH, cần thời gian để tiêu hết vốn lãi suất cao đã huy động trước đây. Lộ trình giảm lãi suất cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc điều hành cung tiền của NH Nhà nước. Nếu tới đây NH Nhà nước mạnh tay bơm vốn qua thị trường mở, nguồn vốn này cũng sẽ đến được các NH nhỏ thông qua thị trường liên NH, giúp hạ nhiệt lãi suất.

Nhiều ngân hàng vẫn chưa giảm lãi suất huy động

Ngày 15-10 là thời hạn phải giảm lãi suất huy động theo đồng thuận với Hiệp hội Ngân hàng (NH) nhưng mới chỉ có một số NH giảm lãi suất. Đến cuối ngày 15-10 nhiều NH vẫn giữ lãi suất huy động 11,2%/năm.

NhữngNHđã giảm lãi suất ngày 15-10 gồm: Eximbank, Sacombank, HD Bank, Đại Tín. Tuy nhiên các NH đều ấn định lãi suất đồng loạt bằng 11%/năm không phân biệt kỳ hạn cũng như số tiền gửi. Theo các NH, đây là giải pháp trước mắt để tránh mất khách hàng vì nhiều NH còn duy trì lãi suất cao kèm khuyến mãi.

Tại NH Eximbank, lãi suất huy động “tiết kiệm chọn kỳ hạn lãnh lãi” đồng loạt bằng 11%/năm. Nếu gửi tiết kiệm thường, kỳ hạn từ 1-11 tháng, lãnh lãi cuối kỳ lãi suất dao động từ 10,85%/năm đến 10,95%/năm. Từ 12 tháng lãi suất còn 10,32%/năm, từ 36 tháng còn 10,08%/năm. NH cũng huy động tiền gửi qua đêm và hai ngày, lãi suất lần lượt là 4,8%/năm và 5,4%/năm. NH này cũng đã chấm dứt chương trình khuyến mãi trước đó.

Tại NH Sacombank, kỳ hạn tuần lãi suất từ 9,8-10,2%/năm. Các kỳ hạn huy động từ 1 tháng trở lên, lãi suất đồng loạt bằng 11%/năm. Theo biểu lãi suất mới tại HD Bank, chỉ kỳ hạn 1 tháng lãi suất là 10,9%/năm, các kỳ hạn còn lại đồng loạt bằng 11%/năm.

Nhiều NH cho biết thực tế khách hàng gửi mới trong ngày 15-10 không nhiều nhưng lãi suất chưa giảm là do có nhiều trường hợp gửi số tiền lớn đáo hạn sổ tiết kiệm trong ngày này, nếu NH giảm lãi suất họ sẽ rút đi. Một số NH cho biết ngày 16-10 mới ban hành biểu lãi suất mới để áp dụng từ đầu tuần sau. Tuy nhiên về cơ bản, biểu lãi suất cũng sẽ tương tự như các NH đã giảm trước đó.

A.H (TT)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load