Thứ sáu 29/03/2024 16:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội XIV: Gắn bó mật thiết với dân và vì dân

08:42 | 10/04/2021

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV luôn coi trọng nghiên cứu, đổi mới hoạt động, hình thức, biện pháp để mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu ngày càng được khăng khít hơn, phù hợp với thực tiễn.

dau an nhiem ky quoc hoi xiv gan bo mat thiet voi dan va vi dan
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Quốc hội khóa XIV khép lại với những dư âm tốt đẹp về kết quả đã làm được, tạo những đột phá, nền tảng để đất nước ngày càng phát triển.

Dấu ấn sắc nét để lại không chỉ đối với những đại biểu trong 5 năm thực hiện nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, mà cả trong lòng đồng bào, cử tri cả nước, đó chính là sự gắn bó mật thiết với nhân dân và vì dân của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Gắn bó mật thiết

Những bước chuyển cơ bản trong hoạt động tiếp xúc cử tri đã thể hiện rõ nét trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Qua các cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã được đại biểu chuyển tải tới các cơ quan liên quan, là cơ sở quan trọng để kịp thời khắc phục những bất cập trong thực tiễn.

Sự đổi mới này góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa Quốc hội với người dân.

Quan hệ mật thiết với cử tri, nhân dân, truyền tải ý kiến của người dân tới cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời, được Quốc hội xem là yêu cầu, nhiệm vụ, vừa là mục tiêu, mục đích cao nhất cần hướng tới. Quốc hội luôn quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc; tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri.

Nhiệm kỳ qua, Quốc hội luôn coi trọng, nghiên cứu, đổi mới các hoạt động, hình thức, cách thức, biện pháp để mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu ngày càng được khăng khít hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được tiến hành thường xuyên, dưới nhiều hình thức (định kỳ, chuyên đề,…) và linh hoạt trong những lúc tình hình khó khăn do dịch bệnh, thiên tai (trực tuyến).

Địa điểm tiếp xúc cử tri được tổ chức ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó chú trọng tới vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm hiểu thực tiễn. Các cuộc tiếp xúc cử tri có sự đổi mới về cách thức thực hiện, thu hút được sự tham dự đông đảo của cử tri cũng như thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị từ cơ sở.

Là đại biểu Quốc hội liên tiếp 2 khóa XII, XIII, ông Lê Bộ Lĩnh nhìn nhận đây là vấn đề rất lớn qua nhiều nhiệm kỳ, được cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm.

dau an nhiem ky quoc hoi xiv gan bo mat thiet voi dan va vi dan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng ngày 7/3/2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri cũng đã được tiến hành thường xuyên, chủ yếu là tiếp xúc trước và sau kỳ họp. Các buổi tiếp xúc cử tri đã có nhiều cải tiến, đổi mới về nội dung và hình thức. Bên cạnh tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, mang lại hiệu quả cao.

Theo đánh giá của đại biểu, đây là hình thức tiếp xúc giúp đại biểu Quốc hội tiếp nhận được những ý kiến, phản ánh của cử tri về vấn đề, lĩnh vực, hoạt động mà đại biểu quốc hội quan tâm. Tiếp xúc cử tri chuyên đề có chất lượng, hiệu quả sẽ giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Để thực hiện tốt việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề cần chú trọng việc lựa chọn chuyên đề tiếp xúc cử tri; xác định mục tiêu tiếp xúc cử tri chuyên đề; chuẩn bị tốt việc tổ chức tiếp xúc cử tri; lựa chọn hình thức tiếp xúc cử tri chuyên đề phù hợp…

Nghiên cứu để đổi mới, đáp ứng nguyện vọng nhân dân, thời gian gần đây công tác tiếp xúc cử tri đã rút gọn thời gian đọc báo cáo, dành nhiều thời gian hơn để cử tri có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, cũng như những kiến nghị của mình với các vị đại biểu dân cử.

Thay vì chỉ ghi nhận, tiếp thu như trước kia, các cuộc tiếp xúc cử tri đã có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các sở, ngành để giải trình, làm rõ các vấn đề cử tri kiến nghị.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, đã có sự phối hợp giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân, giúp cho việc gắn kết giữa cử tri và người đại biểu dân cử ngày càng mật thiết hơn.

