Thứ sáu 19/04/2024 22:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đất lạ hóa quê hương

19:09 | 20/01/2020


(Xây dựng) - Ngày ấy, bước chân ngập ngừng, bỡ ngỡ, tôi theo anh về Xứ Lệ, trở thành cô dâu trẻ nơi miền quê chiêm trũng, chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn. Hơn 10 năm về với Lệ Thủy, mỗi ngày đi qua đều để lại cho tôi những kỉ niệm. Mảnh đất này đã không sinh ra tôi nhưng chính nơi đây đã mang đến cho tôi những cảm xúc, những cung bậc thăng trầm của cuộc sống…

dat la hoa que huong
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang hàng năm thu hút hàng vạn du khách thập phương.

Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ngày bé, tôi đã từng nghe mẹ kể chuyện đi gánh mắm ở Ngư Thủy. Mẹ và cậu oằn mình triêng gánh, băng qua những đồi cát trắng nắng chang chang khô khốc cả họng vì đói, vì khát để gánh mắm về vùng kẻ roọng. Mắm Lệ Thủy nổi tiếng thơm ngon, được người dân quê tôi mê đắm. Câu chuyện của mẹ còn hào hứng, sôi nổi về một thời học sinh đi làm thủy lợi. Những ngày đi be bờ đắp đập xây dựng hồ chứa nước Cẩm Ly. Những năm tháng tuổi trẻ của mẹ và các bác, các cô, các chú đã dùng sức người để bồi đắp, gây dựng dòng nước chảy. Để từ đó, dòng nước từ hồ chứa Cẩm Ly đã làm căng tròn hạt lúa, củ khoai và dịu mát một vùng đất rộng lớn khô hạn của hai huyện.

Những câu chuyện của mẹ chỉ dừng lại ở đó, nếu không có một ngày như là duyên nợ tôi về Lệ Thủy làm việc, lập gia đình và định cư luôn ở đây. Chồng tôi chính gốc người Lệ Thủy. Qua anh, tình yêu với Lệ Thủy cứ lớn dần lên. Những câu chuyện về mảnh đất này như là mạch nguồn cứ chảy mãi trong tôi.

dat la hoa que huong
Nói đến văn hóa Quảng Bình, không thể không nhắc đến hò khoan Lệ Thủy, điệu hò khoan mộc mạc, sâu lắng, lay động lòng người.

Quảng Ninh quê tôi cũng miền trung du với đồi núi, đồng bằng và biển cả. Nhà tôi không có ruộng, nhưng thuở còn nhỏ tôi vẫn nhiều lần chân trần trên các cánh đồng, cũng lăn lộn bắt cá, cưỡi trâu cùng lũ bạn. Những năm cuối cấp 2, rồi cấp 3, tôi cũng có chút trải nghiệm với công việc đồng áng, cũng đi cắt lúa, dặm gieo giúp nhà cậu, nhà dì. Làm ít, chơi nhiều nhưng những lần ấy tôi đã phần nào hiểu hơn sự vất vả của nhà nông. Ấy vậy mà khi về công tác tại Lệ Thủy, tôi mới thấy rằng nổi vất vả, cực nhọc của người nông dân quê tôi chưa thấm thía gì so với bà con ở nơi đây. Người Lệ Thủy làm lúa không chỉ dừng lại một vài sào, mà số đông gia đình làm đến hàng mẫu. Hết đồng sâu, đồng cạn, đến vùng xâm canh, bà con cứ quần quật mỗi năm sản xuất hai vụ lúa. Đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của người dân trên quê hương “hai giỏi” cứ thế phát huy từ năm này qua năm khác. Mỗi vụ gieo cấy, mỗi dịp mùa màng, từ sáng sớm, người nông dân Lệ Thủy cơm đùm, cơm nắm ra đồng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đến tận chiều tối, đôi khi còn lam lũ cả đêm muộn. Thế mới có chuyện, nàng dâu trẻ đi gặt lúa cho nhà chồng, dưới ánh trăng mờ ảo cặm cụi gặt cho hết thửa ruộng. Đến sáng ra, mới phát hiện là cắt nhầm ruộng lúa nhà người ta. Câu chuyện dỡ khóc dỡ cười ấy cứ được người dân Lệ Thủy truyền tai nhau đến tận bây giờ.

dat la hoa que huong
Hò khoan Lệ Thủy đã được đưa vào trường học để truyền dạy cho các thế hệ học sinh.

