Thứ sáu 19/04/2024 23:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đất cho người sống, đất cho người chết

08:10 | 17/05/2023

Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển cuộc sống khấm khá, các gia đình ở nhiều địa phương đua nhau chi tiền xây mộ to, mộ đẹp, hoặc mua đất xí phần xây dựng nghĩa trang dòng họ. Đây vừa là một nét tốt đẹp trong văn hóa của người Việt, là tấm lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ những người đã khuất, nhưng cũng là một vấn đề xã hội khi nhìn từ vấn đề quy hoạch nghĩa trang và đất cho người sống, đất cho người chết.

Đất cho người sống, đất cho người chết
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 35km về phía đông, nghĩa trang An Bằng thuộc làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) là khu nghĩa trang nổi tiếng với hàng nghìn lăng mộ được xây dựng xa hoa, tráng lệ bậc nhất Việt Nam (Ảnh: Nam Anh)

Điển hình cho câu chuyện trên, không thể không nhắc tới "Thành phố nghĩa trang" - cụm từ được dùng để chỉ Nghĩa trang An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế - một nghĩa trang được xem là nguy nga, hoành tráng nhất Việt Nam khi có hàng nghìn ngôi mộ được người dân xây dựng to lớn, trang trí công phu đến từng centimet bằng tượng, phù điêu đắp từ sành sứ, tranh tường và những loại vật liệu xây dựng đắt tiền. Những ngôi mộ được gia chủ bỏ tiền mua đất và xây dựng với số tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, thậm chí có ngôi mộ gần 10 tỷ đồng. Nhìn từ xa, trông như một khu đô thị cổ với đủ thứ công trình đền đài, lăng mộ nguy nga rồng phượng.

Không được như "thành phố nghĩa trang"" An Bằng ở Huế, nhưng hội chứng xây mồ to mả lớn cũng đang phát triển ở hầu khắp các địa phương. Kéo theo diện tích nghĩa địa cũng ngày càng phình ra nhanh. Nếu tính bình quân ở khu vực nông thôn, mỗi xã có trung bình từ 2 đến 5 nghĩa địa, nghĩa trang nhân dân thì với hơn 7.500 xã vùng nông thôn hiện có của cả nước, diện tích đất dành cho việc mai táng là rất lớn. Đây là diện tích đất gần như tồn tại lâu dài và ngày càng tăng lên, lấn dần ra diện tích đất canh tác xung quanh, khiến nỗi lo mất đất cứ ngày một lớn dần.

Một thực tế đang diễn ra là trong khi đất cho sản xuất nông nghiệp, làm nhà xưởng kinh doanh ngày một thu hẹp thì tại nhiều địa phương, các khu nghĩa địa ngày một mở rộng, quy mô xây dựng cũng ngày một to lớn hơn với những ngôi mộ tiêu tốn hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng.

"Sống mái nhà chết nấm mồ". Với cách thức hung táng là phổ biến, cộng với quan niệm về phong thủy, khiến mồ mả ở nhiều nghĩa địa xây dựng tùy tiện, ngang dọc đủ kiểu... Gia đình, dòng họ càng giàu có, xây mộ càng to; mộ xây sau lại to, đẹp, đắt tiền hơn mộ xây trước. Có những dòng họ làm ăn phát đạt thì đầu tư mua lại đất nông nghiệp, đất 5% rồi quây lại làm khu nghĩa địa riêng cho dòng họ mình khiến diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Thực trạng này đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Nhưng thực sự nhiều nhất có lẽ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế… Quá trình đô thị hóa đã hình thành nhiều nghĩa địa ở sát khu dân cư, thậm chí ở ngay giữa khu dân cư không còn là chuyện hiếm.

Đất cho người sống, đất cho người chết
Một góc nghĩa trang An Bằng, Thừa Thiên Huế (Ảnh: Nam Anh)

Hơn 2.000 nghĩa địa cấp xã, thôn ở Hà Nội hầu hết đều hình thành tự phát, nhiều nghĩa địa lọt thỏm giữa các khu đô thị. Nhà dân chen với mồ mả là chuyện thường. Tại các khu đô thị mới như Văn Quán, Dương Nội (Hà Đông), Pháp Vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì), Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai)… nghĩa địa cũng nằm sát khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Ở quận Cầu Giấy có nghĩa địa Làng Cót (phường Yên Hòa), nghĩa địa ngõ 68/123 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa; Nhiều biệt thự trong Khu đô thị hiện đại như Ciputra (phường Xuân La, Tây Hồ) cũng phải xây dựng sát với nghĩa trang Xuân Đỉnh. Tương tự, nghĩa trang Quán Dền (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) diện tích 11ha với hàng nghìn ngôi mộ vẫn tồn tại bên cạnh những tòa cao ốc trên trục đường Lê Văn Lương…

Trước tình trạng quá tải của các nghĩa trang ở nội thành, mấy năm gần đây, nhiều gia đình có xu hướng tìm đến những công viên nghĩa trang do tư nhân đầu tư. Ngoài công viên Vĩnh Hằng ở Ba Vì, thì Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên ở Kỳ Sơn - Hòa Bình, cách trung tâm Hà Nội hơn 50km, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng giai đoạn 1, triển khai trên diện tích 98 héc ta với 9 quả đồi, có thể tiếp nhận hàng trăm nghìn mộ cũng đang được nhiều gia đình tìm mua để mai táng người thân.

