Tóp mỡ rim mắm, xào tỏi, xào dưa chua, băm nhỏ để rang cơm, món khoái khẩu của thời kỳ bao cấp Việt Nam nay bỗng dưng được dân nhà giàu Hà Nội săn mua về ăn. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải ăn dè, chia đếm từng miếng tóp mỡ một.
Mốt ăn tóp mỡ “bao cấp”
Vừa đỗ chiếc xe ôtô màu trắng sang trọng, bóng loáng trước một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), chị Đặng Phương Thảo ở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) bước nhanh vào trong, hỏi nhân viên bán hàng “Tóp mỡ chị đặt tuần trước có rồi đúng không em?”. Ngay sau đó, chị cười khoái chí vì nhận được câu trả lời “Tóp mỡ của chị có rồi ạ”.
Món tóp mỡ phổ biến thời bao cấp nay được dân nhà giàu Hà Nội mua ăn.
Chị Thảo chia sẻ, tóp mỡ chị đặt mua không phải từ mỡ lá mà là mỡ khẩu nên ăn cực kỳ thơm, tóp lại giòn, không quá béo ngậy. Loại tóp mỡ này có thể chế biến thành đủ các món như: om dưa, xào dưa, băm nhỏ rang cơm hay đơn giản hơn là là rim mắm Phú Quốc ăn với cơm trắng cũng “đánh bay” được mấy bát cơm.
Hôm đầu tiên, thấy chị xách túi tóp mỡ kèm túi dưa chua về để nấu ăn tối, mẹ chồng chị bảo, thời kỳ bao cấp thịt lợn hiếm phải chờ có tem phiếu mới mua được mấy lạng. Mua về rồi thì cắt ra phân loại, thịt nạc để làm ruốc cho các con ăn dần, phần mỡ đem rán lên lấy mỡ xào nấu sau này. Còn tóp mỡ cũng được cất đi để ăn dần.
Mẹ chồng chị còn nói, thời đó, cuộc sống khổ cực khổ, gạo không có đủ để ăn, nhiều khi phải độn cơm với chuối, với sắn nên bữa cơm có một vài miếng tóp mỡ ăn cùng thì quý và sang như thời bây giờ dân được ăn trứng cá tầm.
Kể từ đó, các thành viên trong gia đình chị khoái ăn món tóp mỡ. Hôm nào có món tóp mỡ cũng chạy cơm. Tuy nhiên, chị Thảo cho biết thêm, ở Hà Nội bây giờ tìm mua được món tóp mỡ cũng không dễ dàng gì, chị toàn phải đặt hàng trước cả tuần mới có. Khi mua được cũng phải ăn dè xẻn vì sợ hết, lúc thèm, muốn ăn lại không mua được ngay.
“Thế nên, thời nay tóp mỡ cũng quý và hiếm chẳng khác gì thời bao cấp mà mẹ chồng tôi kể”, chị nói.
Chị Nguyễn Thị Loan ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ, cứ một tháng hai lần chị đặt mua tóp mỡ về ăn với số lượng 2kg cho mỗi lần đặt.
Chị kể, lúc còn nhỏ ở quê, cuộc sống của gia đình khó khăn vất vả, bố mẹ không có tiền mua thịt cho con ăn, chỉ có tiền mua mỡ về rán lấy mỡ nước nấu các món ăn khác, phần tóp mỡ được cất riêng để rim mắm hay sốt với cà chua ăn dần. Lớn lên nhà có điều kiện, cuộc sống khấm khá hơn, thay vì dùng mỡ gia đình chị chuyển sang ăn dầu vì tiện lợi nên món tóp mỡ cũng chỉ là quá khứ.
“Giờ muốn ăn tóp mỡ mà hơi khó mua. Tôi cứ phải đặt của mấy bà hàng thịt ở quê gửi lên cho”, chị Loan nói. Lợn ở quê nuôi cám ngô, sắn dân tự nấu nên nhiều mỡ, lọc mỡ khẩu đó ra đem rán tóp mới thơm ngon, đảm bảo sạch.
“Hôm trước chưa kịp đặt mua, nhà còn có một ít, lúc nấu ăn chồng tôi còn ngồi đếm miếng để chia đôi số tóp mỡ đó làm hai phần, một phần để xào dưa ăn bữa tối, phần còn lại để băm nhỏ rang cơm ăn bữa sáng”, chị Loan nói.
Hiện nay tóp mỡ có cao gần gấp đôi so với giá thịt lợn ngoài chợ nhưng vẫn được nhiều người đặt mua.
Đắt gần gấp đôi thịt, vẫn tranh mua
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Thành Trung, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, dân Hà Nội đang rộ lên mốt ăn tóp mỡ lợn dù có giá 150.000 đồng/kg, đắt gần gấp đôi so với thịt lợn.
Cách đây gần nửa năm, anh bắt đầu bán thịt lợn quê, thấy lợn khá nhiều mỡ nên anh nhờ thợ lọc bớt những phần đó ra để rán lấy mỡ nước bán riêng. Lúc đó, nhiều người hỏi mua cả tóp mỡ. Thế nên anh nhờ mối tìm mua thịt mỡ ở quê và rán lấy tóp mỡ bán cho khách ở Hà Nội.
Anh Trung chia sẻ, loại tóp này không phải là miếng mỡ bóc ra từ phần dính vào nội tạng của con lợn (mỡ lá) mà là mỡ khẩu (phần mỡ mông, vai, cổ của lợn) được lọc riêng ra rồi thái nhỏ, sau đó rán lên. Tất nhiên, loại tóp mỡ này đảm bảo sạch.
Miếng tóp mỡ giòn, không quá béo ngậy, lại thơm, ăn miếng tóp thỉnh thoảng có dính chút thịt nạc thì hơi dai dai, làm đồ nhậu cực ngon, anh nói.
Tuy nhiên, để miếng tóp được thơm, ngon, rán lên hơi có màu hơi vàng thì lúc làm phải sơ chế rất kỹ. Ví như, thịt mỡ thái nhỏ rửa sạch, sau đó cho đổ nước vào nồi đun sôi. Khi mỡ chín, đổ ra chậu rồi rửa sạch lại một lần nữa. Lúc này mùi hôi của lợn không còn. Để mỡ thật ráo nước rồi mới cho lên rán. Làm vậy mỡ sẽ ngon, mỡ nước cũng sẽ sạch và có màu trắng tinh.
Theo anh Trung, khách thì nhiều mà một con lợn lọc ra lấy phần thịt nhiều mỡ ít nạc thì chỉ được 3-4 kg nên tóp mỡ khá hiếm. Thường khách hàng của anh phải đặt trước từ 5-7 ngày mới có.
Theo Như Băng/Vietnamnet.vn
Theo