Đơn cử, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương và Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh đã lần đầu tiên phối hợp thực hiện tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV với tinh thần đổi mới theo hướng tăng số lượng cử tri là người trực tiếp lao động sản xuất, tăng phần giải trình trả lời của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã có liên quan.

Sự đổi mới này nhận được những phản hồi rất tích cực từ nhân dân. Cử tri Nguyễn Văn Nam, cư trú tại phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương, phấn khởi vì hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng được cải tiến, đi vào thực chất hơn. Cử tri mong muốn những đổi mới này sẽ tiếp tục được duy trì, giúp người dân gần hơn với đại biểu do mình lựa chọn.

Để làm tốt vai trò là “cầu nối” giữa người dân với các cơ quan chức năng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, nhiệm kỳ 2016-2021, đã có sự đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, trong đó tăng cường hình thức tiếp xúc tại nơi cư trú, nơi làm việc và tiếp xúc theo chuyên đề.

Để có thêm luận cứ tham gia công tác xây dựng luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nhất là đóng góp vào dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức ba buổi tiếp xúc chuyên đề tại huyện Na Rì, Chợ Đồn và thành phố Bắc Kạn.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri là lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và những người đã từng công tác trong ngành Giáo dục đóng góp rất nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến các nội dung của dự án Luật Giáo dục.

Tâm đắc vì sự đổi mới này, ông Hoàng Văn Tấn - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chu Hương, huyện Ba Bể, nhớ lại cử tri xã phản ánh đến Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh, tình trạng 2 đầu cầu Nà Nao bị võng, dẫn đến đọng nước khi có mưa ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Ngay sau đó, ngành chức năng đã đến kiểm tra thực tế và khoảng 2 tháng sau tình trạng 2 đầu cầu bị võng, đọng nước được khắc phục. Cử tri và nhân dân xã Chu Hương tin tưởng và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tinh thần này cần được phát huy hơn nữa để mỗi vị đại biểu Quốc hội thực sự là “cầu nối,” đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân,” ông Hoàng Văn Tấn cho biết.

Gửi gắm niềm tin

Trong nhiệm kỳ 2016-2021 cử tri và nhân dân đánh giá cao Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động chất vấn và tranh luận tại các phiên họp được cử tri và nhân dân đánh giá cao…

Nhận xét này được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết khi trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

dau an nhiem ky quoc hoi xiv gan bo mat thiet voi dan va vi dan
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi tiếp xúc các cử tri tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ ngày 26/11/2018. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đây cũng là nhận xét chung của nhiều cử tri, nhìn nhận các đại biểu và hoạt động của Quốc hội đã ngày càng thực chất, sát với thực tế của đất nước cũng như mong muốn của nhân dân.

Đây có lẽ là dấu ấn sâu đậm nhất, ý nghĩa nhất trong nhiều ấn tượng mà Quốc hội khóa XIV đã làm được. Chủ động tiến tới gần dân hơn bằng cách đổi mới việc lắng nghe, từ đó truyền tải những nguyện vọng của cử tri đến với Đảng và Nhà nước, Quốc hội khóa XIV đã thể hiện sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ “cầu nối” giữa cử tri và Quốc hội.

Cử tri Nguyễn Văn Vẹn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương (trú tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương), đánh giá công tác điều hành của Quốc hội và Chính phủ đã được nhân dân và cử tri cả nước tin tưởng, đồng thuận. Ông mong muốn hoạt động của Quốc hội sẽ được đổi mới hơn nữa, nhất là đi sát vào từng vấn đề của đời sống.

Năm nay 81 tuổi, là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Giáy ở bản Tả Sin Chải, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, ông Lò Văn Chiến đánh giá, nhiệm kỳ qua công tác giám sát của Quốc hội khóa XIV đã chặt chẽ hơn, đạt hiệu quả cao.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa XV, theo ông Chiến cần tăng cơ quan chuyên trách, đại biểu chuyên trách của Quốc hội kể cả Trung ương và địa phương nhằm thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn thay vì kiêm nhiệm nhiều như hiện nay.

