Do biên giới quốc tế đóng cửa cùng du lịch nội địa tạm dừng vì dịch Covid-19, khung cảnh thành phố George Town (Malaysia) trở nên ảm đạm, mòn mỏi chờ du khách trở lại.
Một cảnh tượng đã trở nên quen thuộc trên phố Chulia (thuộc thành phố George Town - thủ phủ bang Penang, Malaysia): các đầu bếp, nhân viên phục vụ của nhà hàng, khách sạn 5 sao đổ mồ hôi sau những chiếc khẩu trang khi lấy đồ ăn cho khách đem về.
Nhiều người Trung Quốc đứng đợi sau các quầy hàng ven đường, trả vài ringgit cho món súp nóng và mì.
Vắng bóng du khách, George Town - được mệnh danh là “viên ngọc quý” của ngành du lịch Malaysia - một lần nữa trở thành “vùng đất chết”, bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời như trước khi nơi này trở thành Di sản thế giới của UNESCO vào năm 2008, theo SCMP.
Các đơn vị kinh doanh ở George Town đóng cửa vì dịch. Lệnh phong tỏa khiến nhiều doanh nghiệp phải vật lộn để tồn tại. Ảnh: Kit Yeng Cha. |
Chật vật tồn tại
Lệnh phong tỏa ở các mức độ nghiêm ngặt khác nhau khiến nhiều người dân tại bang Penang nói chung và thành phố George Town nói riêng gặp khó.
Trong khoảng thời gian tích cực nhất của năm 2020, khi số ca mắc Covid-19 khắp Malaysia gần như không vượt quá 100 mỗi ngày, Penang vẫn sống sót nhờ khách du lịch nội địa cùng gói cứu trợ 75 triệu ringgit (18,4 triệu USD) do chính quyền bang Penang tài trợ, hướng đến tài xế xe 3 bánh, taxi, xe ôm công nghệ và người lao động có thu nhập thấp khác.
Tuy nhiên, một phần do sự chủ quan của lượng khách du lịch này, số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tăng gấp 10 lần trên toàn quốc, với hơn 3.000 ca mới được ghi nhận mỗi ngày, tính đến đầu tháng 1/2021.
Ngày 13/1, Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) thứ hai của Malaysia cấm người dân đi lại giữa các bang, đồng thời áp đặt một số hạn chế tại địa phương, mà về cơ bản là đóng cửa 2 cây cầu nối đảo Penang với đất liền Malaysia.
Đến hôm 10/2, một số hạn chế được nới lỏng. Các nhà hàng được phép nhận 2 khách trên một bàn; người dân có thể di chuyển trong bán kính 10 km từ nhà với điều kiện phải đeo khẩu trang. Sau đó, MCO được thay thế bằng Lệnh kiểm soát di chuyển phục hồi.
Các đầu bếp của khách sạn Jen ở George Town phải đổ ra lề đường để duy trì hoạt động kinh doanh. Ảnh: Marco Ferrarese. |
Việc tiêm vaccine Covid-19 ở Malaysia cũng được tiến hành. Tuy nhiên, triển vọng cho các hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch ở George Town vẫn còn ảm đạm.
Raj Kumar - thuộc Hiệp hội Khách sạn Malaysia - cho biết: “Du lịch và dịch vụ đóng góp 49% GDP của Penang. Để phục hồi đúng cách, ưu tiên trước mắt của chúng tôi là tổ chức các chiến dịch nhằm thu hút và xây dựng lại niềm tin nơi khách du lịch”.
Tuy nhiên, cho đến khi những vị khách đó bắt đầu trở lại, duy trì kinh doanh là điều khó khăn đối với nhiều người.
Michael Hanratty - Giám đốc khách sạn 5 sao G Hotel ở Penang - cho biết: “Công việc kinh doanh gần như sụp đổ nhưng các chi phí vẫn cần được trang trải. Chúng tôi phải tìm cách giữ lại tất cả nhân viên và sáng tạo cách để kiếm tiền”.
Theo Hanratty, khách sạn của ông bắt đầu bán đồ ăn mang đi, thậm chí điều chỉnh thực đơn để phù hợp với từng dịp như lễ hội Hari Raya, Giáng sinh hay Tết Nguyên đán.
Đối với chỗ ở, G Hotel thực hiện chính sách hủy phòng linh hoạt, đồng thời đưa ra giá phòng hợp lý kèm theo dịch vụ hấp dẫn cho du khách nội địa.
Một số khách sạn 5 sao khác như Jen (ở George Town) hay Rasa Sayang và Golden Sands (nằm trên bờ biển phía bắc khu nghỉ mát Batu Ferringhi) cử các đầu bếp hàng đầu ra lề đường để chế biến phiên bản bình dân của những món ăn đắt đỏ của họ.
