Thứ năm 28/03/2024 19:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dấu ấn Quốc hội khóa XIV: Giám sát chặt, tạo chuyển biến thực tế

16:17 | 09/04/2021

Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới hoạt động, đặc biệt trong hoạt động giám sát, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, là bài học kinh nghiệm quý báu cho Quốc hội các khóa tiếp theo.

dau an quoc hoi khoa xiv giam sat chat tao chuyen bien thuc te
Quang cảnh một phiên chất vấn Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thực hiện chức năng của mình, nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã tăng cường hoạt động giám sát, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Qua giám sát đã tạo chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực có chuyển biến mạnh mẽ, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Bám sát những vấn đề nóng

Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và quan trọng của Quốc hội, đồng thời là quyền quan trọng của đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp quy định. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, các nội dung chất vấn tập trung vào nhiều vấn đề nóng, nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, bao quát hầu hết lĩnh vực từ kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng-an ninh, đối ngoại...

Hoạt động chất vấn đã giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong thực thi pháp luật; từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chung trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri.

Nhiều năm qua, tình trạng loạn chứng chỉ “hành” công chức, viên chức trong xét tuyển, bổ nhiệm gây không ít bức xúc trong dư luận. Vấn đề này đã được các đại biểu đưa lên diễn đàn Quốc hội, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, vì yêu cầu đủ thủ tục nên cán bộ, công chức, viên chức phải đi học nhưng theo kiểu đối phó, chất lượng chứng chỉ không thực chất. Nhiều ngành nghề chưa thực sự cần chứng chỉ này nên mục đích chỉ là đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch, gây tốn kém.

Đại biểu chấn vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Làm thế nào để khắc phục và có nên bỏ quy định này khi thi xét nâng ngạch hay không?”

Mang nhiều tâm tư của cử tri, trong đó có cử tri là công chức, viên chức giáo viên, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhấn mạnh, những người này chịu rất nhiều áp lực. Cử tri rất tâm tư, băn khoăn, lo âu về việc hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ, không khác gì những “giấy phép con.”

Đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ đầu tư cho đội ngũ cán bộ tham mưu về chính sách, xây dựng pháp luật để không “đẻ” thêm các “giấy phép con” khiến công chức, viên chức khổ.

dau an quoc hoi khoa xiv giam sat chat tao chuyen bien thuc te
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thẳng thắn cho biết ông thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ. Bộ trưởng nhận khuyết điểm và cam kết trước Quốc hội sẽ rà soát để công chức, viên chức không phải khổ vì những tấm chứng chỉ "làm đẹp hồ sơ."

“Năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi chúng tôi sẽ sửa ngay và thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định, không thêm bất cứ hồ sơ thủ tục nào nữa,” Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định: “Quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không cần thiết. Tôi với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ cùng nhau để giải quyết.”

Thực hiện lời hứa này, mới đây, vào tháng 2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một chùm thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập.

Theo đó, không quy định “cứng” về trình độ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đây là tin vui với hàng triệu giáo viên trên cả nước.

Là giáo viên Trung học cơ sở của quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cô Bùi Thị Vân cũng như nhiều đồng nghiệp từng “đứng ngồi không yên” để có được chứng chỉ tin học và ngoại ngữ.

Chứng chỉ tin học thì đơn giản hơn vì ít nhiều giáo viên cũng từng tiếp xúc và thao tác trên máy tính. Nhưng với chứng ngoại ngữ thì không khác gì “đánh đố” thầy, cô giáo, bởi có giáo viên ra trường hàng chục năm nên vốn tiếng Anh “rơi rụng” và gần như về “số không.” Vì thế, để có được chứng chỉ, nhiều người phải “chạy ngược, chạy xuôi,” thậm chí “khốn đốn” vì chứng chỉ. Do đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ quy định này đã khiến giáo viên phấn khởi, vui mừng.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học đối với giáo viên trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập nhất định, thậm chí gây ra hệ lụy như tình trạng “mua-bán” chứng chỉ như báo chí phản ánh, gây bức xúc trong xã hội. Vì thế, việc bãi bỏ quy định này là hợp lý.

Tăng tính công khai, minh bạch

Bên cạnh hình thức chất vấn có nhiều cải tiến, đổi mới, nhiệm kỳ khóa XIV, công tác giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, lựa chọn nhiều vấn đề đúng và trúng.

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An), 7 chuyên đề mà Quốc hội giám sát tối cao đều là những vấn đề nóng trong thực tiễn. Trong đó, có những vấn đề đã được cử tri hết sức quan tâm như an toàn thực phẩm, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống xâm hại trẻ em... Những đổi mới trong công tác giám sát là những điểm sáng cần được phát huy và hoàn thiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới.

dau an quoc hoi khoa xiv giam sat chat tao chuyen bien thuc te
Quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai là một trong những nội dung giám sát của Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)

Trong lĩnh vực tư pháp, hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch. Nếu như trước đây, nhiều nội dung được công bố ở phạm vi hẹp như báo cáo công tác của một số cơ quan tư pháp… thì nay được công khai hơn tới các đại biểu Quốc hội.