Đối với việc phát triển vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Quốc hội cần chỉ đạo việc triển khai, thực hiện các nghị quyết nghiêm túc tại cấp cơ sở và giám sát chặt chẽ để đạt được đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo dõi phiên chất vấn, ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, rất tâm đắc với nội dung này. Các vấn đề được chất vấn gắn với tình hình thời sự trong nước, phản ánh kịp thời nguyện vọng của cử tri.

Các thành viên Chính phủ luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong trả lời chất vấn, trả lời, giải thích rõ ràng ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội. Nội dung tranh luận, đối thoại trực tiếp tại hội trường thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, chứng tỏ hoạt động của Quốc hội ngày càng tiến bộ, đáp ứng mong đợi của cử tri.

Cùng chung niềm phấn khởi trước thành quả của đất nước, trong đó có những đóng góp tích cực của Quốc hội, cử tri Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ-Điện Bình Dương, đánh giá, nhiệm kỳ qua hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, đạt nhiều thành công rõ nét như kịp thời ra Nghị quyết về xử lý nợ công, đưa nợ công của Việt Nam về ngưỡng an toàn.

Quốc hội đã thông qua những chính sách lớn để đưa đất nước tiến tới khát vọng giàu mạnh, hùng cường và được cử tri cả nước hoan nghênh như làm đường cao tốc Bắc-Nam, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành...

Các cử tri Lào Cai đều có chung nhận định, việc tường thuật trực tiếp phiên thảo luận đã cho cử tri thấy rõ hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, góp phần xây dựng tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, nhờ đó phiên họp trở nên sôi nổi và có sức hút hơn. Theo dõi phiên thảo luận, các cử tri có thể dễ dàng nhận thấy không khí thẳng thắn, tích cực, trách nhiệm, có tính tranh luận và đối thoại với tinh thần xây dựng cao.

Cử tri Nguyễn Đức Thắng (quận Ninh Kiều, nguyên cán bộ Bộ Tham mưu, Quân khu 9) đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội trường rất thực tế, đúng trọng tâm. Quốc hội rất khoa học trong cách phân bổ thời gian cho đại biểu nêu ý kiến.

Điều hành của Chủ tọa kỳ họp được cử tri đánh giá cao, linh hoạt, tùy tính chất vấn đề đại biểu đặt ra mà thời lượng cho mỗi đại biểu sẽ khác nhau, không cứng nhắc, đủ thời gian cho đại biểu trình bày hết nội dung cần thiết. Người trả lời có sự chuẩn bị kỹ càng, nắm rất chắc vấn đề, có ý kiến có số liệu, thống kê, phân tích cụ thể để cử tri hiểu rõ hơn các vấn đề mà đại biểu đang đề cập. Đây là cách làm rất tốt, được cử tri đánh giá rất cao, ông Nguyễn Đức Thắng nhận xét.

Ông Hảng A Xà, người uy tín trong đồng bào dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, ghi nhận Quốc hội khóa XIV đã bám sát đời sống nhân dân để giải quyết nhiều vấn đề. Ông thường xuyên theo dõi các phiên tranh luận tại kỳ họp nên nhận thấy công tác giám sát tại cơ sở ngày càng được quan tâm.

Nhiều đoàn đại biểu của Quốc hội từ Trung ương đã tiếp xúc cử tri, gặp gỡ đồng bào dân tộc ở các bản xa xôi của tỉnh để từ đó hiểu rõ cuộc sống của người dân và truyền đạt ý kiến của cử tri đến với Quốc hội. Thời gian tới, ông mong muốn Quốc hội, Nhà nước cần quan tâm, đầu tư hơn nữa tới vùng cao, biên giới về cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, trạm y tế…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Sự ghi nhận tích cực từ người dân về những hoạt động tại nghị trường cho thấy, nhân dân đặt kỳ vọng rất cao vào những người đại diện cho mình. Điều này càng thôi thúc các đại biểu dân cử phải nỗ lực rèn luyện, thực hiện thật tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại.

Quốc hội khóa XIV thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load