Thứ bảy 07/09/2024 21:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Dấu ấn ngành Xây dựng trong công tác hoàn thiện thể chế pháp luật

18:48 | 03/01/2019

(Xây dựng) - Năm 2019 đã đến, ngành Xây dựng nói chung bước vào một thời khắc mới với những nhiệm vụ trọng tâm mới. Như một lời chia tay với năm 2018, cùng điểm lại những dấu ấn đáng nhớ ngành Xây dựng trong công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng.

Luật Kiến trúc sẽ là công cụ điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển và tạo môi trường tốt cho hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

Hoàn thành dự thảo và trình Quốc hội xem xét Luật Kiến trúc

Tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét dự thảo luật Kiến trúc do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự cần thiết của luật.

Theo đó, Luật sẽ là công cụ pháp lý có hiệu lực cao để điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển và tạo môi trường tốt cho hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

Luật đồng thời phát huy vai trò của kiến trúc sư, các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc và xã hội trong hoạt động kiến trúc, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan thuộc Quốc hội đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp 7, tháng 5/2019.

Cùng với luật Kiến trúc, Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo các nội dung về quy hoạch xây dựng (QHXD), quy hoạch đô thị (QHĐT) trong Luật sửa 37 Luật liên quan đến quy hoạch. Luật này đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh

Cùng với 2 luật nói trên, năm 2018, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng (ĐTXD) bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ĐTXD.

Đơn cử, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến ĐTXD. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định, 2 Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền 8 Thông tư.

Điển hình, Nghị định 100/2018/NĐ-CP (được ban ngày 16/7/2018 và chính thức có hiệu lực thi hành từ 15/9/2018) với các quy định bãi bỏ 7 điều kiện kinh doanh; tăng thời hạn hiệu lực của chứng chỉ năng lực; Đơn giản hóa hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực; Đa dạng hóa các cách thức thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng… được đánh giá có tính đột phá, giảm chi phí tiền bạc, giảm chi phí thời gian, giảm chi phí về cơ hội cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng phiên bản 1.0

Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng phiên bản 1.0 xác định danh mục cấu phần của Chính phủ điện tử, yêu cầu, lộ trình và kế hoạch triển khai để xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ Xây dựng.

Đây là căn cứ để các đơn vị thuộc cơ quan Bộ xác định vị trí, trách nhiệm của đơn vị mình trong việc phát triển Chính phủ điện tử đồng bộ, thống nhất tại Bộ Xây dựng và là căn cứ để triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ Xây dựng một cách hiệu quả, thống nhất, đảm bảo liên thông, đồng bộ giữa các đơn vị trong Bộ.

Bộ phận Một cửa Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ công khai các thủ tục hành chình (TTHC), hướng dẫn hồ sơ, tiếp nhận và trả kết quả đối với tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ

Đưa vào hoạt động bộ phận Một cửa Bộ Xây dựng

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (Bộ phận một cửa) của Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ công khai các thủ tục hành chình (TTHC), hướng dẫn hồ sơ, tiếp nhận và trả kết quả đối với tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ tại trụ sở số 37 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Bộ phận một cửa đảm bảo các tiêu chí công khai, minh bạch quá trình giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, đảm bảo việc giải quyết TTHC đúng thời hạn, đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện TTHC của cá nhân, tổ chức; Kiểm soát thời hạn giải quyết, trách nhiệm giải quyết TTHC của cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, đảm bảo mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ, chuyển từ “Chính phủ quản lý” sang “Chính phủ phục vụ” người dân, doanh nghiệp.

Việc thực hiện cơ chế một cửa đã tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính Nhà nước với tổ chức, công dân, giảm phiền hà, hạn chế tệ quan liêu, cửa quyền của cán bộ, công chức, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, thông qua đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao.

Rà soát hơn 20 nghìn định mức

Cũng trong năm 2018, Bộ Xây dựng tập trung triển khai 2 đề án quan trọng là “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng công trình” và “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”.

Tính riêng Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng công trình”, đến hết năm 2018, Bộ Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn 1 của đề án, tập trung rà soát lại toàn bộ trên 20.000 định mức do Bộ Xây dựng, Bộ chuyên ngành và UBND các tỉnh công bố. Trên cơ sở đó, khắc phục sự bất cập của hệ thống định mức, giá xây dựng hiện hành; loại bỏ định mức công nghệ quá lạc hậu; làm rõ công nghệ tiên tiến, hạn chế tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu trong lập dự toán làm tăng chi phí dự án.

Giai đoạn 2, từ năm 2019 đến năm 2021, Bộ tiếp tục triển khai xây dựng toàn bộ hệ thống định mức và giá xây dựng theo các phương pháp mới; Phổ biến, truyên truyền, hướng dẫn các chủ thể liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước về các nội dung của Đề án để Đề án đi vào thực tiễn.

Triển khai Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng công trình”, Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát lại toàn bộ trên 20.000 định mức do Bộ Xây dựng, Bộ chuyên ngành và UBND các tỉnh công bố.

Trong lịch vực phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cũng đạt được nhiều ấn tượng

Ngay từ những ngày đầu năm 2018, tại Quyết định 84/QĐ- TTg ngày 19/1/2018, Thủ tướng ban hành Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030. Kế hoạch do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh; Nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; Nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Cũng ngay trong tháng 1/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 01/2018/TT- BXD “Quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh”. Thông tư được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng, chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ ban hành, phù hợp xu thế phát triển của các đô thị hướng tới các cam kết quốc tế.

Bộ cũng đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030” (tại Quyết định 950/QĐ-TTg, ngày 1/8/2018).

Việc thực hiện đề án sẽ góp phần phát triển đô thị Việt Nam thông minh hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; Khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống; Hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm tàng; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và các dịch vụ đô thị; Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế…

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load