Các khách sạn hạng sang nổi tiếng như Holiday Inn và Equatorial đã đóng cửa hơn 1 năm nay.
Một nhà hàng bán đồ mang đi ở phố Chulia, George Town. Tình thế khó khăn vì vắng bóng khách du lịch khiến nhiều đơn vị kinh doanh phải sáng tạo để tồn tại. Ảnh: Kit Yeng Chan. |
Yeoh Soon Hin - Ủy viên hội đồng điều hành bang Penang về du lịch và kinh tế sáng tạo - đánh giá việc các nhà hàng cao cấp bán đồ ăn mang đi với giá cả phải chăng là sáng tạo cần thiết nhằm cứu vãn ngành du lịch George Town trong bối cảnh vắng bóng khách du lịch quốc tế.
Theo ông, khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn ở Malaysia, Penang cần tập trung vào mảng du lịch nội địa một cách có trách nhiệm, bởi biên giới quốc tế dường như sẽ không sớm mở lại.
Lạc quan
Nghệ thuật, lĩnh vực chính hái ra tiền khác của Penang, cũng trở thành nạn nhân của sự khan hiếm du khách.
Những bức tranh tường nổi tiếng được Ernest Zacharevic - nghệ sĩ người Lithuania - tạo nên trong khuôn khổ Lễ hội George Town 2013 đang mờ dần, khiến ít người để mắt tới.
“Tranh tường luôn là nguồn thu nhập chính của tôi. Tất nhiên, khi không thể rời nhà vào tháng 3/2020, tài chính của tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Sau đó, tôi làm việc toàn thời gian cho một công ty, nhưng nơi này có thị trường hạn chế ở Penang”, Bibichun - nghệ sĩ địa phương - nói.
Trong khi đó, một số người lạc quan tin rằng đây là cơ hội để Penang suy ngẫm về di sản của mình.
Nghệ thuật đường phố giúp thu hút hàng triệu du khách và đem lại tiền bạc. Thế nhưng, sự thương mại hóa, kiểm soát từ chính phủ cũng tạo ra tình trạng phụ thuộc lẫn nhau giữa du lịch và chỉnh trang đô thị - điều kìm hãm tính sáng tạo của địa phương.
Cuối tháng 1, Bibichun hoàn thiện những nét vẽ cuối cùng cho bức tranh tường ở thị trấn Air Hitam như một phần của dự án mới do chính phủ hậu thuẫn, nhằm giúp nơi này chuẩn bị cho sự trở lại của khách du lịch trong nước.
Một trong những bức tranh tường nổi tiếng của George Town. Ảnh: Getty. |
Thời gian cũng là yếu tố quyết định khả năng tồn tại của Lễ hội Thuyền rồng Quốc tế Penang (thường được tổ chức vào tháng 6), Lễ hội Văn học tại George Town (tháng 11), Lễ hội Butterworth Fringe (tháng 12) và nhiều sự kiện khác thường thu hút hàng nghìn khách du lịch đến đảo ngọc Penang.
Joe Sidek - vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Penang - cho biết: “Đã đến lúc hình dung, nhìn nhận, đánh giá và suy nghĩ lại”.
Lần phong tỏa gần đây nhất đã cản trở công việc của Sidek trong 3 lễ hội nghệ thuật ở Kuala Lumpur và Penang. Tuy vậy, ông đã thành lập Creative Brands Penang nhằm giúp đỡ các nghệ nhân ở Penang, đồng thời lên kế hoạch tổ chức O: PEN - chuỗi sự kiện nghệ thuật cuối tuần nhằm nổi bật sự đa dạng, độc đáo của địa phương này, dự kiến diễn ra trực tuyến.
Sự không chắc chắn cũng ảnh hưởng đến các địa điểm văn hóa và biểu diễn nghệ thuật chính của Penang. Nhiều nơi đã bị đóng cửa trong thời gian dài.
Khi tiếp tục phải chờ đợi cuộc sống bình thường trở lại, một số người nghĩ rằng việc thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh có thể đem lại sự tích cực.
“Du lịch quốc tế sẽ phát triển trở lại, dù đó là lời cảnh tỉnh rằng hòn đảo đang gặp khó khăn khi không có thu nhập từ nước ngoài”, Aida Redza - biên đạo múa kiêm vũ công - nói.
Cô chia sẻ thêm: “Chính quyền Penang nên nhận ra rằng họ cần hỗ trợ nhiều hơn cho các hoạt động nghệ thuật độc lập và không chính thống, di sản địa phương, văn hóa truyền thống, tự nhiên. Đó là điều Penang thực sự cần để mang lại chất lượng du lịch cho George Town”.
Theo Thiên Nhi/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/dao-ngoc-malaysia-thanh-vung-dat-chet-vi-dich-post1191113.html