Mới đầu về Lệ Thủy, tôi thích nhất là ngắm cảnh những chiếc thuyền máy, những chiếc đò nối nhau chở lúa về nhà. Dòng Kiến Giang trong xanh hiền hòa được điểm tô bởi màu vàng óng ả của màu lúa chín. Bức tranh quê hiện lên thanh bình, đẹp đẽ. Nhìn cảnh người nông dân ngồi trên thuyền thảnh thơi trước thành quả lao động, những hạt lúa vàng tròn mẩy đang căng mình kiêu hãnh về sự thảo thơm và đầy đặn, thấy sao những mùa vàng no ấm.

Chồng tôi kể chuyện đi cắt lúa giúp chị gái ở xã Hồng Thủy. Trồng lúa giữa phá Hạc Hải, bùn lún tận bụng. Vơ một bó lúa phải vợi trong bùn, trong nước, chất lên đò mới đưa được về nhà. Cho đến một ngày vào đầu năm 2009, tôi theo đoàn công tác của chú Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện đi thăm đồng ở Hồng Thủy. Ngồi trên đò, giữa mắt tôi là mênh mông biển nước, một cánh đồng bao la rộng lớn, dài tít tắp, những con lạch nối liền nhau, thuận tiện cho việc di chuyển trên sông. Một khung cảnh bình yên và thơ mộng, chưa kể dưới mặt nước tôm cá tí tách, tung tăng bơi lội. Trăm nghe không bằng một thấy, lần đi đó tôi đã được chứng kiến cảnh sắc hữu tình của Phá Hạc Hải. Từ giữa phá, phóng tầm mắt về phía Đông Nam là những đụn cát trắng chập chùng cuối chân trời, còn phía Tây Bắc thì có những dãy núi Trường Sơn trùng điệp, trong đó có ngọn núi Đầu Mâu cao vót, hội tụ linh khí “Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”. Cùng với “Mũi viết” đã tạo nên vùng đất địa linh nhân kiệt, xuất hiện nhiều người con ưu tú mà nổi bật là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Bác Hồ.

Năm tháng trôi qua, trên những nẻo đường tác nghiệp, qua sự theo dõi, nắm bắt thông tin từ cơ sở, tôi đã chứng kiến sự lớn mạnh nhanh chóng của nền nông nghiệp ở Lệ Thủy. Trong định hướng phát triển kinh tế, huyện Lệ Thủy luôn xác định nông nghiệp là ngành mũi nhọn. Do đó, cùng với việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới năng suất và chất lượng cao vào thâm canh, huyện khuyến khích thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Lệ Thủy có cơ hội để phát triển vượt bậc. Từ chương trình này, hệ thống thủy lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, là cơ sở để huyện Lệ Thủy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Lệ Thủy đã xuất hiện HTX kiểu mẫu, vườn hộ kiểu mẫu.

Còn nhớ mùa hè năm ngoái, trong một lần theo chân đồng chí Lê Văn Bảo - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đi kiểm tra tình hình sản xuất của các vườn hộ kiểu mẫu, mới thấy ngưỡng mộ sức lực và ý chí quyết tâm, tư tưởng tiến bộ của người nông dân thời đại 4.0. Trên mảnh vườn tạp của gia đình, ông Hoàng Đại Vương ở xã Mai Thủy đã quy hoạch lại để trồng và tôn tạo giống cam mật bản địa cùng với một số giống cam Vũ Quang - Hà Tĩnh. Cam được ông trồng thành hàng, thành lối thẳng tắp. Mùa hè nắng hạn gay gắt, ban ngày nắng như đổ lửa như muốn đốt cháy thiêu trụi tất cả cỏ cây dưới mặt đất. Ông Vương đã đào thêm giếng khoan, đêm đến lăn lộn tắm tưới cho cây hàng giờ đồng hồ. Nghe ông Vương chia sẻ mà thương lão nông tri điền đã ở độ tuổi lục tuần. Nhiều đêm ông không ngủ được, phần vì tưới nước cho cây, phần nhìn cây cam vài năm tuổi héo dần mà ruột gan ông cũng hao mòn. Ấy vậy mà cây không phụ công người. Nhờ cần mẫn chăm sóc, tắm tưới nên mặc dù giữa cái nắng chói chang của mùa hạn, vườn cam của ông vẫn lên xanh mướt, đơm hoa đầy cành. Dẫu đã tỉa bớt quả cho vừa sức cây, nhưng trong số hàng trăm cây cam trong vườn, có cây phải thu về gần 4 tạ quả. Như vậy, từ một cây cam đã cho ông thu nhập trên 10 triệu đồng. Đó chính là lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng nền nông nghiệp bền vững của người nông dân Lệ Thủy.