Đây được xem là Công viên Nghĩa trang được xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng, môi trường cảnh quan, các công trình tâm linh, dịch vụ chăm sóc, duy tu bảo dưỡng, cúng giỗ online… đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Hiện gần 80% diện tích đất đã được khai thác. Tuy nhiên, số công viên nghĩa trang hiện đại như Lạc Hồng Viên ven Hà Nội chưa nhiều.

Hà Nội đã thông qua quy hoạch nghĩa trang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quỹ đất là 1.247 ha. Trong đó, khu vực đô thị là 1.103 ha và 144 ha dành cho khu vực nông thôn. Ngoài việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng Nghĩa trang Mai Dịch thành công viên nghĩa trang; xây mới nghĩa trang quốc gia tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất quy mô khoảng từ 100 - 150ha, phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, thành phố sẽ đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì và mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 2 để phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu vực đô thị trung tâm phía nam sông Hồng và các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Phú Thọ.

Các nghĩa trang Sài Đồng, Văn Điển trong tương lai sẽ đóng cửa; nghĩa trang Vĩnh Hằng sẽ được mở rộng lên 87 ha; nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) sẽ được cải tạo, mở rộng thành công viên nghĩa trang với quy mô lên 23 ha vào năm 2030 (hiện tại là 7 ha).

Giai đoạn đến năm 2030 cần khoảng 24.000 tỷ đồng để xây mới các nghĩa trang lớn như Minh Phú và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn); Xuân Nộn (huyện Đông Anh); Trung Màu (huyện Gia Lâm); Trần Phú (huyện Chương Mỹ); Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên)…

Tuy nhiên, kinh doanh nghĩa trang không phải là lĩnh vực dễ kiếm lời. Lại là vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh, tác động trực tiếp đến môi trường… nên không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự đồng thuận của người dân gần khu vực xây dựng nghĩa trang cũng rất khó khăn. Chính quyền các huyện ngoại thành thường e ngại, không muốn đưa nghĩa trang về địa phương mình. Chuyện thất bại của dự án nghĩa trang Minh Phú, Sóc Sơn, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận, ngoài các nghĩa trang do nhà nước xây dựng như Bình Hưng Hòa, Đa Phước, Củ Chi, Gò Dưa, Thủ Đức, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng xây dựng nghĩa trang hiện đại như: Hoa Viên Bình An Vĩnh Nghiêm, Sala Garden, nghĩa trang Bình Dương, nghĩa trang Đồng Nai, nghĩa trang Long Thành… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân khu vực này. Tuy nhiên, việc giải tỏa những nghĩa địa nằm xen lẫn trong khu dân cư ở nhiều quận, huyện TPHCM cũng vô cùng nan giải.

Vì vậy, bên cạnh hạn chế, tiến tới xóa bỏ các nghĩa địa, nghĩa trang tự phát, gần khu dân cư không đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan thì việc quy hoạch, xây dựng các nghĩa trang tập trung, công viên nghĩa trang tại các khu vực ngoại thành, xa khu dân cư với hạ tầng đồng bộ, đầy đủ dịch vụ… là cần thiết. Vừa đáp ứng nhu cầu mai táng, các hoạt động tâm linh của người dân vừa giúp tiết kiệm được đất đai, đảm bảo vệ sinh môi trường đất, nước ngầm…

Cùng với khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nghĩa trang, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân, thay đổi dần các tập tục cũ; hạn chế, tiến tới chấm dứt hình thức hung táng, khuyến khích người dân thực hiện biện pháp hỏa táng, điện táng cho người thân qua đời, vừa đảm bảo đời sống tâm linh, vừa tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Nhờ chính sách hỗ trợ 5- 10 triệu đồng/1 ca hỏa táng tùy đối tượng mà đến nay tỉnh Hưng Yên có 100% số thôn có quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân, trong đó có khoảng 400 thôn xây dựng nghĩa trang nhân dân đồng bộ. Hay như các huyện Đông Anh, Thanh Trì… của Hà Nội, số gia đình thực hiện hỏa táng cho người thân khi qua đời đạt tỷ lệ từ 90% đến 96%, trong đó có những thôn đạt 100%. Đây là những bài học để các địa phương khác học tập, nhân rộng, làm thay đổi căn bản những tồn tại trong việc mai táng của người dân, nhất là người dân đô thị, qua đó thực hiện định hướng phát triển cuộc sống văn minh, hiện đại.

Theo Vân Thiêng/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load