(Xây dựng) – Cuộc sống của những người dân trong các ngõ tối của phố cổ chật chội, nhọc nhằn là vậy, nhưng việc họ phải rời khỏi nơi này, cũng còn là một trăn trở lớn của đa số những người dân lao động nghèo nơi này.
Những quán nhỏ hái ra tiền
UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định đầu tư dự án khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, Quận Long Biên vào ngày 1.8.2013. Nhưng đa số người dân đều không muốn rời mảnh đất “vàng” này để đi nơi khác.
Dọc lên phố hàng Ngang, tôi gặp anh Xuân, làm nghề xe ôm đang co ro trong chiếc áo mưa sũng nước, anh cho biết, nhà anh chỉ có 3m2 cho 2 bố con ở, tường nhà đã nứt nhiều chỗ. Mưa xuống là nước từ bên ngoài rỏ tong tỏng vào nhà.
Thế nhưng khi hỏi anh về chuyện nhà nước đầu tư dự án khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, Quận Long Biên, anh băn khoăn “ Tôi làm nghề xe ôm, tối đến thì chở hàng thuê cho chợ đêm. Ở đây tôi còn có công việc để làm, chuyển sang bên đó ở, tôi biết làm gì để sống”.
Chị Hiên cũng băn khoăn “ Vợ chồng tôi ở đây dù sao cũng nhiều việc để làm ra tiền, ban ngày tôi bán bánh rán, tối tôi bán trà chanh trên chợ đêm. Chồng tôi thì đánh khóa, dù không dư giả nhiều nhưng cũng đủ sống, chứ sang bên khu đô thị mới đất không có để trồng cấy, làm gì mà sống?”.
Những người lao động nhiều tuổi, quen với cuộc sống thường nhật của việc kinh doanh buôn bán thì lo sợ, băn khoăn không muốn rời đi. Nhưng những người trẻ thì lại vô cùng hào hứng và phấn khởi khi nghe đến quyết định này của nhà nước.
Bà Thanh chia sẻ “ Vợ chồng tôi nghe đến Quyết định của nhà nước đầu tư dự án khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, Quận Long Biên, thì băn khoăn lắm, không muốn dời đi vì còn nghề kiếm sống sinh nhai ở đây. Nhưng vợ chồng con trai tôi thì các cháu hào hứng lắm, thậm chí cả đêm các cháu mừng không ngủ được. Hai vợ chồng đều làm công chức nhỏ chỉ mơ ước một căn chung cư văn minh thoáng đãng để cho con cái được ổn định học hành”.
Số nhà 47 Hàng Bạc, được đánh gía là ngôi nhà cổ nhất Hà Nội với 50 nhân khẩu sống trên 200m2. Họ đều mong muốn có chỗ ở mới sạch đẹp hơn, họ chỉ băn khoăn về việc sẽ phải làm gì khi rời khỏi phố cổ, nơi họ có thể kiếm sống hàng ngày.
Những người trẻ, công nhân, viên chức, công chức, người già về hưu lại rất ủng hộ và vui mừng trước Quyết định di dời của nhà nước. Bởi họ có công việc và đồng lương ôn.định.
Còn đa số người dân ở phố cổ đều làm kinh doanh buôn bán, người cắt tóc, bán quần áo, quán nước, tạp hóa, bán bún, phở…trăm thứ nghề ra tiền, khách nước ngoài đi lại đông, khu đất vàng này là nơi ra ngõ cũng có thể kiếm được tiền. Nên đa số người dân không muốn di dời bởi nỗi lo sợ mất kế sinh nhai.
Cho dù vậy, thì người dân ở phố cổ vẫn mong muốn có một chỗ ở ổn định, sạch sẽ và an toàn, họ mong muốn nhà nước quan tâm đến chính sách đền bù thỏa đáng để người dân có điều kiện sinh sống ở nơi mới được ổn định.
Hạ Ly
Theo