Chưa kể, với cây trồng chủ lực là cây lúa, huyện Lệ Thủy luôn đi đầu toàn tỉnh Quảng Bình về diện tích, năng suất và sản lượng. Với vụ sản xuất Đông Xuân, hàng năm có trên 10 xã, thị trấn đạt năng suất từ 70 đến 75 tạ/ha. Trên mảnh đất màu mỡ ấy, hạt gạo Lệ Thủy đã được xây dựng thương hiệu, quy hoạch sản xuất vùng nguyên liệu theo quy trình Vietgap. Nhãn hiệu “Gạo Lệ Thủy” của HTX nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng có sức cạnh tranh ở những thị trường khó tính như thành phố Đồng Hới, Huế và Đà Nẵng. Hạt lúa do xã viên sản xuất ra được HTX thu mua toàn bộ với mức giá cao hơn thương lái từ 1 đến 2 giá. Việc sản xuất lúa so với trước đây nhẹ tênh. Nhờ đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, hệ thống đường giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng kiên cố nên mỗi vụ sản xuất người nông dân không mất nhiều công cán. Mùa thu hoạch, với sự trợ giúp của máy gặt đập liên hợp, thương lái cũng tìm đến thu mua tại chỗ, người nông dân chỉ việc cầm tiền bỏ túi về nhà.

dat la hoa que huong
Lệ Thủy hiện có 19/26 xã về đích Nông thôn mới.

Hơn 10 năm gắn bó với quê hương thứ 2 Lệ Thủy, điều mà tôi ấn tượng nhất về quê chồng là đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Những nét tinh hóa văn hóa ấy như mạch nước ngầm cứ thấm dần vào tôi, mỗi ngày mỗi nhiều thêm. Còn nhớ những năm đầu về Lệ Thủy, được phân công nhiệm vụ tường thuật trực tiếp Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sóng phát thanh Đài huyện. Tôi hăng say làm việc, muốn cung cấp thật nhiều thông tin bổ ích đến bạn nghe Đài, song thú thực lúc đó tôi vẫn chưa hiểu hết được “cái máu bơi đua” của người dân Lệ Thủy. Ở nhà chồng, tôi là người “ngoại đạo”, chẳng “máu me” gì về chuyện bơi đua. Cả nhà có bình luận sôi nổi đến đâu thì tôi vẫn cứ bình thản, chẳng thấy hào hứng. Cho đến một năm, do điều kiện nhân sự cơ quan, tôi được điều động về quay làm trọng tài tại điểm Hạ tiêu ở Hói cùng, xã An Thủy. Quanh khu vực Hói là cả biển người đổ về, xô lấn, chen chúc. Dòng người chật kín như nêm, để tìm được một chỗ đứng thật sự là rất khó. Ưu tiên người đang tác nghiệp, được sự trợ giúp của các anh công an viên, tôi cũng chọn được cho mình một chỗ đứng đẹp có thể nhìn trực tiếp chính diện thuyền bơi tại điểm trở. Đến lúc đò bơi về trở ở Hạ Tiêu, dòng người ấy nhào lên như làn sóng lớn vỗ bờ. Lạ thay chẳng kể đò đội bạn hay đội mình, ai nấy nhiệt tâm cổ vũ. Tiếng sanh, tiếng mỏ, kết hợp với tiếng reo hò, tiếng trống dồn dập, tiếng vỗ tay của khán giả vang vọng cả khúc sông. Có cùng mục đích hướng đến nên các âm thanh hỗn độn ấy cùng tấu lên một bản nhạc rất đặc biệt. Trong không gian ấy, người nghe như tôi lại cảm nhận được tình yêu, tình cảm dạt dào, tha thiết và nó vượt lên cung bậc của một bản nhạc bình thường, dẫn lối người nghe đến một cao trào cảm xúc. Dưới sông lúc này là màn biểu diễn nghệ thuật của người cầm lái, sự phối hợp ăn ý giữa người gõ mõ để các trai bơi thể hiện kỹ thuật trở. Các đò bơi đang trên đà lao nhanh về phía trước, khi nhìn thấy mốc Hạ tiêu cùng lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió thì khéo léo mở rộng vòng cua để trở một vòng quay về đích. Găy cấn nhất là lúc có 2, 3 đò cùng một lượt trở. Có đò theo quán tính húc vào đò bạn, cả hai cùng dạt vào góc sông hay đâm vào bờ hói. Có đò thì theo đà đâm mạnh vào đò bạn mất lái bị lật chìm nghỉm. Lúc đó, các trai bơi bị hất ra khỏi đò, lóp ngóp dưới mặt sông, mệt nhoài, thở hổn hển nhưng vẫn không quên bơi tìm lại chầm, cùng đồng đội khắc phục sự cố. Người trên bờ cũng nhói cả ruột gan. Nhiều người dân chẳng sợ ướt, chẳng lo đội bạn thắng cuộc, lao về sông phụ giúp các trai bơi lật đò, tát nước để bơi tiếp. Những hành động đẹp ấy càng toát lên tinh thần hào hiệp, thượng võ của người dân Lệ Thủy khiến lòng tôi ngưỡng mộ, yêu mến, cũng khát khao hòa vào dòng người cổ vũ, cũng hò hét, vẫy gọi đò bơi vươn lên phía trước. Càng thấy yêu sao quê hương Lệ Thủy mỗi dịp tháng 8 mùa Thu, mùa Lễ hội về.

