Thứ năm 25/04/2024 16:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đất nước cần những cán bộ "dám nghĩ, dám làm"

11:31 | 06/08/2022

Những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cần được khuyến khích và có hành lang pháp lý bảo vệ.

Tại Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí năm 2022 diễn ra vào giữa tháng 7 vừa qua, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, trong công tác phê bình và tự phê bình, nhiều tấm gương đã hành động và dám phát biểu tiếng nói khác biệt vì lợi ích chung, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao.

Cụ thể như sự việc tiêu cực diễn ra ở Saigon Coop, có những cán bộ trong đơn vị này đã đấu tranh ngay từ đầu, sau đó còn viết thư gửi lên Thành ủy… Nhờ vậy, khi cơ quan kiểm tra vào cuộc đã không xử lý kỷ luật số cán bộ này, chỉ rút kinh nghiệm. Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ "làm vậy mới động viên người trong đội ngũ dám nói".

Tương tự, trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cũng là người đã đưa ra ý kiến khác tập thể trong bối cảnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2015-2020 có sai phạm. Theo bà Trương Thị Mai, "đây là những tấm gương đấu tranh, có tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để đảm bảo sự trong sạch, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng".

dat nuoc can nhung can bo dam nghi dam lam
Phẩm chất dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung ở người cán bộ, đảng viên cần được khuyến khích và bảo vệ (Tranh minh họa: Ngọc Diệp).

Rõ ràng, phẩm chất dám nghĩ, dám làm, dám nói và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung ở người cán bộ, đảng viên cần được khuyến khích và bảo vệ, không những để động viên từng cá nhân cụ thể mà qua đó còn góp phần nhân rộng những tấm gương như vậy. Đây là những phẩm chất cần thiết không riêng với lĩnh vực đấu tranh chống tiêu cực mà cả trong quá trình dựng xây, phát triển đất nước.

Nhìn lại các chặng đường lịch sử, thời nào cũng có những lớp cán bộ, đảng viên năng động, đổi mới, dám đương đầu với khó khăn, thách thức để đem lại lợi ích chung cho đất nước và nhân dân, như cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với những quyết định "xé rào" trong nông nghiệp; hay như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong quyết định xây dựng đường dây 500KV Bắc Nam đã tuyên bố "nếu đóng điện không thành công thì xin từ chức"…

Ở đây chúng ta thấy rõ tinh thần không sợ trách nhiệm, khát vọng cống hiến, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của người lãnh đạo, của người cán bộ, đảng viên. Đây là bài học vẫn còn nguyên tính thời sự, khi nhìn vào những vấn đề nổi cộm hôm nay. Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2021, Phó trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công đã đề cập đến một dịch bệnh âm thầm lây lan là "bệnh sợ trách nhiệm", "bệnh dĩ hòa vi quý", "thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh"…

"Có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân", ông Công nêu vấn đề và đơn cử trong đợt phòng chống dịch vừa qua, có tình trạng nhiều địa phương sợ mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ bị kỷ luật, xử lý hành chính.

Bệnh sợ trách nhiệm đó đã dẫn đến hệ lụy ngay. Tôi vẫn còn nhớ như in tin nhắn của một người bạn đang trị liệu ung thư vú gửi cho tôi vào tháng trước, "bệnh nhân khổ quá em ạ, thuốc men thiếu thốn đủ đường". Những dòng tin trên báo chí cho thấy không chỉ một cơ sở y tế mà rất nhiều bệnh viện trên cả nước đối mặt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm.

Tại một cuộc họp do lãnh đạo Chính phủ chủ trì về giải pháp cung ứng thuốc, vật tư và đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành y tế (diễn ra cuối tháng 6 vừa qua), có ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế lâu nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân (do dịch bệnh làm đứt chuỗi cung ứng, do giá nguyên liệu thế giới tăng cao, do nhu cầu bệnh nhân tăng…). Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó "nhiều cán bộ sợ, không dám chịu trách nhiệm". Việc đấu thầu tập trung còn chậm; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát thực tế; gia hạn các loại thuốc chậm.

Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt giải quyết tình trạng nói trên. "Việc chưa được thì phải xử lý, khắc phục nhưng không vì thế mà thiếu ý chí, trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân", người đứng đầu Chính phủ nói.

Như vậy ở đây có thể gọi là "virus sợ sai", "virus sợ trách nhiệm", bởi nó lây lan và gây hệ lụy lớn đối với sức khỏe, cuộc sống của người dân, làm trì trệ nhịp độ hồi phục của nền kinh tế. Ngoài lĩnh vực y tế, có thể đơn cử thêm lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công. Theo Bộ Tài chính, sau 7 tháng, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 34,47% kế hoạch, thấp hơn cả mức 36,71% của cùng kỳ năm 2021 (vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh).

Trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, 36/51 Bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, đáng chú ý, 26 Bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% (một Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn). Vì sao cùng một khuôn khổ pháp lý về đầu tư nhưng có nơi làm tốt, nơi chậm trễ? Cần lưu ý rằng đầu tư là một cấu phần trong "cỗ xe tam mã" (xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng) của nền kinh tế, nếu đầu tư ỳ ạch, trì trệ thì sao có thể hy vọng kinh tế tạo được đột phá?

Để khắc phục trình trạng nêu trên, và quan trọng hơn là để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá…, vào tháng 9/2021 Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Theo đó, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, các cấp có thẩm quyền khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách; tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung…

Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công từng cho rằng, để đưa chủ trương của Bộ Chính trị vào cuộc sống, cần phải thể chế hóa bằng các quy định pháp luật. "Nếu không luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm mà có thể dẫn đến trù dập, oan sai. Vì vậy Quốc hội, Chính phủ cần rà soát các văn bản pháp luật đề xuất sửa đổi, khắc phục mâu thuẫn chồng chéo. Đây là nhiệm vụ cần thực hiện sớm", vị đại biểu nói trên nghị trường.

Thiết nghĩ, việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám làm, dám nói", cũng đồng thời là quá trình góp phần thanh lọc những ai còn tư tưởng tiêu cực, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc.

Đất nước đang trong quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch, công việc bộn bề và gấp gáp, không thể chấp nhận tình trạng công việc đình trệ mà cán bộ, đảng viên và nhất là người đứng đầu lại không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.

Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load