Những thông tin, số liệu thuộc diện không công bố theo quy định của pháp luật đã được rà soát để đưa vào phụ lục. Thậm chí, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội còn bố trí một phiên thảo luận về tư pháp có phát thanh, truyền hình trực tiếp tới các cử tri.

Đánh giá về sự thay đổi này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, điều này đã tạo điều kiện để các cử tri có được những thông tin đầy đủ; từ đó, đánh giá khách quan về hoạt động tư pháp. Công khai, minh bạch đã đặt ra yêu cầu để các đại biểu Quốc hội hoạt động chất lượng hơn, trách nhiệm hơn; đặc biệt tạo ra áp lực để các cơ quan tư pháp luôn phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Các kỳ họp Quốc hội ngày càng thu hút sự quan tâm của toàn thể nhân dân bởi sự công khai, minh bạch. Không chỉ các nội dung bàn về kinh tế-xã hội, tất cả các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số phiên giải trình tại các Ủy ban của Quốc hội… đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp, đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút sự quan tâm, theo dõi, đánh giá, góp ý của cử tri và nhân dân cả nước.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc bố trí nhiều hơn các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là việc thảo luận về các báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới… đã góp phần gắn kết hơn nữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân.

Cử tri Hoàng Văn Bửu (Hưng Yên) đánh giá, việc phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên làm việc, chất vấn hay giải trình… đã thể hiện sự đổi mới không ngừng của Quốc hội, ngày càng dân chủ, công khai, gần dân. Qua đó, cử tri, nhân dân hiểu rõ hơn bản chất sự việc, nắm được tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ; góp phần tạo ra bầu không khí dân chủ trong xã hội...

Có cơ chế ràng buộc trách nhiệm

Kết thúc hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, Quốc hội đều ban hành nghị quyết để làm căn cứ giúp Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện. Đồng thời, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét, giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong cả nhiệm kỳ.

Qua đó thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri quan tâm, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành trong bộ máy nhà nước và hoạt động của Quốc hội.

dau an quoc hoi khoa xiv giam sat chat tao chuyen bien thuc te
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn ngày 6/11/2020. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)

Tuy nhiên, trên thực tế, khối lượng công việc lớn, nhiều việc phát sinh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động giám sát; một số nội dung có phạm vi rộng, tính chuyên sâu cao, trong khi thời gian, nguồn lực thực hiện còn hạn chế... Đây là những nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động giám sát.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phân tích, về phía chủ thể thực hiện giám sát là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần chủ động theo đuổi vấn đề thường xuyên, liên tục.

Hiện nay, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ tổ chức đánh giá lại việc thực hiện nghị quyết kết hợp với chất vấn. Tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện nhiều. Cách thức là Chính phủ có báo cáo định kỳ, thường là kỳ cuối năm và các cơ quan của Quốc hội có báo cáo thẩm tra, tuy vậy các báo cáo này chỉ là tài liệu để đại biểu tham khảo.

Về chủ thể chịu sự giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần cam kết mạnh mẽ hơn trong việc bảo đảm triển khai các nghị quyết, kết quả giám sát chuyên đề và chịu trách nhiệm về sự cam kết đó. Một số trường hợp nghị quyết kết luận giám sát chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nhưng cũng thiếu biện pháp hữu hiệu để buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện.

Dẫn chứng về việc thực hiện thu phí không dừng, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh chỉ rõ, năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Trong đó, Nghị quyết này yêu cầu đến hết năm 2019 phải triển khai đồng bộ việc thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT.

Tháng 6/2018, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về việc triển khai chậm và chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, đến nay chưa hoàn thành việc triển khai đồng bộ như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, một số yêu cầu chính đáng của cử tri và đại biểu Quốc hội đặt ra sau kết quả giám sát vẫn tiếp tục phải chờ đợi. Những quyết sách rất đúng và trúng được cử tri hoan nghênh, nhưng việc giám sát, tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa hiệu quả,” đại biểu nhấn mạnh.

Từ bất cập này, theo đại biểu cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đổi mới cơ chế để tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, tăng cường vai trò của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với hậu giám sát.

Ngoài ra, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề, có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Chính phủ xác định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trong triển khai nghị quyết giám sát.

Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, giám sát không quan trọng số lần, có thể ít nhưng phải thực chất và những thông tin giám sát phải đến được với người dân. Theo đó, cần phát huy quyền giám sát của người dân; nhất là quyền giám sát các cơ quan hành pháp, các cơ quan nhà nước trong vấn đề thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội nói chung.

Đồng hành cùng với sự lớn mạnh của đất nước, mỗi nhiệm kỳ đều đánh dấu sự trưởng thành, tiến bộ không ngừng của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới hoạt động, đặc biệt trong hoạt động giám sát, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Thành công này là tiền đề quan trọng, là bài học kinh nghiệm quý báu để Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cử tri và nhân dân./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load