Lệ Thủy còn nổi tiếng bởi các làn điệu Hò khoan mộc mạc, sâu lắng, lay động lòng người. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn liền với đời sống, lao động, tâm tư của người dân Xứ Lệ. Đến với Lệ Thủy, tôi mới biết đến Hò khoan. Những tiếng hát ngọt ngào như Hồng Hới, Hồng Hạnh, Hải Lý… với nhiều tiết mục Hò đối đáp, hò khoan lời cổ, hò giao duyên… được tôi tìm tòi đưa vào những chương trình Văn nghệ cuối tuần. Những năm tháng ở Lệ Thủy, người có ảnh hưởng lớn nhất với tôi, giúp tôi có những cái nhìn yêu mến, có chiều sâu về Hò khoan Lệ Thủy là bác Hoàng Đại Hữu - nguyên Trưởng Đài. Bác công tác từ Trung tâm Văn hóa Lệ Thủy rồi được điều động sang Đài, mang theo tình yêu của một người làm nghệ thuật, am hiểu rộng về Hò khoan. Tham gia hội hè, liên hoan bác thường cất cao giọng Hò khoan Lệ Thủy, với lối hát mộc mạc, dung dị, mà cũng rất gần gũi, trìu mến. Giọng hò khoan ngân nga, chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa trong lời hát của bác luôn mang đến tiếng cười giòn giã, thư thái cho người nghe, kết nối người nghe cùng tham gia vỗ tay, hò con, tạo nên một không gian âm nhạc rất đặc biệt.

Đến nay, Hò khoan Lệ Thủy và Lễ hội Bơi đua thuyền truyền thống đã vinh dự được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Là miền quê của hai di sản văn hóa, Lệ Thủy đang từng ngày thay da đổi thịt vươn lên trong thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hơn 10 năm về Lệ Thủy, mỗi ngày đi qua đều để lại cho tôi những kỉ niệm. Mảnh đất này đã không sinh ra tôi nhưng chính nơi đây đã mang đến cho tôi những cảm xúc, những cung bậc thăng trầm của cuộc sống. Quảng Ninh nuôi tôi lớn nhưng Lệ Thủy giúp tôi trưởng thành. Cả hai mảnh đất này đều gắn bó máu thịt với tôi, và tôi hiểu ở trong tim mình bao năm nay đã có thêm một quê hương thứ hai để mãi yêu thương.

An Phương
Đài TT- TH Lệ Thủy, Quảng Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load