Thứ bảy 14/09/2024 04:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam

00:14 | 08/08/2015

(Xây dựng) - Sáng ngày 7/8, tại Khách sạn InterContinental Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội thảo quốc tế Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam. Đến dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; cùng với các đại biểu, các doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.

Góp phần thay đổi diện mạo của Việt Nam

Báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo cho biết: Trong chặng đường 20 năm (1995-2015) là chặng đường mang tính bước ngoặt, khẳng định đường lối đổi mới và hội nhập đúng đắn của Việt Nam. Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ và thường xuyên với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế thông qua nguồn vốn ODA là động lực quan trọng cả về vật chất và tinh thần để Việt Nam vượt qua khó khăn.

Trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 05 nghị định về quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA. Nghị định sau tiến bộ hơn nghị định trước theo hướng đồng bộ và nhất quán với hệ thống quản lý nhà nước về đầu tư công, hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, tiệm cận với các chuẩn mực và phù hợp thông lệ quốc tế

Nguồn vốn ODA vào Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu gồm: ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10 - 12%, ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8 - 10%. Lũy kế từ năm 1993-2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.

Hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực. Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt. Nguồn ODA mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua không chỉ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đã khẳng định: Trong hơn 20 năm qua, chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút các nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo đã được khẳng định và nhấn mạnh trong các nghị quyết, đặc biệt là văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ: “Phát huy nội lực và sức mạnh của dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

Từ năm 1993 đến nay đã có hơn 50 nhà tài trợ quốc tế đồng hành trên mọi hoạt động hợp tác phát triển trong hầu hết các lĩnh vực, các ngành và trên địa bàn cả nước với quy mô vốn ODA cam kết khoảng 80 tỷ USD.  Nguồn vốn này đã góp phần quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Nguồn ODA đã cung cấp một lượng vốn lớn quan trọng cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước và xã hội của Việt Nam chưa được phát huy cao độ. Với lượng vốn ODA qua 20 năm cam kết chiếm trên 10% trên tổng nguồn vốn của xã hội đã đóng góp tích cực vào đầu tư phát triển cho Việt Nam, nhất là các lĩnh vực quan trọng như giao thông, điện lực, thủy lợi, cơ sở hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi  khí hậu…

“Thông qua ODA, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi đánh giá cao và cảm ơn cộng đồng quốc tế đã tài trợ, đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam trong 20 năm qua” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần sử dụng có hiệu quả nguồn vốn

Trong quá trình phát triển hiện nay, nhu cầu vốn của Việt Nam rất là lớn, nhất là lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Sự quan tâm của các nhà tài trợ trong việc cung cấp vốn ODA và các nguồn vốn ưu đãi khác tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh, bền vững trong tương lai.

Bên cạnh hiệu quả từ nguồn vốn mang lại thì công tác thu hút, quản lý và sử dụng ODA trong thời gian qua còn bộc lộ không ít hạn chế, tồn tại. Năng lực hấp thụ nguồn vốn ODA của ngành, địa phương còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân ODA so với nguồn vốn ODA đã ký còn thấp. Quy trình, thủ tục vẫn còn rất phức tạp, phiền hà; năng lực quản lý chương trình, dự án ở một số nơi, ở một số địa bàn vẫn chưa theo kịp yêu cầu quản lý ngày càng cao cả trong nước và quốc tế.

Theo GS.TS Vương Đình Huệ: Việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn, nhất là sau khi Việt Nam “tốt nghiệp ODA” vào năm 2018 và những năm tiếp theo; trên thực tế, các nguồn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA; do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu; do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập.

Về công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra định hướng: Đối với ODA không hoàn lại cần sử dụng thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người;  hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân nhất là người nghèo; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đối với vốn vay ưu đãi sử dụng đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao tại các TP lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao…

Trước hạn chế tồn tại, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các nhà quản lý lắng nghe ý kiến từ các phía, các chuyên gia đề xuất Chính phủ có chính sách, giải pháp quản lý, huy động nguồn vốn nói chung, trong đó có vốn ODA một cách hiệu quả, đặc biệt là trong điều kiện nguồn vốn ODA không còn nhận được dồi dào như trước, phải tiếp cận huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn.

Đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiêm túc đánh giá, khắc phục hạn chế yếu kém cả về cơ chế chính sách, cả về các giải pháp trong quản lý ODA, tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm sao đảm bảo nguồn vốn ODA được sử dụng đúng mục đích, đạt hiểu quả. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và cam kết nỗ lực hết sức mình để sử dụng nguồn vốn ODA một cách có hiệu quả nhất.

Nguyễn Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load