Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ đào tạo nghề cho 2,45 triệu lao động vào năm 2015. Trong đó, đặt hàng dạy nghề cho 115,3 ngàn người thuộc diện hộ nghèo, người có công với cách mạng và con em của họ, người tàn tật, người dân tộc thiểu số.
Tại Hội nghị tập huấn Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 ngày 12/9 tại TPHCM, ông Dương Đức Lân, Phó Cục trưởng Cục Dạy nghề cho biết, chương trình sẽ tập trung trọng điểm cho đào tạo nghề của nông thôn và tăng cường các trang thiết bị dạy nghề, cơ sở vật chất tại các cơ sở dạy nghề này.
Năm 2015 sẽ đào tạo nghề cho 2,45 triệu lao động nông thôn.
Theo đó, tỷ lệ gắn với việc làm sau khi được học nghề tối thiểu đạt 70%. Đồng thời, dạy bổ sung kiến thức và một số kỹ năng nghề cho 1,8 triệu người để đạt được yêu cầu tham dự đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn quốc gia.
Dự án sẽ chú trọng việc điều tra, khảo sát và dự báo chính xác nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn. Ưu tiên đầu tư cho các cơ sở dạy nghề cấp huyện kiểu mẫu. Xây dựng và phát triển 200 chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề, xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề. Đồng thời xây dựng danh mục, thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp của 200 nghề. Phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề ở những bộ môn dạy nghề này.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Trưởng Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” là phải tập trung vào công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề đối với các lao động hiện có của nông thôn. Đồng thời, thành lập các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, sáp nhập các trung tâm dạy nghề trên địa bàn để tập trung cho việc đầu tư và quản lý các trung tâm này một cách có hiệu quả.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH nhận định, dự án đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, đã bồi dưỡng kỹ năng dạy cho người dạy nghề (kỹ sư nông nghiệp, nghê nhân, thợ giỏi, người có tay nghề cao) và đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 10.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề. Gần 8.000 giáo viên ở các trung tâm dạy nghề được đào tạo đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm dạy nghề.
Tính đến tháng 7/2013, trong tổng số 1.375 cơ sở có đủ điều kiện dạy nghề đã được các địa phương huy động để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn đã có 11.279 giáo viên cơ hữu, 8.032 giáo viên thỉnh giảng và 11.009 người dạy nghề trực tiếp. Có 466/537 trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề công lập cấp huyện thuộc 33/63 tỉnh thành phố được bố trí biên chế giáo viên cơ hữu.
Kết quả, trong 2 năm 2011-2012 đã bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về quản lý dạy nghề cho trên 10.000 người lao động nông thôn. Có 100% cán bộ quản lý dạy nghề ở cấp huyện và trên 70% cán bộ LĐTBXH cấp xã được tập huấn, huấn luyện…
Kinh phí đầu tư cho Dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” là 6.959 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương 5.779 tỷ đồng, chiếm 83% tổng dự án. Số còn lại 1.180 tỷ đồng sẽ huy động từ ngân sách của địa phương, viện trợ nước ngoài và các nguồn huy động xã hội khác.
Theo Chinhphu.vn
Theo